Nang buồng trứng biến mất, vì sao?

Nhiều phụ nữ đi khám, phát hiện mình có u nang trong buồng trứng, nhưng sau đó nang lại biến mất sau vài chu kỳ kinh (vài tháng). Vậy cái nang đi đâu và có cần phải mổ để "truy lùng" nó không, hay phải cắt bỏ cả buồng trứng cho "chắc ăn"?...

Lúc hiện diện, lúc biến mất

 

Theo bác sĩ Khúc Minh Thúy, Trưởng khoa Phụ ngoại - Ung bướu (Bệnh viện Hùng Vương), kiêm giảng viên bộ môn Phụ sản (trường ĐH Y Dược, TPHCM): Nang buồng trứng ở phụ nữ được chia làm hai nhóm, nhóm không cần phẫu thuật và nhóm phải phẫu thuật.

 

- Nhóm không cần phẫu thuật còn gọi là u nang chức năng, loại nang này có thể tự tiêu sau vài chu kỳ kinh. Nang này xảy ra thường là do thay đổi nội tiết trong chu kỳ kinh nguyệt, khiến cho nang noãn bị quá kích, to ra và chứa dịch (bình thường, hằng tháng, sẽ có những nang trứng trưởng thành khoảng 20-22mm là nó rụng). Loại nang này phần lớn không biểu lộ triệu chứng, mà phát hiện nang tình cờ qua khám bệnh tổng quát, siêu âm.

 

Nang chức năng thường chỉ nằm một bên buồng trứng, bên phải hoặc trái, thường xảy ra trong lứa tuổi hoạt động tình dục, hiếm gặp ở tuổi chưa dậy thì và tuổi mãn kinh.

 

- Riêng nhóm nang cần phẫu thuật còn gọi là u nang thực thể. Thường nó cũng không có triệu chứng, một số trường hợp có triệu chứng như đau bụng, rối loạn kinh nguyệt... Khác với nang chức năng, nang thực thể hiện diện ở một hoặc cả hai bên buồng trứng, và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng gặp nhiều nhất là ở độ tuổi sinh sản. Trong nhóm nang buồng trứng thực thể có nhiều loại, nhưng gặp nhiều nhất là nang bì (còn gọi là u quái). Loại u nang này khi xẻ ra bên trong có răng, tóc, sụn..., mà nhiều người (nhất là ở vùng quê) không hiểu cho rằng do bị "thư" hay bị "ém bùa"! Việc hình thành sụn, tóc, răng trong nang là từ nguồn gốc thần kinh, đa số đây là nang lành tính.

 

Ở hai đầu tuổi (trước dậy thì và tuổi mãn kinh) ít gặp hơn, nhưng nếu gặp thì tỷ lệ u nang hóa ác nhiều hơn.

 

Có cần phẫu thuật để lấy nang không?

 

"Có cần phải mổ lấy u nang hay không?" là câu hỏi được hầu hết các chị em lo lắng đặt ra. Bác sĩ Khúc Minh Thúy cho biết, nếu là nang chức năng, thì thường không cần can thiệp, chỉ cần hướng dẫn bệnh nhân theo dõi sau 2-3 hay 3-6 chu kỳ kinh nguyệt, tái khám. Phần lớn loại  nang này sẽ tự tiêu đi sau khoảng thời gian đó, hiếm khi nào phải phẫu thuật.

 

Còn đối với nhóm nang thực thể, thì có khả năng nang gây biến chứng như: xoắn, vỡ, chèn ép các cơ quan trong ổ bụng, hay hóa ung thư. Khi đã xác định là nang thực thể thì hướng điều trị là phải mổ. Tùy theo loại nang, tuổi bệnh nhân, số con đã có... bác sĩ sẽ quyết định mổ bóc tách u nang hay cắt bỏ buồng trứng.

 

Khi đã phát hiện, xác định được loại u nang, thì cần có hướng can thiệp sớm, sẽ có lợi cho bệnh nhân, tránh những biến chứng. Tuy nhiên, trong thực tế phần lớn chị em phát hiện bệnh thì nang đã lớn, đường kính nang trên 5cm, có khi nặng 3, 4, 5 ký. Bởi triệu chứng u nang buồng trứng "nghèo nàn" như nói trên, khiến họ không hề hay biết.

 

Việc phân loại nang buồng trứng thực thể hay nang chức năng chủ yếu là dựa vào hình ảnh siêu âm; cũng như một số kết quả xét nghiệm hướng bác sĩ đến chẩn đoán nang lành hay ác để có hướng điều trị thích hợp.

 

Theo Thanh Tùng

Thanh niên