Người ngáy sống thọ

(Dân trí) - Mặc dù tiếng ngáy gây ồn ào, ảnh hưởng tới những người xung quanh và luôn được cho là một dấu hiệu nguy hiểm đối với sức khỏe nhưng thực tế cho thấy ngáy có thể kéo dài tuổi thọ.

 

Người ngáy sống thọ - 1


 

Nhiều năm qua, hiện tượng gây ra gián đoạn hơi thở trong quá trình ngủ, được cho là có liên quan với huyết áp cao, đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Nó cũng làm tăng nguy cơ tai nạn khi lái xe và làm việc. Tuy nhiên, một nghiên cứ của các nhà khoa học Israel với 600 người trên 65 tuổi tham gia đã cho thấy nguy cơ tử vong sớm ở những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ thấp hơn một nửa so với những người không có tiền sử bệnh này.

 

Nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ tử vong sớm ở những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ nặng so với nhóm có sức khỏe tốt là tương tự, trong khi trước đó người ta cho rằng tỉ lệ này phải cao hơn.

 

Một giả thuyết là tình trạng “cắt đứt” ôxy và máu cung cấp cho các bộ phận cơ thể một cách liên tục do sự gián đoạn của hơi thở, đã tăng cường sức mạnh của tim và não. Điều này có nghĩa rằng nếu hiện tượng nhồi máu cơ tim hay đột quỵ xảy ra, cơ thể hoàn toàn có thể ứng phó tốt.

 

Các nhà nghiên cứu cho biết việc điều trị chứng bệnh này ở người già cần được xem xét lại. Ngưng thở khi ngủ là hiện tượng lượng không khí qua họng sụt giảm nghiêm trọng ngắt hẳn lượng khí vào phổi tới 10 giây mỗi lần. Hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt đêm nhưng người bệnh chỉ bị đánh thức có vài giây mỗi lần và rất hiếm khi có chút cảm giác gì về nó. Âm thanh kéo bễ được tạo ra khi các cơ trong mũi, miệng và họng nghỉ ngơi khi ngủ.

 

Có một số yếu tố làm gia tăng tình trạng ngáy bao gồm tư thế ngủ, thừa cân hay bị tắc mũi hoặc có một số tật như ngạc mềm quá lớn hoặc lưỡi gà quá dài. Rượu cũng có thể làm tình trạng ngáy thêm trầm trọng vì chất cồn ngấm vào tất cả các bộ phận trong cơ thể và làm phản ứng của não chậm lại, khiến các cơ ở trạng thái chùng hơn bình thường trong quá trình ngủ. Sự thả lỏng quá mức của các cơ sẽ khiến tiếng ngáy “vang” xa hơn.

 

Tuy nhiên, GS Jim Horne, Phụ trách TT Nghiên cứu Giấc ngủ ở ĐH Loughborough, cho biết: “Điều trị ngáy và chứng ngưng thở khi ngủ vẫn tốt hơn là không chữa vì muốn kéo dài tuổi thọ”.

 

Phương Uyên

Theo DM