Mùa thu tẩm bổ thế nào cho đúng?

Hiện nay đã là cuối thu đầu đông, nhiệt độ ban ngày nắng ấm dễ chịu, nhưng buổi sáng, buổi tối và ban đêm trời đã se lạnh. Người tuổi cao đã bắt đầu tẩm bổ sức khỏe. Tuy nhiên bạn không nên tẩm bổ sức khỏe một cách thái quá sẽ có hại.

Mùa thu tẩm bổ thế nào cho đúng? - 1

Tẩm bổ như một xu thế

Tẩm bổ sức khỏe dường như đang rất thịnh hành trong những năm gần đây khi mà đời sống được nâng lên. Bản thân các cụ, hoặc con cháu của các cụ đều chú ý bồi dưỡng sức khỏe cho ông bà cha mẹ…Nhiều loại thuốc thành phẩm như nhân sâm, đông trùng hạ thảo, lộc nhung, a giao, lục vị địa hoàng hoàn, hải cẩu hoàn, linh chi, tỏi đen, cao động vật…luôn được quảng cáo trên báo đài. Ngoài ra còn có rất nhiều thực phẩm chức năng như hải sâm, yến sào, tảo xanh, lô hội, trà thảo mộc, viên bổ sung omega-3, dầu cá…đã trở thành những món quà quí giá khi chúng ta tới thăm người ốm và các bậc cao niên.

Mùa thu tẩm bổ thế nào cho đúng? - 2

Thế nhưng lại rất ít ai biết rằng: thực phẩm chức năng dùng để tẩm bổ không phải là món thích hợp cho tất cả mọi người. Đối với những người khỏe mạnh nếu dùng thực phẩm chức năng quá mức, không những không có lợi cho sức khỏe, mà còn có thể dẫn đến bệnh tật.

Theo lý luận Đông y: khi cơ thể hư nhược không chịu được bổ, lục phủ thông suốt sẽ thu được hiệu quả tẩm bổ. Những nguy hại do cách tẩm bổ không thích hợp gây nên, sách “Y pháp Viên thông” của danh y Trịnh Thọ Toàn, cuối đời Thanh chỉ rõ: miễn là thích hợp dùng cho điều trị bệnh, thì phụ tử, đại hoàng và thạch tín đều là thuốc quý; nếu không thích hợp dùng cho điều trị, cho dù là nhân sâm, hoàng kỳ, lộc nhung và kỷ tử đều là thạch tín, nghĩa là rất độc.

Chọn thuốc tẩm bổ cho người cao tuổi như thế nào?

Khi muốn tẩm bổ sức khỏe cho người cao tuổi, bạn nên chú ý những điểm sau:

Dùng thuốc phải an toàn

Dù là thuốc Nam hay thuốc Bắc thì liều lượng thuốc cũng rất quan trọng, nó không những ảnh hưởng tới kết quả điều trị, mà còn gây ra tác hại xấu cho sức khỏe nếu dùng quá liều. Do đó khi dùng thuốc, bạn cần phải tuân theo chỉ định của bác sĩ hay lương y. Theo đó bạn phải dùng thuốc đúng hướng dẫn về thành phần, liều lượng, cách dùng, đường dùng. Tuyệt đối không tùy tiện thay đổi liều thuốc hay thêm bớt vị này vị nọ. Đối với các cụ có thể chất hư nhược, chức năng gan thận đã suy giảm nhiều, thì cần phải giảm liều lượng và số lần dùng thuốc. Chẳng hạn hướng dẫn sử dụng thuốc trên bao bì là : mỗi ngày uống 1-2 lần, mỗi lần từ 2-4 viên, thì bạn có thể lựa chọn liều lượng tối thiểu, nghĩa là mỗi ngày chỉ uống 1 lần, mỗi lần chỉ uống 2 viên.

Ăn kiêng theo bệnh

Khi đang dùng thuốc bạn nhất định phải ăn kiêng theo chỉ dẫn của bác sĩ và lương y
Khi đang dùng thuốc bạn nhất định phải ăn kiêng theo chỉ dẫn của bác sĩ và lương y

Khi đang dùng thuốc thang hay thuốc thành phẩm, bạn nhất định phải kiêng ăn những món ăn khó tiêu và có tính kích thích như: thức ăn còn sống, rau sống ( kể cả rau thơm), món nguội, nhiều dầu mỡ, tôm, cá, cua ốc…Riêng người nhiều đờm không nên ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ; người có tạng hỏa nhiệt thì phải kiêng ăn cay; người đang có mụn nhọt và ngứa da cần kiêng ăn đồ tanh như tôm, cá, cua ốc…Trái lại nếu bạn không kiêng ăn trong các trường hợp nói trên sẽ làm cho bệnh tình trở nặng, ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị và tầm bổ trở nên phản tác dụng.

Không dùng thuốc bổ thái quá

Mục đích của tẩm bổ hay điều trị bệnh là tận dụng dược tính của thuốc để điều chỉnh những rối loạn của cơ thể. Chẳng hạn người bệnh hàn, thì dùng thuốc có tính nhiệt, như quế phụ địa hoàng hoàn, phụ tử lý trung hoàn…Tuy nhiên nếu dùng thái quá, điều chỉnh mạnh quá thì cơ thể có thể xuất hiện bệnh nhiệt.

Cần chú ý rằng: các vị thuốc bổ máu như a giao, long nhãn, thục địa hoàng đều là chất dính, vị ngấy, uống quá liều sẽ gây phương hại tới tỳ và vị. Các thuốc bổ dương như lộc nhung, nhân sâm, hải mã…là những vị thuốc tính ôn và tính táo, nếu dùng nhiều sẽ gây tác dụng trợ hỏa thương âm, gây bứt rứt khó chịu nóng nảy ruột gan.

Như vậy việc dùng thuốc bổ không nên quá liều. Nếu bạn lạm dụng sẽ dẫn đến sự rối loạn về bệnh lý như chuyển từ bệnh lý hàn sang bệnh lý nhiệt, từ đó sẽ phát sinh các bệnh phức tạp khó điều trị.

Không dùng thuốc tẩm bổ cho người khỏe

Đối với các bậc cao tuổi đang khỏe mạnh thì tốt nhất là không dùng thuốc bổ. Xin nêu một ví dụ: đối với một người đang khỏe mạnh, chỉ mọc một vài mụn trứng cá mà lại dùng nhân sâm, thì rất có thể dẫn đến mụn trứng cá độc, hoặc điều trị mãi không khỏi. Thế thì đối với người cao tuổi khỏe mạnh, khi bước vào mùa thu, bạn có thể lựa chọn một cách “tẩm bổ” sức khỏe bằng việc ăn uống. Bạn nên thường xuyên ăn cá, tôm cua hay các loại thủy hải sản, ăn thịt lợn nạc, thịt gà, vịt, uống sữa, ăn đậu phụ, hạt sen, ý dĩ, bách hợp, củ mài, táo đỏ, hạt óc chó, ăn thêm hoa quả chín…


Người cao tuổi khỏe mạnh “tẩm bổ” sức khỏe bằng việc ăn uống lành mạnh

Người cao tuổi khỏe mạnh “tẩm bổ” sức khỏe bằng việc ăn uống lành mạnh

Theo Bs.Ninh Hồng

Sức khỏe & Đời sống