Nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng trưởng nặng, bộ phận sinh dục nhỏ

Hoàng Lê

(Dân trí) - Các bác sĩ cảnh báo, khi gặp phải tình trạng khó nhận biết này, trẻ ngoài chậm tăng trưởng chiều cao còn có thể dẫn đến trí nhớ kém, mặt như búp bê, tay chân và bộ phận sinh dục nhỏ…

Tại chương trình tầm soát miễn phí chậm tăng trưởng chiều cao, vừa diễn ra ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM), các bác sĩ đã tiết lộ những nguyên nhân quan trọng khiến trẻ gặp phải tình trạng trên.

Mặt như búp bê, bộ phận sinh dục nhỏ vì thiếu GH

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Cao Phương Duy, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, trên thực tế nhiều phụ huynh vẫn cho rằng nguyên nhân con thấp lùn chủ yếu do dinh dưỡng.

Có nhiều trường hợp trẻ đến khám tại bệnh viện khi đã điều trị một thời gian ở nơi khác, hoặc can thiệp dinh dưỡng nhưng không hiệu quả. Mặt khác, còn không ít phụ huynh chưa hiểu biết đúng và đủ về chứng chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu GH ở trẻ.

Theo các bác sĩ, quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ được chia thành nhiều giai đoạn. Trong đó, có hai giai đoạn sự tăng trưởng chiều cao diễn ra vượt trội, là từ khi chào đời đến 2 tuổi và tuổi dậy thì. Dù nhanh hay chậm, giai đoạn tăng trưởng nào cũng quan trọng.

Khi trẻ từ 4 tuổi trở lên, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của con em. Nếu đường cong biểu diễn chiều cao của trẻ nằm ngang, đi xuống hoặc tốc độ tăng trưởng ≤ 4 cm/năm và đã loại trừ suy dinh dưỡng, rất có thể trẻ rơi vào trường hợp chậm tăng trưởng chiều cao.

Nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng trưởng nặng, bộ phận sinh dục nhỏ - 1

Nhiều phụ huynh đưa con đến chương trình tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao (Ảnh: BV).

Có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, như di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, thiếu hormone tăng trưởng GH…

Yếu tố di truyền là không thể thay đổi được. Riêng thiếu GH, dù thế giới ước tính chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/3.000-1/4.000, nhưng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em và rất khó nhận biết.

Cụ thể, GH đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của hệ cơ xương, quyết định chiều cao của cơ thể. Hormone này còn tác động lên chức năng chuyển hóa của cơ thể, bao gồm sự phân bố dịch, chuyển hóa lipid (chất béo), protein, cacbohydrate, sức cơ và hệ tim mạch.

Thiếu GH ở trẻ em có thể đơn độc hoặc đi kèm với sự thiếu hụt các hormone tuyến yên khác, dẫn đến sự tăng trưởng chậm bất thường, chiều cao thấp với tỷ lệ cơ thể bình thường.

Ở trẻ thiếu GH thể nhẹ, dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chiều cao hạn chế có thể khiến trẻ mặc cảm, tự ti. Còn ở thể nặng, trẻ sẽ có những biểu hiện như giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên gương mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận sinh dục nhỏ ở nam...

Nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng trưởng nặng, bộ phận sinh dục nhỏ - 2

Nhân viên y tế kiểm tra chiều cao để tầm soát vấn đề chậm tăng trưởng ở trẻ (Ảnh: BV).

Một số trẻ thiếu GH có thể có mỡ quanh vùng bụng, mũm mĩm, dù tỷ lệ cơ thể bình thường.

Trẻ thiếu GH cũng có thể sẽ thường xuyên thấy mệt mỏi. Ngoài ra, một số các triệu chứng về tâm lý cũng có thể xảy ra, như thiếu tập trung, trí nhớ kém… Do vậy, cha mẹ cần theo dõi sát chiều cao của bé, nếu thấy tốc độ tăng trưởng dưới 4-6cm/năm thì nên đưa con đi khám ngay.

Điều trị tính bằng năm

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh, khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, trẻ chậm cao nếu được chẩn đoán chính xác do thiếu GH sẽ được tư vấn điều trị bổ sung hormone này. Việc điều trị cần được thực hiện sớm, tốt nhất là trong giai đoạn từ 4-13 tuổi, trước khi các sụn xương đóng lại.

Sau 3-6 tháng điều trị, trẻ sẽ được đo lại chiều cao và xét nghiệm máu để đánh giá kết quả và chỉnh liều thuốc nếu cần. Trẻ đáp ứng với điều trị sẽ cao từ 8-12 cm/năm. Khi đến tuổi dậy thì, trẻ sẽ được đánh giá lại xem có tiếp tục bổ sung GH hay ngừng lại.

Nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng trưởng nặng, bộ phận sinh dục nhỏ - 3

Cha mẹ cần theo dõi sát chiều cao của bé, nếu thấy tốc độ tăng trưởng dưới 4-6cm/năm thì nên đưa con đi khám ngay (Ảnh: BV).

Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, các bác sĩ đã chẩn đoán và điều trị thành công cho nhiều trẻ chậm tăng trưởng do thiếu GH.

Như trường hợp của một bé gái tên Thư (12 tuổi, tên đã thay đổi). Theo bệnh sử, đến năm 10 tuổi, bé chỉ cao 126,5cm, nặng 30kg, luôn là người thấp nhất so với các bạn xung quanh. Sau 2 năm điều trị bằng GH, bé đã cao 148cm, nặng 41kg, nằm trong mức trung bình so với trẻ cùng lứa tuổi.

Hay bé Tân (15 tuổi, tên đã thay đổi) đã được cha mẹ phát hiện tăng chiều cao rất chậm từ năm 4 tuổi (3-4 cm/năm). 6 năm điều trị GH liên tục, đến khi 13 tuổi, bé xuất hiện dấu hiệu dậy thì nên gia đình quyết định ngưng điều trị. Hiện tại sau dậy thì 1 năm, bé đã cao 165cm.

Bác sĩ Ngọc Anh khuyến cáo, điều trị chậm tăng trưởng do thiếu GH là một quá trình lâu dài, có thể qua nhiều năm. Do đó, cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều cần kiên trì, đồng hành sát sao để mang lại kết quả tốt nhất.