Ngành Y tế khẩn trương chống dịch nhưng…

(Dân trí) - Trước nguy cơ dịch tiêu chảy cấp ngày càng lan nhanh, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các địa phương dốc toàn lực chống dịch. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều do ý thức phòng dịch kém của không ít người dân.

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, cán bộ y tế của Sở đã chia làm nhiều đoàn kiểm tra phối hợp với Bộ Y tế dốc toàn lực tiến hành các biện pháp chuyên môn phòng chống dịch bệnh. Sau khi lệnh cấm sản xuất và sử dụng mắm tôm, mắm tép được gửi về các xã, phường trực thuộc, đoàn kiểm tra bắt đầu tiến hành giám sát việc chấp hành quy định về VSATTP và không sử dụng mắm tôm, mắm tép tại những khu vực tập chung đông người ăn uống như chợ, nhà hàng, phố ẩm thực…

 

Nhiều người dân đã ý thức được mối nguy hiểm do dịch bệnh gây ra và chủ động không sử dụng mắm tôm. Tuy vậy, tại một số quán nhậu bán lòng lợn luộc, thịt chợ tại phố Trần Quý Cáp, chợ Giời, Thanh Xuân… vẫn dùng mắm tôm phục vụ nhu cầu của khách.

 

Sở Y tế Thái Nguyên cũng cho biết: Sau khi nhận được thông báo từ Bộ Y tế, ngày 31/10, tất cả các bệnh viện, TT y tế và phòng khám trên địa bàn 9 huyện, thành phố và thị xã, tỉnh đã được tăng cường công tác phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị căn bệnh tiêu chảy cấp.

 

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đang triển khai ngay công tác giám sát dịch; thiết lập hệ thống giám sát nhằm phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên để có biện pháp khoanh vùng, dập dịch kịp thời; tăng cường giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ đạo các hoạt động chuyên môn cho y tế tuyến huyện. Ngoài ra, củng cố các đội xung kích chống dịch với đầy đủ hoá chất và các trang thiết bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ; tiếp nhận báo cáo về tình hình dịch của các đơn vị, tổng hợp báo cáo gửi về Bộ Y tế và Sở Y tế hàng ngày theo đúng quy định...

 

Đến thời điểm này, tỉnh chưa có trường trường hợp nào mắc bệnh tiêu chảy cấp. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh là không nhỏ vì trên thị trường vẫn đang tiêu thụ một số sản phẩm được xác định là nguyên nhân chính gây bệnh như: mắm tôm, mắm tép, lòng lợn tiết canh...

 

6 biện pháp phòng tiêu chảy cấp nguy hiểm

 

- Ăn chín uống sôi, tất cả đồ ăn thức uống cần đun sôi trước khi ăn uống.

 

- Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn uống.

 

- Dụng cụ, bát đũa trước khi ăn cần rửa sạch và nhúng nước sôi.

 

-Bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, chống ruồi, mưa gió, bụi bặm.

- Xử lý phân, chất thải đảm bảo yêu cầu vệ sinh, không dùng phân tươi để bón và tưới rau.

Tại Nghệ An, mặc dù Thông tấn xã Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng đang nói nhiều về bệnh tiêu chảy cấp; có nhiều cảnh báo của các cơ quan chức năng trong việc sử dụng các loại thực phẩm, nhất là mắm tôm, mắm tép, lòng lợn, tiết canh nhưng việc vận chuyển, sử dụng các loại thực phẩm này vẫn diễn ra hết sức bình thường.

 

Tại “trung tâm” cháo lòng tiết canh nằm trên đường Đốc Thiết, phường Hưng Bình (thành phố Vinh) sáng 1/11, thực khách vẫn “vô tư” dùng tiết canh lợn. Chủ một quán lòng lợn tiết canh ở đây cho biết, chưa nghe nói đến bệnh tiêu chảy cấp và có nghe nói đi chăng nữa thì quán vẫn duy trì “mặt hàng” tiết canh lợn! Các đại lý bán mắm tôm, mắm tép vẫn hoạt động bình thường, thậm chí lượng bán ra còn tăng cao hơn do thời tiết đã chuyển lạnh, nhu cầu dùng mắm tôm của người dân gia tăng. Tại các chợ, việc bày bán loại thực phẩm này rất mất vệ sinh do người bán không đeo khẩu trang và găng tay; xung quanh khu vực bán có nhiều ruồi muỗi.

 

Theo báo cáo nhanh từ Bộ Y tế, hiện đã có 111 ca nghi nhiễm tiêu chảy cấp, nhập viện ở 5 tỉnh, TP gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, trong đó Hà Nội chiếm tới 99 ca và bước đầu đã xác định 33 ca tiêu chảy cấp nguy hiểm.

 

Theo dự đoán của các chuyên gia y tế, số người nhập viện do mắc bệnh tiêu chảy sẽ còn tiếp tục gia tăng.

 

P. Thanh