Ngấm lạnh coi chừng mất mạng

(Dân trí) - Trong thời tiết mùa đông, nếu không biết cách chống rét hiệu quả thì không chỉ trẻ nhỏ, người già mà cả thanh niên khoẻ mạnh cũng dễ... nhập viện.

"Cứ rét là bệnh nhân tăng vọt!"
 
Đó là khẳng định của của TS Đào Minh Tuấn, khoa Hô hấp, BV Nhi T.Ư. Theo TS Tuấn, mùa đông năm nay, tuy không có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài như  năm trước nhưng cũng khiến số trẻ nhập viện tăng cao đến 20% so với những mùa khác. Bệnh hay gặp nhất ở trẻ trong mùa rét là viêm đường hô hấp: như viêm phế quản, viêm phổi. Thời tiết khô lạnh cũng tạo điều kiện cho bệnh viêm phế quản tái phát ở trẻ em.

Bệnh về đường tiêu hoá cũng thường xuyên gặp ở trẻ trong mùa lạnh, trong đó chiếm tỷ lệ cao là tiêu chảy do vi rút.

Một trong những  nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh hô hấp tăng cao là do sai lầm trong cách giữ ấm cho trẻ. Vì sợ trẻ không đủ ấm nên rất nhiều người đã nhồi cho trẻ mặc càng nhiều quần áo càng tốt mà không biết rằng, với một đống quần áo dày cộm, thiếu khoa học sẽ khiến trẻ không thể hoạt động, cơ thể ì trệ, ảnh hưởng tới sự tuần hoàn máu, hạ thấp sức đề kháng của da. Bên cạnh đó, do mặc quá ấm trẻ sẽ có hiện tượng toát mồ hôi và ngấm ngược trở lại gây cảm, hoặc viêm phổi.

“Ngược lại, một số bà mẹ lại quá ẩu trong việc chăm sóc con cái khi mùa đông đến.  Trong thời tiết giá lạnh vẫn để trẻ chân trần nô đùa,  thậm chí không trang bị mũ, khăn quàng mà vẫn để con ngồi trên xe xe máy đi hàng tiếng đồng hồ trong gió rét”, TS  nói.

BS Lương Trí Thành, Khoa khám bệnh, Viện Lão khoa quốc gia, cũng cho biết, các ca tai biến mạch máu não (TBMMN) ở người già thường có có xu hướng gia tăng khi thời tiết trở lạnh. Vào mùa đông năm ngoái, số bệnh nhân bị TBMMN tăng đến 25% - 30%.

Nguyên nhân là do nhiều người già vẫn giữ thói quen dậy sớm, đi ra ngoài trời lạnh mà không biết rằng lưu lượng máu qua não ở tuổi già đã giảm rất thấp, nên rất khó thích nghi với những thay đổi thất thường của thời tiết. Đặc biệt, ở người có tiền sử huyết áp huyết áp cao, thành mạch máu thoái hóa dày lên, sẽ ảnh hưởng tới tuần hoàn não. Khi  gặp thay đổi đột ngột từ bên ngoài, những động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn, não sẽ bị thiếu chất dinh dưỡng và ôxy, dẫn đến đột quỵ và tử vong.

Trong khi đó, do thiếu kiến thức về chăm sóc người cao tuổi, không ít người trẻ tuổi sống chung trong gia đình vẫn cổ súy, động viên thói quen đi ra ngoài trời tập thể dục của các cụ, kể cả khi thời tiết có những biến đổi đổi ngột.

 Thanh niên cũng gục nếu không chống rét cẩn thận

Cái chết do quá lạnh dẫn tới viêm phổi, viêm não cấp của một người đàn ông 40 tuổi  trên phố Chùa Bộc vào tối 5/1 vừa qua đã cho thấy sự nguy hiểm trong mùa đông giá rét.

Theo cảnh báo của các chuyên gia, một trong những loại bệnh ai cũng có thể gặp phải trong mùa đông đó là cảm lạnh và cúm. Bệnh cảm lạnh thường  mắc phải do mặc không đủ ấm, tắm nước lạnh đột ngột, dầm mưa hoặc ngâm dưới nước lạnh lâu.
 
Mùa lạnh cũng rơi vào thời điểm cuối năm, lúc hay diễn ra những cuộc liên hoan, ăn uống đến đêm khuya của các bạn trẻ. Thời điểm này cần đề phòng hiện tượng “trúng gió” khi đi ra ngoài. Người bị “trúng gió” sẽ thấy ớn lạnh gáy, sống lưng, tay, chân, có khi kèm nhức đầu, chóng mặt, chảy nước mũi, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy. Thậm chí có trường hợp nặng dẫn đến hôn mê nếu không được cứu chữa kịp thời, đặc biệt là những người đang say bia, rượu. Đây là phản ứng của cơ thể khi gặp thời tiết thay đổi đột ngột (đang từ phòng ấm ra bên ngoài).

Vậy nên trong những ngày đông giá lạnh, ngoài việc ở nơi kín gió, mặc ấm, nên tăng cường ăn cam, cà chua và các loại quả chứa vitamin C để giúp cơ thể tăng sức đề kháng trước sự tấn công của các loại vi rút gây bệnh.

 P. Thanh