Nguy cơ lây nhiễm cao từ trẻ có HIV

(Dân trí) - Hiện có 23.400 trẻ dưới 19 tuổi đang có HIV và phân bố khắp các vùng miền Việt Nam. Vấn đề là nếu chúng ta không quan tâm và thay đổi thái độ thì không chỉ quá trình phát bệnh của trẻ bị đẩy nhanh mà còn gia tăng sự lây lan ra cộng đồng.

Sự kì thị và phân biệt đối xử

 

Kết quả khảo sát và đánh giá của UNICEF cho thấy sự kì thị và phân biệt đối xử là nguyên nhân gây cản trở sự tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và giáo dục đồng thời gây căng thẳng thần kinh (trẻ bị cô lập với bạn bè và cộng đồng). Nỗi lo lắng bị kì thị cũng khiến các gia đình có người mắc HIV e ngại chia sẻ thông tin.

 

Ở nước ta, trẻ em và người lớn, đặc biệt là phụ nữ có HIV đều phải đối mặt với sự kì thị và phân biệt đối xử trong mọi mặt của cuộc sống, xã hội. Sự kì thị và phân biệt đối xử ở Việt Nam thể hiện ở chỗ: họ cô lập và tránh tiếp xúc với người có HIV. Khảo sát cho thấy: có tới 44% phụ nữ sẽ không mua rau quả tươi từ một người nhiễm HIV, 36% cho rằng một giáo viên dương tính với HIV không được phép tiếp tục dạy học.

 

Nguyên nhân là do họ sợ sẽ bị lây khi tiếp xúc hàng ngày. Hơn nữa, mặc dù đã có sự biến chuyển trong nhận thức nhưng phần lớn cộng đồng dân cư đều cho rằng những người bị nhiễm HIV mắc bệnh là do các hoạt động tệ nạn xã hội.

 

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nhiều bậc phụ huynh ngần ngại khi đưa con đi xét nghiệm. Kết quả là trẻ không nhận được sự chăm sóc y tế và điều trị tốt nhất cũng như làm ảnh hưởng tới sự giám sát, quản lý của chính phủ.

 

Nhà trường và phụ huynh học sinh cũng tạo ra những rào cản trong học tập, đặc biệt là các lớp mẫu giáo và các khoá đào tạo nghề. Trong một diễn đàn về trẻ em, nhiều trẻ có HIV cho biết: Các em bị tẩy chay và bị bắt nạt bởi các bạn cùng trang lứa và bị phân biệt đối xử bởi giáo viên. Những người chăm sóc trẻ này cho biết họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhập học cho trẻ và động viên trẻ đến trường. Còn bản thân trẻ bị cô lập khỏi bạn bè cùng trang lứa. Hơn 1/4 trẻ tham gia vào cuộc đánh giá cho biết các em có ít hoặc không có bạn.

 

Chăm sóc đúng cũng là cách để bảo vệ cộng đồng

 

Kết quả khảo sát của Uỷ ban dân số gia đình trẻ em cho thấy chỉ 58,7% trẻ bị ảnh hưởng HIV đang sống với bố hoặc mẹ hoặc cả hai. Một số trẻ không được gia đình, họ hàng sẵn lòng chăm sóc nên bị gửi vào các trung tâm bảo trợ trẻ em. Những đứa trẻ này cho biết chúng luôn cảm thấy buồn, bị bỏ rơi và thiếu sự yêu thương của những người xung quanh.

 

Một điều đáng chú ý là nguy cơ lây nhiễm HIV cho trẻ em tại những trại cải tạo, các trung tâm phục hồi nhân phẩm và các nhà tù bình thường đang rất cao, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm từ các đối tượng mại dâm và sử dụng ma tuý. Tại đây, người ta phát hiện trẻ được nhận chung cùng người lớn trong khi theo quy định, trẻ dưới 16 tuổi chỉ có thể được đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội và trại cải tạo.

 

Không những vậy, một kết quả khảo sát trong năm 2007 đã cho thấy: hơn 1/3 số đối tượng dưới 18 tuổi đã hoặc đang sử dụng ma tuý và gần một nửa trong số này đã từng quan hệ tình dục và sử dụng ma tuý trong quá trình ở tại các trung tâm.

 

Hiện nay, chính phủ nước ta đã nhận thức được nguy cơ lây nhiễm HIV cao của các đối tượng nhiễm HIV trong các trung tâm này và có kế hoạch tiến hành cải tạo, tuy nhiên mức độ can thiệp còn rất hạn chế. Điều đó cũng có nghĩa cùng với sự kì thị và phân biệt đối xử của xã hội, vấn đề chăm sóc và quản lý những trẻ bị ảnh hưởng HIV đang còn nhiều bất hợp lý. Và chừng nào những vấn đề này chưa được giải quyết, cộng đồng còn phải gánh chịu hậu quả do nguy cơ lây nhiễm từ HIV.

 

Lan Hương