Mũ bảo hiểm gây chấn thương cổ cho trẻ em khi xảy ra tai nạn?

(Dân trí) - Trong buổi lễ phát động Chiến dịch tuyên truyền đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ em ở TPHCM diễn ra ngày 25/3, PGS.BS Trương Văn Việt, nguyên Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, bác bỏ hoàn toàn thông tin trên.

Mũ bảo hiểm gây chấn thương cổ cho trẻ em khi xảy ra tai nạn? - 1

Trẻ em cũng cần đội MBH
Theo ông, hiện không có một tài liệu y khoa nào cho là phần cổ của trẻ em bị tổn thương do trẻ đội MBH. Chấn thương chỉ có thể xảy ra trong trường hợp đội mũ kém chất lượng hoặc đội sai quy trình. Khi tai nạn xảy ra, trẻ đội MBH cũng có thể bị chấn thương cổ và cột sống nhưng do cơ chế chấn thương trong một số trường hợp cụ thể chứ không phải do đội MBH.

 

Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (AIP - đơn vị phát động chiến dịch tuyên truyền) viện dẫn kết quả nghiên cứu thực tế sau khi thống kê các vụ tai nạn của GS Frederick P. Rivara (ĐH Washington), cho rằng: “Đội MBH không làm tăng nguy cơ chấn thương cổ và thậm chí còn có thể giảm nguy cơ này”.

 

Cụ thể, một nghiên cứu tại Pháp trên 13.323 người bị thương do tai nạn giao thông khi sử dụng xe gắn máy hai bánh thì có 35 người bị chấn thương cổ nặng. Nhưng trong số đó, người đội MBH chỉ bằng 86% người không đội MBH. Với trẻ từ 0 - 14 tuổi thì số trẻ đội MBH chỉ bằng 34% so với trẻ không đội MBH.

 

Quỹ AIP cũng đưa ra con số cảnh báo: mỗi tháng ở nước ta có đến 1.000 trẻ chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, trong số đó có 400 trẻ bị tử vong. Do vậy, Quỹ AIP kêu gọi các bậc phụ huynh hãy đội MBH cho con của mình.

 

Ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ AIP, phát biểu: “Các bậc cha mẹ phải biết là không có phương thuốc nào chữa được chấn thương sọ não. Giống như việc tiêm chủng, MBH được xem như liều vắc xin hữu hiệu nhất để phòng ngừa chấn thương sọ não cho trẻ. Họ cần phải hiểu là không có sự khác biệt giữa đầu người lớn và đầu trẻ em khi tai nạn giao thông xảy ra”.

 

Do vậy, Quỹ AIP tiếp tục chiến dịch kêu gọi mọi người đội MBH cho trẻ em. Chiến dịch năm nay sẽ được phát động tại 9 tỉnh thành với chủ đề tuyên truyền Hãy đội MBH như cảnh sát trưởng tí hon.

 

Theo ban tổ chức, trẻ em có tâm lý thích học hỏi bằng các hình thức sinh động vui nhộn hơn là sách vở nên BTC xây dựng hình ảnh cảnh sát trưởng tí hon tài ba và lúc nào cũng đội MBH trong truyện tranh, panô, áp phích... để các em bắt chước theo.

 

Cũng trong ngày phát động chương trình, Quỹ AIP đã tặng 1.650 MBH trẻ em cho các em học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, TPHCM. Chương trình sẽ còn tiếp tục tại địa bàn 8 tỉnh thành khác trong cả nước. Ngoài ra, Quỹ AIP còn lập đường dây nóng 08.62991409 để các em nhỏ khắp cả nước gọi đến tư vấn các vấn đề về MBH và an toàn giao thông.

 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng - Giám đốc cơ quan đại diện của Bộ Giáo dục Đào tạo tại TPHCM, cho biết: “Bộ GD&ĐT xem đây là một chương trình hành động hết sức có ý nghĩa trong giáo dục để bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của các em học sinh”.

 

Kết luận lại, PGS.BS Trương Văn Việt cho rằng: “Nguy cơ chấn thương cổ do MBH gây ra rất nhỏ so với những lợi ích mà nó mang lại. Dù Chính phủ chưa bắt buộc trẻ dưới 14 tuổi đội MBH, nhưng người lớn chỉ biết đội MBH để bảo vệ mình mà không đội MBH cho con trẻ khi đi xe gắn máy trên đường thì đó là một hành động ích kỷ”.

 

Tùng Nguyên