Người Việt chi 40% tiền túi cho chi phí khám chữa bệnh

Nam Phương

(Dân trí) - Đến năm 2022 chỉ 9% thuốc mới có mặt tại nước ta trong số 460 thuốc mới ra thị trường (2012-2021). Thời gian 5 năm chưa cập nhật danh mục bảo hiểm khiến người bệnh khó tiếp cận liệu pháp điều trị mới.

Tỷ lệ chi tiền túi từ người bệnh vẫn còn cao

Tại nước ta, bệnh viện công chiếm 95% tổng số giường bệnh. Vì vậy, danh mục thuốc được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người bệnh. Từ năm 2018 đến nay (5 năm), danh mục này chưa được cập nhật, bổ sung các thuốc mới một cách tổng thể.

Lần cập nhật gần nhất vào năm 2022 chỉ bổ sung danh mục thuốc điều trị Covid-19 mà không cập nhật thuốc mới.

Vì thế, nhiều bệnh nhân phải tự bỏ tiền túi để chi trả. Theo báo cáo tại hội thảo BHYT ngày 6/7, người Việt đang phải tự trả 40% chi phí khám chữa bệnh, gấp đôi khuyến cáo của WHO. Điều này tạo gánh nặng kinh tế khiến nhiều người ngần ngại điều trị.

Trường hợp ông V.T.M. (70 tuổi, Hà Nội) bị suy tim là một ví dụ. Hàng tháng ông được bác sĩ kê một loại thuốc biệt dược, tuy nhiên thuốc này không nằm trong diện được BHYT thanh toán, cũng không có thuốc thay thế. Nếu không dùng thuốc này, bệnh không kiểm soát được, ông buộc phải chi trả bằng tiền túi.

Vì thế, mỗi tháng ông phải chi trả thêm hơn 1 triệu đồng. Với người đã nghỉ hưu như ông thì đây không phải là khoản tiền nhỏ.

Người Việt chi 40% tiền túi cho chi phí khám chữa bệnh - 1

Nếu không có bảo hiểm y tế, sẽ có rất ít bệnh nhân được tiếp cận với những liệu pháp điều trị mới (Ảnh minh họa: GoodRx).

Tương tự là trường hợp của chị Đ.T.V. (46 tuổi) được chẩn đoán ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn gan, giai đoạn 4.

Bên cạnh thuốc điều trị chống đông, chị được chỉ định phác đồ phối hợp hóa chất kết hợp với thuốc miễn dịch. Trong đó, có thuốc được BHYT chi trả hoàn toàn, có thuốc chi trả 50%, riêng loại thuốc miễn dịch mới chưa được BHYT chi trả.

"Theo chương trình hỗ trợ, sau 1 chu kỳ điều trị thuốc tự chi trả, tôi được hỗ trợ miễn phí 1 chu kỳ. Dù vậy, đây cũng không phải là một con số nhỏ khi giá một lọ thuốc này khoảng hơn 60 triệu đồng, mỗi lần bệnh nhân phải sử dụng 2 lọ. Phác đồ dùng thuốc là 3 tuần một lần. Đến nay tôi đã làm 6 chu kỳ", chị V. nói.

Với những thuốc mới, không nằm trong danh mục được BHYT thanh toán, phần lớn người bệnh sẽ không thể tiếp cận được.

Bác sĩ Phạm Minh Tâm, khoa Chống đau & Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) cho biết, ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã và đang có những bước tiến rất nhanh trong điều trị ung thư nhất là ở giai đoạn muộn. Dù vậy, chi phí điều trị còn cao với các phương pháp miễn dịch liệu pháp như điều trị đích…

"Đứng trước một bệnh nhân, các bác sĩ sẽ căn cứ vào bệnh, giai đoạn bệnh để đưa ra các phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Bên cạnh đó cũng phải căn cứ vào điều kiện chi trả của bệnh nhân và mức chi trả của BHYT", BS Tâm cho biết.

Người Việt chi 40% tiền túi cho chi phí khám chữa bệnh - 2

Theo BS Tâm, hiện nay trên thế giới cũng như Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong điều trị ung thư tuy nhiên chi phí còn cao (Ảnh: N.Phương).

Theo bác sĩ, BHYT giúp người bệnh rất nhiều, chỉ đơn giản như hóa chất điều trị nếu bệnh nhân tự bỏ tiền mua cũng là một khoản tiền lớn (mỗi tháng 3-5 triệu đồng). Nếu không có BHYT, sẽ có rất ít bệnh nhân được hưởng những biện pháp điều trị tốt nhất.  

Theo bà Tống Thị Song Hương, nguyên Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), hiện nay có rất nhiều thuốc mới được đánh giá có hiệu quả về lâm sàng, tài chính. Tuy nhiên, danh mục thuốc được BHYT chi trả chậm cập nhật.

"Vấn đề là chúng ta có đưa các thuốc mới vào danh mục được BHYT chi trả hay không? Nếu không đưa thì người dân không được tiếp cận thuốc mới, thuốc tốt và phải mua thuốc bên ngoài. Nếu đưa vào thì nên đưa như thế nào?", bà Song Hương nói.

Cần cơ chế để người bệnh được tiếp cận với nhiều thuốc mới nhanh chóng hơn

Chia sẻ tại một hội thảo mới đây, TS Phạm Nữ Hạnh Vân, Trường Đại học Dược Hà Nội cho biết, cơ chế tài chính hiện tại hạn chế trong tiếp cận thuốc, vật tư, trang thiết bị tiên tiến. Thuốc đắt tiền thường là các bệnh có chi phí lớn, song với cơ chế tài chính hiện tại, việc chi trả hoàn toàn quy định theo ngân sách quỹ BHYT.

Do đó, người bệnh hầu như không tiếp cận được. "Nhiều thuốc điều trị ung thư, thuốc quý hiếm có chi phí cao. Ví dụ với bệnh ung thư, các thuốc mới có chi phí lên đến vài trăm triệu đồng/năm, một tháng vài chục triệu, có thuốc lên đến tỷ đồng cho một đợt điều trị", TS Vân nói.

Vì thế, theo TS Vân nên có một cơ chế tài chính mới vừa tăng tiếp cận thuốc cho người bệnh vừa đảm bảo nguồn quỹ.

Hiện nay, quy trình xem xét, phê duyệt thuốc cho các bệnh hiếm, thuốc ung thư, kháng sinh thế hệ mới, thuốc sinh học… vẫn còn đang gặp nhiều thách thức và hạn chế.

Thông thường, các thuốc mới sẽ mất tầm gần 4 năm sau khi ra mắt lần đầu trên toàn cầu để có mặt tại Việt Nam. Thuốc sau khi có giấy phép lưu hành tại Việt Nam thường mất thêm 2-3 năm để được xét duyệt vào danh mục chi trả của BHYT nhưng hiện tại là 5 năm kể từ năm 2018.

Trong khi đó, thời gian trung bình kể từ khi được cấp giấy đăng ký lưu hành đến khi thuốc được cập nhật vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả ở Nhật là 3 tháng, Anh, Pháp - 15 tháng, Hàn Quốc - 18 tháng.

Điều này, đồng nghĩa với việc hạn chế khả năng bệnh nhân được tiếp cận đến các giải pháp điều trị mới, tiên tiến thông qua kênh BHYT.  Đến năm 2022 chỉ 9% thuốc mới có mặt tại Việt Nam (trong số 460 thuốc mới ra thị trường từ năm 2012 tới cuối năm 2021).

Khi không nằm trong danh mục thuốc được BHYT chi trả, người bệnh rất khó có thể tiếp cận được các loại thuốc mới này. Nếu muốn sử dụng, họ phải tự chi trả. Điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy như tạo áp lực tài chính, không đảm bảo chất lượng thuốc nếu phải mua qua các kênh ngoài cơ sở y tế.

Nhiều ý kiến cho rằng cần cấp thiết xem xét, lấy ý kiến, nhu cầu từ các cơ sở y tế về việc điều chỉnh, bổ sung thuốc vào danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT trong năm nay. Việc này đặc biệt quan trọng vì quy trình cập nhật danh mục mới có thể mất từ 8 tháng đến hơn một năm để hoàn tất.

Đồng thời cần có cơ chế cập nhật thường xuyên, định kỳ như hàng năm để gia tăng tiếp cận thuốc mới cho người dân thông qua kênh BHYT.