Người dân ngán ngẩm với dịch vụ bệnh viện

Một nghiên cứu trên toàn địa bàn TP HCM 2008 cho thấy, so với 2006, mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ y tế đã giảm đi một bậc. Trong 1.194 phiếu điều tra, có đến 495 phiếu trả lời không hài lòng hoặc trung lập.

Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM kết hợp với Cục Thống kê TP HCM tiến hành một khảo sát chỉ số hài lòng của người dân về dịch vụ công năm 2008. 1194 hộ gia đình đã tham gia cuộc điều tra về chỉ số hài lòng dịch vụ y tế. Kết quả cho thấy, 440 hộ gia đình trả lời không hài lòng cũng không phiền lòng (dạng ý kiến trung lập) và 55 hộ không hài lòng.

 

So sánh qua 2 năm 2006 - 2008, thứ tự của dịch vụ y tế đã thay đổi dựa vào mức độ hài lòng của người dân. Năm 2006, dịch vụ y tế được xếp thứ hai sau dịch vụ thu gom rác với chỉ số hài lòng là 0,722; thì đến năm 2008, sau khi tính toán, với chỉ số hài lòng là 0,539, dịch vụ y tế đã tụt xuống bậc 3, sau thu gom rác (0,632), công chứng (0,573).

 

Theo nhóm khảo sát, y tế là 1 trong 3 dịch vụ bị giảm theo thứ bậc và bị giảm theo tỷ lệ hài lòng nhiều nhất. Khoảng cách chênh lệch về mức độ hài lòng theo tỷ lệ % của người dân đối với dịch vụ y tế trong hai năm qua, cũng đã giảm đi. Năm 2006, người dân hài lòng chiếm 78,2%, nhưng đến năm 2008, tỷ lệ này chỉ còn 68,9%.

 

Chi phí cao và mất thời gian

 

Nhóm khảo sát đã tổng hợp cơ sở dữ liệu trên tổng số 1477 hộ gia đình, trong đó 1194 hộ gia đình có người đi khám chữa bệnh trong 12 tháng qua và 283 hộ gia đình không có người đi khám bệnh.

 

Nhóm khảo sát cho biết, ngoài lý do thực sự không đau ốm gì hoặc chỉ ốm nhẹ, 9,6% hộ gia đình không có người đi khám chữa bệnh cho rằng thời gian chờ đợi ở cơ sở y tế quá lâu và ngại đến cơ sở y tế.  Đặc biệt, 1,8% rơi vào lý do đau lòng là chi phí khám chữa bệnh quá cao và bệnh không chữa được. Theo đó, vì áp lực quá tải, thời gian chờ khám chữa bệnh mất hơn 60 phút ở khối y tế công.

 

Người ta đến khám chữa bệnh tại bệnh viện công vì đó là nơi đăng ký bảo hiểm (48,7%), gần nhà (38,2%), khả năng khám và điều trị tốt (34,3%). Còn người dân lựa chọn y tế tư nhân là vì khả năng khám và điều trị tốt (51,9%), thuận tiện không phải chờ đợi (44,2%), gần nhà (43,3), thái độ phục vụ tốt (35,2%), thủ tục nhanh chóng (30,9%). Tâm lý chung của người dân muốn khi đi khám chữa bệnh là sự thuận tiện, không phải chờ đợi.

 

Trong khi đối với điều kiện phòng chờ khám, có 19,8% khối y tế công và 6,9% khối y tế tư nhân cho rằng điều kiện phòng chờ không tốt, không thoải mái. Tổng chung hai khối so với năm 2006, tỷ lệ cảm nhận điều kiện phòng chờ không thoải mái (nóng nực, chật chội) đã tăng lên (17,3% so với 13,8%).

 

Nhận xét mức chi phí chính thức phải trả cho dịch vụ khám chữa bệnh là cao đến quá cao chiếm tỷ lệ không nhỏ, 32,3% ở dịch vụ y tế công và 27,1% ở dịch vụ tư nhân.

 

Thông tin về mức phí khi đi khám chữa bệnh, tỷ lệ chung cho thấy chỉ có 23,1% hộ gia đình cho rằng cách dịch vụ y tế có niêm yết mức phí trước. Còn tới 86,1% mức phí chỉ biết sau khi sử dụng dịch vụ và thông báo khi trả tiền dịch vụ. Khối hộ gia đình sử dụng y tế công chỉ có 23,4% lượt cho rằng giá được niêm yết, và ở khối chọn y tế tư nhân, chỉ có 21,9% cho rằng giá được niêm yết.

 

Chuyên môn không kém, chỉ tiếc...

 

Trên thực tế để cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, giúp người bệnh giảm bớt thời gian chờ đợi, nhiều bệnh viện tuyến quận huyện, thành phố, trong thời gian qua đã bằng nhiều hình thức "xã hội hóa", "vay vốn kích cầu"... để nâng cấp phòng khám, đầu tư máy móc, trang thiết bị, hiện đại.

 

Đi sâu vào khía cạnh chuyên môn, mỗi bệnh viện đều có riêng những quy chuẩn về điều kiện vệ sinh, an toàn, xử lý nước - rác thải... Thậm chí, cả vấn đề thoát hiểm tức là liên quan đến kết cấu của bệnh viện cũng phải đi theo một cái quy trình. 

 

Theo BS. Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP HCM, "BV Ung bướu đã xây dựng rất lâu, do đó những kiểu bố trí phòng ốc sao chưa hợp lý. Ví dụ, ngay giữa dãy hành lang xuyên qua hai dãy phòng bệnh là một cái nhà vệ sinh. Điều đó hoàn toàn bất hợp lý giữa một môi trường chăm sóc người bệnh như thế. Nhưng đây là kết cấu cũ, do vậy, bệnh viện cũng không thể nào thay đổi được.

 

Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó, BV Ung bướu không bám theo bất cứ một chuẩn theo hệ thống phân loại bệnh viện mà tuân thủ theo những quy chế của Bộ Y tế. Đó cũng là một cách chuẩn hóa"

 

Đi về khía cạnh chuyên môn, các bệnh viện phải được một hội đồng cấp Nhà nước thẩm định về chất lượng điều trị, về hiệu quả, về giá thành và về tính tiện ích. Nhìn sơ qua y tế các nước láng giềng hoặc theo chuẩn châu Âu hoặc theo chuẩn châu Mỹ. Như nền y tế Singapore theo chuẩn châu Mỹ.

 

"Hệ thống bệnh viện công của Việt Nam cũng đang hướng tới các chuẩn quốc tế để tương đương với những nước khác trong khu vực, với điều kiện chúng ta được đầu tư về mặt bằng, về trang thiết bị, và có sự phối hợp không chỉ riêng của ngành y tế. Bởi vì, bệnh viện không đơn thuần thuộc về ngành y tế mà còn phải phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ tiện ích khác, như của ngân hàng hoặc các nơi cung cấp dịch vụ mua bán," BS. Huy Thịnh trình bày.

 

BV Ung bướu có thể thực hiện được rất nhiều kỹ thuật điều trị mới, chuyên sâu như bảo tồn tuyến vú, bảo tồn thanh quản,... Trong lĩnh vực hóa trị, tất cả những thứ thuốc mới bây giờ, trên thế giới đạt được thành tựu như thế nào, phần lớn, đều được áp dụng tại bệnh viện này, ví dụ như liệu pháp nhắm trúng đích. Ngoài ra, đơn vị xạ trị của BV Ung bướu cũng đã đạt được những chuẩn như Singapore.

 

"Nhìn chung về mặt chuyên môn, so với các nước tiên tiến trong khu vực, bác sĩ Việt Nam thực sự không thua kém bao nhiêu. Nhưng chúng ta thua các nước khác là không cung cấp những dịch vụ y khoa đúng mức cho người bệnh thụ hưởng, từ chế độ dinh dưỡng dành cho người bệnh không đầy đủ, phòng ốc chật chội nóng nực, cho đến những điều kiện giải trí nghỉ ngơi đúng nghĩa," BS. Huy Thịnh cho biết.

 

Hiện nay, các nước, đặc biệt là những nước châu Á như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, không còn dùng đến khái niệm "hospital - bệnh viện" mà đã đề cập đến một quan điểm mới "hospitel - bệnh viện kiểu khách sạn".

 

Ở những nước phát triển, tại các bệnh viện, phòng bệnh nằm xen kẽ với vườn hoa, cây xanh, đường đi tản bộ. Người ta phải tính toán mỗi bệnh nhân cần bao nhiêu diện tích cây xanh. Hospitel còn có những cửa hàng để người thăm bệnh có thể mua bó hoa, hộp sôcôla, búp bê khi tặng cho bệnh nhân. Đặc biệt, những bệnh viện chuyên khoa ung bướu có cả những salon làm đẹp, làm tóc.

 

Theo Hương Cát

Vietnamnet