Thực hiện Thông tư 30 về quản lý thức ăn đường phố:

Người bán không biết, người mua không quan tâm

(Dân trí) - Thông tư 30 của Bộ Y tế đã chính thức có hiệu lực từ ngày 20/1 thế nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, việc kiểm tra, quản lý thức ăn đường phố tại Tp Vinh (Nghệ An) gần như chưa có chuyển biến gì đáng kể.

Người bán không biết, người mua không quan tâm
Thông tư 30 đã chính thức có hiệu lực nhưng cả người bán lẫn người mua đều không quan tâm tới các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thức ăn đường phố

Người bán không biết, người mua không quan tâm

Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An, trên địa bàn tỉnh hiện có 14.907 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thức ăn. Tuy nhiên, có bao nhiêu cơ sở thức ăn đường phố bán sẵn thì hiện vẫn chưa có số liệu chính xác. Theo ghi nhận của chúng tôi, số lượng người tham gia loại hình kinh doanh này trên địa bàn thành phố Vinh chiếm một số lượng không nhỏ, chủ yếu tập trung tại các chợ, các ngõ hẻm hay các ngã ba, ngã tư giao thông.

Dụng cụ xua đuổi ruồi muỗi của một người bán thức ăn sẵn ở chợ Cửa Đông
Dụng cụ xua đuổi ruồi muỗi của một người bán thức ăn sẵn ở chợ Cửa Đông

Tính đến ngày 22/1, nghĩa là Thông tư 30 của Bộ Y tế có hiệu lực được 2 ngày nhưng việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng rong gần như chưa có chuyển biến gì. Trước cổng chợ Vinh là nơi tập trung một lượng khá lớn người bán hàng rong với đủ loại từ thịt nướng, lòng, chả nướng tới bánh bèo, dưa muối và các loại thức ăn sẵn khác. Việc mua bán vẫn diễn ra như chưa hề có Thông tư 30.

Theo quan sát của chúng tôi, cơ sở nào “sang” thì bày bán thức ăn trong tủ kính nhưng số lượng bày trong tủ kính chỉ là một phần nhỏ so với lượng thức ăn được cất dưới gầm. Tại chiếc xe đẩy hàng lòng lợn, chả nướng người mua vây quanh khiến ông chủ làm việc không ngơi tay. Từng khúc lòng lợn, giò, chả nướng chín được bày bán ngay trên tấm sắt kê trên xe, hoàn toàn không được che đậy gì cả. Ông chủ hàng một tay bốc hàng, tay kia cầm dụng cụ để vớt hàng từ cái chảo dầu đang sôi sùng sục, tất nhiên cũng không có găng tay bảo vệ.

Thức ăn sẵn vẫn được bày bán mà không có thiết bị che chắn nào
Thức ăn sẵn vẫn được bày bán mà không có thiết bị che chắn nào

Khi được hỏi về Thông tư 30, ông chủ hàng quả quyết: “Biết chứ. Bác chỉ thiếu mỗi cái tủ kính thôi chứ giấy tờ đầy đủ cả. Lòng, thịt bán ở đây cũng có giấy cả, mua ở nơi có uy tín, không phải lo. Mỗi ngày người ta làm thịt hàng chục con lợn, lòng mà có vấn đề thì bán cho ai”.

Gần đó, các chị, các mẹ cũng ngã những chiếc mẹt nhỏ xíu, kê mấy cái ghế con con để bày bán mít đã bóc vỏ hay bánh bèo, bánh mật… Tất cả đều được bày bán mà không có bất kỳ một dụng cụ che chắn bụi bẩn nào. Ngay bên cạnh rổ đựng bánh chín là chiếc xô chất đầy bát đĩa bẩn, tuyệt nhiên không thấy một chậu nước rửa nào. Xung quanh chỗ bán hàng la liệt rác bẩn.

Khi chúng tôi đề cập tới Thông tư 30, hầu hết chỉ nhận được những cái lắc đầu “không biết”. Trước thông tin người bán hàng phải được tập huấn về vệ sinh thực phẩm, có giấy chứng nhận sức khỏe, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, chị bán bánh bèo giãy nảy lên: “Biết tập huấn ở mô, thời gian mô mà đi? Chỗ hàng này đáng giá hơn trăm bạc chứ mấy, giờ lại bắt giấy tờ này nọ nữa thì khó cho chúng tôi quá. Mà cũng chẳng phải chứng minh nguồn gốc chi cho mất công, bột nếp, bột lọc, rau thơm nhà tôi tự làm cả, biết xin xác nhận của ai?”.

Không ai quan tâm tới quy định mới về siết chặt an toàn vệ sinh thực phẩm đường phố
Không ai quan tâm tới quy định mới về siết chặt an toàn vệ sinh thực phẩm đường phố

Tại các hẻm, ngõ ngách có bán bánh cuốn thì việc đảm bảo vệ sinh thực sự là điều kinh sợ đối với những thực khách khó tính. Bột vương vãi trắng xóa xung quanh lò hấp, dưới bàn giấy lau vương vãi. Chỗ nào “sang” còn có 2 thùng nhựa đựng nước để rửa số bát, đĩa khách vừa ăn xong. Thậm chí có nơi, những chiếc đĩa đựng bánh nhầy nhụa mỡ được người bán hàng dùng một chiếc khăn đã ngả màu lau qua rồi tiếp tục dọn cho khách (!).

Tại chợ Cửa Đông, khoảng gần 20 sạp bán thức ăn sẵn nấu chín được bày bán dọc đường cũng không được che chắn, người bán hàng vẫn tay không bốc hàng, cắt rồi giao cho khách và vô tư nhận tiền. Tại chợ Chiều (xã Nghi Phú), tình trạng bán hàng không tủ kính, không găng tay bảo hộ, hàng hóa không được che chắn cũng diễn ra phổ biến. Thậm chí, thức ăn chế biến sẵn được bày bán tràn xuống cả Quốc lộ 1A, nơi có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất đông vào giờ tan tầm. Mỗi khi có xe tải chạy qua, một lớp bụi mù cuốn lên, bao phủ cả số thức ăn chỉ được kê cao hơn mặt đường chừng hơn 50cm nhưng người bán cứ bán, người mua vẫn cứ mua.

Anh Tâm, một người khách mua hàng cho biết: “Không có thời gian, vợ đi làm ca tối mịt mới về nên tiện đường thì mua thôi. Mình mua hàng đây nhiều rồi có vấn đề gì đâu. Nhìn thì cũng nóng sốt, sạch sẽ nên yên tâm”.

Rất khó nhưng cần thiết

Trong khi người bán không biết, không quan tâm tới Thông tư 30, người mua cũng tỏ ra bàng quang với quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thì ngành chức năng lại đang lúng túng khi triển khai.

Găng tay sử dụng khi chế biến thức ăn sẵn là điều xa xỉ đối với người bàn hàng rong
Găng tay sử dụng khi chế biến thức ăn sẵn là điều "xa xỉ" đối với người bàn hàng rong

Ông Đào Trọng Dũng, Chi cục trưởng Chi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An, cho biết: “Việc quản lý an toàn thực phẩm trong các nhà hàng, khách sạn thì không có gì phải bàn vì nó đã đi vào quy củ từ khi thực hiện Thông tư 11. Nhưng quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thức ăn đường phố thì rất khó. Đây là loại hình buôn bán không cố định về địa điểm, thời vụ, lại cơ động, nhỏ lẻ. Thường thì những người nghèo, ít vốn mới kinh doanh loại hình này, bởi vậy yêu cầu họ đầu tư tủ kính, trang thiết bị hay phải có địa điểm kinh doanh cố định thì rất khó.

Mặt khác, yêu cầu người bán phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của mình là điều cực kỳ khó. Thường thì mỗi gánh hàng rong có giá trị kinh tế không lớn, vài chục đến vài trăm nghìn đồng thôi, nếu như thế thì cũng làm khó cho người dân. Muốn làm được điều này phải có sự đồng bộ từ các ban ngành, kiểm tra từ khâu sản xuất, trung chuyển tới tiêu thụ”.

Bên cạnh đó, Thông tư 30 yêu cầu người kinh doanh thức ăn đường phố phải được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, phải khám và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe để tham gia buôn bán thức ăn chín, dùng ngay. Thế nhưng nguồn kinh phí để thực hiện các buổi tập huấn này lại chỉ được lấy từ nguồn thu sự nghiệp của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm.

Người mua hàng chỉ đánh giá độ sạch của thức ăn bằng cảm quan
Người mua hàng chỉ đánh giá độ "sạch" của thức ăn bằng cảm quan

“Kinh phí cũng là một vấn đề đau đầu. Hiện tại chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện, thành, thị tổ chức tập huấn cho người bán hàng rong. Kinh phí có tới đâu thì tổ chức tập huấn tới đó. Nếu mời được người dân tham gia tập huấn thì sẽ vận động họ khám sức khỏe và kết hợp cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho họ luôn. Nhưng vì chưa có chế tài xử phạt cụ thể nên cũng chỉ tuyên truyền, vận động người dân tham gia thôi chứ nếu họ không tham gia thì mình cũng không làm gì được cả”, ông Dũng cho biết thêm.

Theo Thông tư này thì đơn vị quản lý, giám sát trực tiếp là chính quyền địa phương cấp cơ sở, hay nói chính xác là UBND các xã, phường. Thế nhưng ông Dũng cũng thừa nhận, hiện tại việc tập huấn công tác kiểm tra, quản lý việc thực hiện Thông tư 30 này vẫn chưa được triển khai về các phường xã. Bởi vậy, hiện tại, trên địa bàn TP Vinh, chưa có đơn vị nào “rục rịch” cũng là điều dễ hiểu.

Người mua hàng chỉ đánh giá độ sạch của thức ăn bằng cảm quan
Ông Đào Trọng Dũng - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An: "Siết chặt quản lý thức ăn đường phố là rất khó nhưng rất cần thiết"

Ông Đào Trọng Dũng thừa nhận việc triển khai thực hiện Thông tư 30 về siết chặt quản lý thức ăn đường phố là điều cực kỳ khó, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Thế nhưng, ông này cũng cho rằng, dù khó nhưng quy định mới này hết sức cần thiết và sẽ tạo ra một cơ sở hành lang pháp lý để thực hiện tốt hơn việc kiểm tra, quản lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung và thực phẩm đường phố nói riêng.

“Dù vậy, điều quan trọng nhất vẫn là thay đổi ý thức của người bán và người tiêu dùng. Khi nào người tiêu dùng nói không với thức ăn bẩn thì đương nhiên, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là thức ăn đường phố sẽ được cải thiện tốt hơn”, ông Dũng cho hay.

Hoàng Lam