Nguy kịch vì "xơi" phải heo "tai xanh"?

(Dân trí) - Lợn mắc bệnh "tai xanh" rất có thể mắc thêm bệnh liên cầu khuẩn. Đây là căn bệnh đã khiến hàng chục người phải đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, trong đó đã có một số trường hợp bị tử vong.

Khó nhận biết bệnh lợn "tai xanh" hay liên cầu khuẩn

Ông Hoàng Văn Năm, Cục phó Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Heo bị mắc bệnh này thường có các triệu chứng như bỏ ăn, da đỏ (do bị xuất huyết), mạch máu phù nề; sốt cao, chảy nước mũi, mắt sưng húp, xù lông, nằm rũ một chỗ; vùng ngực, hậu môn, chỗ da non, tai bị xuất huyết và chuyển sang màu tím xanh nên thường gọi là bệnh tai xanh hay hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn.

Nguyên nhân gây bệnh là do loại virut Lelystad gây ra và thường có trong dịch nước mũi, nước bọt, tinh dịch, phân... của lợn và có thể phát tán rất nhanh trong quá trình tiếp xúc, vận chuyển lợn bị bệnh đến các khu vực khác

Theo ông Năm, chưa có bằng chứng nào cho thấy bệnh này lây nhiễm sang người. Tuy nhiên, lợn bị bệnh "tai xanh" thường rất dễ mắc thêm bệnh liên cầu khuẩn, do vi khuẩn streptococcus suis khư trú sẵn ở đường hô hấp lợn. Khi có cơ hội sẽ phát triển tức và gây bệnh. Nhưng điều nguy hiểm là người có thể mắc bệnh liên cầu khuẩn do tiếp xúc trực tiếp hoặc ăn thịt, tiết canh lợn bị bệnh.

Năm vừa qua, ngành Y tế đã ghi nhận hàng chục bệnh nhân phải vào điều trị tại Viện Các bệnh nhiệt đới và Truyền nhiễm quốc gia vì căn bệnh liên cầu khuẩn với biểu hiện sốt cao, mê man (do viêm màng não mủ)... và 2 người trong số này đã tử vong.

Trong khi đó, việc nhận biết lợn bị tai xanh hay liên cầu khuẩn khá khó khăn vì cả hai loại bệnh này đều có triệu chứng khá giống nhau. Muốn nhận biết lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn phải thông qua các xét nghiệm.

Phòng nhiễm bệnh từ lợn

Hiện nay, dịch lợn tai xanh đang bùng phát dữ dội ở nhiều địa phương trên cả nước. Các chuyên gia thú y đều cho rằng, rất có thể lợn mắc bệnh tai xanh cũng đã mắc bệnh liên cầu khuẩn hoặc các bệnh lây nhiễm kèm theo. Chính vì vậy, những người tiếp xúc và chăm sóc trực tiếp lợn ốm chết có nguy cơ bị lây nhiễm liên cầu khuẩn từ lợn là rất lớn.

Đặc biệt, trong thời gian qua, khi thấy có hiện tượng lợn sốt cao, bỏ ăn, một số người dân ý thức kém cùng với tâm lý hoang mang đã bán chạy, bán tháo số lợn bị bệnh với giá rẻ. Điều này không chỉ khiến dịch bệnh thêm lây lan nhanh chóng ra các vùng khác mà còn gây thêm hậu quả là có thêm một bộ phận người buôn bán hoặc tiêu dùng vô tình tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh, thịt bệnh và có thể nhiễm khuẩn. Nguy cơ lây bệnh, đặc biệt là bệnh liên cầu khuẩn sẽ càng tăng lên gấp bội.

Để phòng nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn sang người, các chuyên gia y tế khuyên người dân nên cẩn trọng hơn khi sử dụng hoặc tiếp xúc với lợn. Lợn bị bệnh thường có biểu hiện khác biệt như da đỏ, thịt đỏ, nội tạng đỏ hơn mức bình thường. Tốt nhất là mua thịt đã được kiểm dịch ở những cửa hàng có uy tín.

Các chuyên gia y tế cũng đưa ra lời cảnh báo đặc biệt đối với những ai có thói quen ăn tiết canh (không chỉ của lợn mà của dê và các gia súc khác) nên từ bỏ sở thích này, vì món ăn này không chỉ gây ra bệnh liên cầu khuẩn mà còn là một trong những thủ phạm gây ra dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm ở người hiện nay.

P. Thanh