Người thầy thuốc già của buôn làng Cơ Tu

(Dân trí) - Trăn trở với cảnh “con ma bệnh” cứ bám lấy đồng bào, ông quyết định thành lập “phòng mạch” tại gia sau khi nghỉ hưu. Từ đó, người dân Cơ Tu các xã vùng cao Đông Giang đã không còn cúng Giàng mà biết uống thuốc Tây, thuốc Nam mỗi khi đau ốm.

Ông chính là đảng viên, người thầy thuốc của buôn làng Cơ Tu - Y sĩ già Ating Cao Tin, 64 tuổi, ở bản Bút Nhót, xã Sông Kôn, huyện vùng cao Đông Giang, Quảng Nam.

 

“Phòng mạch” giữa đại ngàn            

 

Người thầy thuốc già của buôn làng Cơ Tu - 1

Thầy thuốc Ating Cao Tin đang điều trị cho 1 bệnh nhân tại chính nhà mình

 
Buổi sáng một ngày sau tết nguyên đán, vùng cao Đông Giang nắng đẹp. Bên hiên nhà của một người dân ven đường ĐT 604, đoạn xã Sông Kôn (huyện Đông Giang, Quảng Nam), chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi rất đông đồng bào Cơ Tu gần khu vực đến tụ tập, trên tay bồng các em nhỏ. Hỏi thăm mới biết, đó là “phòng mạch” tại gia của ông Ating Cao Tin, chuyên khám bệnh miễn phí cho đồng bào mỗi khi đau ốm.

 

Về hưu được 18 năm, cũng là chừng ấy thời gian thầy thuốc Cao Tin khám bệnh không lấy tiền cho bà con dân bản. Tài sản lớn nhất của ông lúc về hưu là tủ thuốc gia đình đơn sơ và kinh nghiệm hàng chục năm khám chữa bệnh. Mới đầu, những người hàng xóm biết tiếng đến nhờ ông khám giúp, dần dà tiếng lành đồn xa, bà con rỉ tai nhau đến tận các bản làng heo hút của các xã lân cận. Ông trở thành người “thầy thuốc bất đắc dĩ” cho đồng bào vùng cao Đông Giang.

 

Ông bảo: “Là người Cơ Tu, lại sống cùng bà con, hơn ai hết tôi hiểu nỗi khó khăn vất vả của bà con vùng cao, nơi mà dịch vụ y tế còn rất khó khăn. Tôi khám không lấy tiền của bà con đâu, chỉ lấy tiền thuốc khi bà con cần phải dùng thuốc thôi!”. Cứ thế, ông nhận lời khám bệnh cho tất cả bà con đồng bào Cơ Tu xã Sông Kôn và các xã lân cận như Tà Lu, Jơ Ngây, Ating, Cà Dăng… Bệnh nặng thì ông sơ cứu, rồi đề nghị người nhà đưa xuống bệnh viện tuyến huyện, bệnh nhẹ thì ông khám, rồi cho thuốc. Ngày nào cũng có hàng chục bệnh nhân đế nhờ bác khám bệnh. Ông khoe, từng cứu chữa được 12 ca sốt rét ác tính không cần chuyển viện, được Bác sĩ Phạm Nguyễn Cẩm Thạch, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam viết giới thiệu trên tạp chí chuyên ngành.

 

Căn nhà nhỏ của ông ở thôn Bút Nhót, từ lâu đã thành địa chỉ tin cậy của bà con mỗi khi ốm đau. Sáng nay, chị Ta’Rương Thị Atơn (ở thôn Bà Rùa, xã Jơ Ngây) phải thay chồng đưa con đến khám bệnh tại nhà ông Cao Tin. Chị cho biết “Con bé bị ho mấy ngày ni rồi nên chở lên nhờ ông Cao Tin khám giúp. Ổng không lấy tiền khám, mấy lần còn cho thuốc uống nữa. Dân bản ở đây toàn đến nhờ ông khám thôi!”.

 

Những người dân ở đây cho biết, mỗi ngày ông Cao Tin khám, phát thuốc cho hàng chục người dân nghèo. Nhiều người, vì không có tiền đi khám ở trạm y tế xã, nên ốm đau gì cũng đều đến nhà ông, có khi đưa con gà, mớ gạo thay cho tiền thuốc men. “Tôi có lương hưu nhà nước cho rồi, sống bằng tiền nớ cũng tạm đỡ rồi, lấy tiền khám của bà con làm chi? Mà có lấy thì bà con lấy đâu ra tiền mà đưa?... Tôi chỉ lấy tiền thuốc của bà con để còn mua các loại thuốc khác chữa bệnh cho người khác nữa” – ông chia sẻ.

 

Thầy thuốc của buôn làng

 

Người thầy thuốc già của buôn làng Cơ Tu - 2

Thầy Cao Tin cũng là người có công bảo tồn văn hóa Cơ Tu

 
Đối với đồng bào vùng cao Đông Giang, ông Cao Tin là người “cứu tinh” cho rất nhiều con em mình mà không hề thiếu một đồng xu tiền chạy chữa. Người thầy thuốc già của bản Bút Nhót ấy suốt 18 năm nay đã khám, chữa bệnh cho hàng nghìn lượt người dân vùng cao. “Tới gói thuốc bù nước Oresol giá 1 nghìn đồng bà con cũng nợ, nhiều khi bán thuốc không lấy tiền là chuyện bình thường. Có khi bà con đem cả gà, cả gạo đến đổi thuốc, nhưng tôi cho thuốc chứ không lấy đồ của bà con” – ông cười chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn của đồng bào.

 

Những bệnh nhân đến nhờ ông khám, nhẹ thì cảm sốt, nhức đầu, nặng thì gãy tay chân, có người đi bộ cả chục cây số đưa con đến khám, có người thì nằm đòn khiêng, thế nhưng ai cũng được ông khám chữa tận tình. Ông khẳng định ông là người y sĩ đi bộ nhiều nhất huyện, bởi ông không đi xe máy, dù là có người chở, có nhiều người bệnh nặng, người nhà đến nhờ là ông lặng lẽ vác túi, vác dụng cụ cuốc bộ đến tận nhà. Có khi, ông đi bộ hơn 10 cây số từ nhà đến các bản làng xã Tà Lu, xã Jơ Ngây để khám, chữa bệnh cho đồng bào nghèo.

 

Lần hiếm hoi ông “được” đi xe máy là tháng 10/2009, hơn 10h đêm, người nhà con bệnh “bắt cóc” ông lên xe, chở lên tận thôn Pà Nai (xã Tà Lu, Đông Giang) đễ chữa cho một ông già bị tụt huyết áp. Nhắc lại, ông chỉ cười, kể lần đó nếu ông không lên kịp để sơ cứu, cho thuốc thì chắc ông già đó không qua khỏi. Hay có nhiều lần bà con nhất quyết đòi giết heo, giết bò cúng “con ma” để cho người nhà khỏi bệnh, ông không những chữa hết bệnh mà còn giải thích cho bà con không mê tín dị đoan nữa.

 

Bây giờ, người con trai đầu của ông, anh Ating Cao La cũng thừa hưởng lòng yêu nghề của cha, theo nghề y sĩ và hiện tại đang làm việc tại trạm y tế xã Ating. Anh Cao La chia sẻ: “Cha không những chỉ dạy cho mình về chuyên môn mà còn là tấm gương về y đức cho mình học tập. Ông còn truyền cho mình lòng yêu nghề, gắn bó với nghề y để chữa bệnh cho đồng bào nghèo vùng cao”.

 

Mặc dù đã cận kề cái tuổi “thập cổ lai hy”, thế nhưng ông thầy thuốc già Ating Cao Tin vẫn chưa có ý định ngơi nghỉ. “Nếu có điều kiện, tôi sẽ sưu tầm và tìm hiểu thêm về thuốc của người Cơ Tu. Đó không chỉ là nguồn tư liệu quý về mặt y học mà còn là một giá trị truyền thống của người Cơ Tu, vốn đang có nguy cơ mai một”, ông cho biết về dự định trong tương lai của mình.

 

Ông Bh’riu Sơn – Chủ tịch UBND xã Sông Kôn (huyện Đông Giang, Quảng Nam) tự hào: “Khắp cả vùng ni không tìm được người nào tài giỏi về y thuật như ông Cao Tin đâu. Ổng giúp được rất nhiều người thoát khỏi “miệng tử thần” mà không cần phải cúng Giàng như bà con thường nghĩ. Là người thầy thuốc Tây, nhưng ông Cao Tin vẫn đau đáu với những bài thuốc cổ truyền của người Cơ Tu mình”.

 

Vương Hoàng