Nghỉ thai sản 6 tháng là hợp lý

(Dân trí) - “Bộ Y tế VN, WHO đều khuyến cáo nên cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh. Việc người mẹ đi làm từ khi trẻ 4 tháng có thể khiến nhiều trẻ khó được bú mẹ được như khuyến cáo”.

Đó là ý kiến chung của nhiều người đang trong độ tuổi sinh đẻ, cho con bú mà phóng viên Dân trí đã khảo sát.

Được biết, trong tháng 6/2008, Viện Dinh dưỡng quốc gia sẽ tiến hành khảo sát điều tra những đứa trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu thì phát triển thế nào so với những đứa trẻ không được bú sữa mẹ; tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng và tử vong do không được bú sữa mẹ là bao nhiêu...

 

Đồng thời cũng tiến hành nghiên cứu về tình trạng dinh dưỡng của lao động nữ tại các khu công nghiệp, đánh giá tỷ lệ cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu của công nhân, về những khó khăn khi nghỉ sinh, nếu họ nghỉ thêm có bị mất việc hay không?

 

Kết quả của nghiên cứu này sẽ là bằng chứng khoa học cho việc đề xuất tăng thời gian nghỉ sinh lên Chính phủ vào cuối năm nay.

Chỉ 1/5 trẻ được bú hoàn toàn 6 tháng đầu

Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, chỉ có gần nửa trẻ sơ sinh được bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu khi sinh và dưới 1/5 trẻ em được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Nhất là ở thành phố, tỷ lệ các bà mẹ cho con bú sữa càng thấp hơn vùng nông thôn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến phần trẻ không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, trong đó một phần là do chế thai sản như hiện nay. Khi con mới được 4 tháng tuổi, các bà mẹ đã phải đi làm (thậm chí nhiều người phải đi làm từ khi con được 2 - 3 tháng do nghỉ trước sinh) nên khó đảm bảo được lượng sữa. Vì thế, rất ít người có khả năng “vắt” được sữa, bảo quản trong tủ lạnh cho con uống trong thời gian phải đến công sở.

Trong khi đó, những nghiên cứu của WHO đã đưa kết quả cho thấy những ý nghĩa vô cùng quan trọng khi trẻ được bú mẹ. Đó là nếu tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ cao, đạt khoảng 99%, có thể giảm được tử vong ở trẻ 36 tháng xuống 9,1% và gánh nặng bệnh tật xuống 8,6%.

TS Nguyễn Công Khẩn, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia khẳng định, sự chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ trong thời kỳ đầu của cuộc đời cho trẻ sẽ giảm rất lớn nguy cơ bị suy dinh dưỡng, mắc các bệnh tiêu chảy, tiểu đường và nhiều bệnh mạn tính khác. Dinh dưỡng đầy đủ, tốt nhất cho trẻ, trẻ nhỏ là sữa mẹ. Nhất là trong vòng 6 tháng đầu đời, sữa mẹ chính là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất cho trẻ.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời có sức khoẻ, hệ miễn dịch tốt hơn những em bé cùng độ tuổi phải dùng sữa công thức quá sớm.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho rằng, hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất thế giới. Nguyên nhân một phần là do không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Chính vì “nghịch lý” giữa khuyến cáo và chính sách, nên Tổng LĐLĐVN, Bộ LĐTBXH và Bộ Y tế đang dự thảo xây dựng chính sách cho phép nghỉ thai sản 6 tháng.

Mang lại lợi ích lâu dài

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai, trẻ em chính là nguồn “tài sản” vô giá không chỉ của mỗi gia đình, mà của cả tương lai, đất nước. Vì thế, theo tôi, việc chăm lo cho trẻ luôn phải được ưu tiên hàng đầu. Một nguồn nhân lực dài lâu cho tương lai được xây đắp trên nền tảng tốt nhất, đó là sức khoẻ và trí tuệ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đất nước.

Đừng quá “lăn tăn” về việc người mẹ nghỉ thêm 2 tháng nữa sau sinh. Thực ra, theo tôi, nếu tính toán, thì lợi ích kinh tế mà các bà mẹ mang lại khi đi làm 2 tháng thua xa rất nhiều tiền bạc phải bỏ ra để điều trị bệnh tật, sức khoẻ do trẻ không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu”, Bác Trần Thế Bình, một cán bộ hưu trí ở ngõ 6, đường Chiến Thắng, Hà Đông bày tỏ.

Chính vì thế, mà dù chưa có chế độ nghỉ sinh 6 tháng, nhưng bác luôn khuyên con dâu, con gái mình nghỉ thêm 2 tháng không lương để đảm bảo em bé được chăm sóc tốt nhất.

“Tuy nhiên, không phải cơ quan nào cũng đồng ý cho người lao động nghỉ thêm dù không nhận lương. Hay nhiều gia đình kinh tế chưa được đảm bảo, người mẹ dù xót con, muốn chăm con nhưng luôn nóng lòng đi làm để cùng chồng chia sẻ gánh nặng tài chính, nhất là ở các đôi vợ chồng trẻ. Có thêm một đứa con, tốn kém thêm vài lần bình thường mà”, bác Bình chia sẻ.

“Sau 4 tháng nghỉ sinh con ở nhà bà ngoại, 2 mẹ con lên Hà Nội cùng chồng cũng là lúc phải lo gánh nặng về tiền bạc và lo cho bé. Không thuê người giúp việc, gửi trẻ thì xót con và vô cùng khó tìm nhà trẻ chịu nhân trông bé mới 4 tháng. Mà thuê người giúp việc thì vừa phải trả tiền công, vừa nuôi ăn họ trong nhà cũng tốn đến 2 triệu mỗi tháng.

Không những vậy, giao cho họ cũng chẳng thể yên tâm vì con còn non nớt quá, đi làm mà cứ phấp pha phấp phổng. Cơ quan em mãi tận Giảng Võ, cách nhà 12 km nhưng trưa nào em cũng về cho con bú. Nắng, mệt nhưng vì con mà phải cố”, Chị Vũ Thị Hạnh, nhà ở Bala (Hà Đông) tâm sự.

Theo TS Nguyễn Công Khẩn, việc nghỉ thai sản 6 tháng không chỉ để đứa bé được bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu đời, mà đây cũng là lúc người mẹ cò thời gian học hỏi các kiến thức về dinh dưỡng nuôi bé ở lứa tuổi ăn dặm, một giai đoạn dinh dưỡng cũng rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ sau này.

Các nhà dinh dưỡng khẳng định, trẻ từ thời kỳ bào thai đến khi được 24 tháng tuổi là thời gian khởi đầu để chăm sóc dinh dưỡng tốt. Nếu không có dinh dưỡng hợp lý trong giai đoạn này, trẻ có thể bị các tổn thương không thể phục hồi được và truyền cho thế hệ kế tiếp.

Trẻ bị thấp còi hoặc sinh ra thiếu cân sẽ bị hạn chế trong học tập, thu nhập thấp khi lớn lên, gây trở ngại cho phát triển nhận thức và tiềm lực kinh tế. Và những đứa trẻ này lại có thể sinh ra một thế hệ cũng thấp còi như chúng.

Vì thế, nếu xét cả trước mắt và lâu dài, nghỉ thai sản 6 tháng đều mang lại lợi ích cho sức khoẻ người mẹ và em nhỏ.

Tú Linh