Chùm tin:

Một chiếc đũa nằm trong bụng tới 10 ngày

(Dân trí) - Bệnh viện Đa khoa TƯ Cần Thơ vừa tiếp nhận trường hợp bị đũa đâm thủng gan, thủng động mạch chủ vùng bụng từ trước đó 10 ngày nhưng tuyến dưới chỉ gắp các mẩu dăm ở phía ngoài bụng và chẩn đoán không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Đó là bệnh nhân N..V.D (23 tuổi, ngụ xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng).

 
Ngày 28/2 bệnh nhân nhập bệnh viện Đa khoa TƯ Cần Thơ trong tình trạng đau bụng dữ dội. Kết quả chụp CT cho thấy có một chiếc đũa đâm từ vùng thượng vị xuyên vào ổ bụng làm thủng gan trái, đứt phần trên của động mạch chủ.
 
Ca mổ kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, phải truyền 8 đơn vị máu. Bệnh nhân được khâu động mạch chủ, vá lỗ thủng gan trái và làm sạch ổ bụng. Đến sáng 2/3 bệnh nhân đã bình phục.

 

Trước đó, ngày 19/2, D.cãi nhau với người bạn trong lúc đang nhậu và bị bạn dùng đũa đâm vào bụng dững nhiều nhát. Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh Sóc Trăng. Tại đây, các bác sĩ chỉ sơ cứu các vết thương bên ngoài, gắp các mẩu dăm của đũa găm trên da bụng và chẩn đoán vết thương không ảnh hưởng tới sức khỏe.

 
Hoại tử tay do tăng tiểu cầu nguyên phát
 
Bệnh viện Nhân dân 115, TPHCM vừa điều trị một ca bệnh hiếm gặp: tăng tiểu cầu nguyên phát. Đây là một căn bệnh không có triệu chứng rõ ràng, người bệnh chỉ phát hiện khi xảy ra biến chứng.
 
Bệnh nhân là bà V.T.N. (75 tuổi, ở Đồng Tháp) nhập viện trong tình trạng cánh tay trái bị sưng nề, hoại tử, lở loét, đau nhức, đồng thời tức ngực, khó thở…

 

Qua kết quả xét nghiệm và chiếu chụp, các bác sĩ xác định bệnh nhân N. bị tăng tiểu cầu nguyên phát - một căn bệnh hiếm gặp. Lượng tiểu cầu trong máu của bệnh nhân tăng lên tới 1.945.000 tiểu cầu/microlit máu (người bình thường là 150.000 - 400.000 tiểu cầu/microlit). Lượng tiểu cầu tăng cao dẫn đến biến chứng hoại tử tay. Để cứu nạn nhân, các bác sĩ đã phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ 1/3 cánh tay trái, dẫn lưu khoang màng phổi.

 

Theo các bác sĩ, tăng tiểu cầu nguyên phát là một loại bệnh rất hiếm gặp, với tỉ lệ khoảng 1 đến 3 người/100.000 người, thường xảy ra ở người từ 50 đến 70 tuổi. Bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng, người bị bệnh không thể biết mình mắc bệnh cho tới khi được xét nghiệm hoặc có biến chứng xảy ra.
 

Mất bàn tay do cuốc trúng bom bi

 

Ngày 2/3, BS Nguyễn Thế Hiệp (Khoa Cấp cứu, bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM) cho biết, tuần qua bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân người dân tộc Stiêng chuyển đến từ bệnh viện Đa Khoa tỉnh Bình Phước do bị nổ bom bi.

 

Nạn nhân tên Điểu Giấp, sinh 1959, người dân tộc Stiêng, ngụ Bù Gia Mập, Bình Phước. Vụ nổ làm anh bị đa chấn thương và mất cánh tay phải.

 

Theo người nhà bệnh nhân, sáng ngày 28/3, cả nhà anh Giấp, gồm hai vợ chồng và người con trai đi làm cỏ ở phần rẫy của gia đình để chuẩn bị trồng cây điều. Khoảng gần trưa, anh Giấp cuốc trúng một trái bom bi bằng ngón chân cái làm nó phát nổ. Anh Giấp bất tỉnh tại chỗ, con trai bị thương nhẹ,  người vợ ở xa nên không bị thương.   

 

Sau điều trị cấp cứu, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Chấn thương Chỉnh hình (CTCH) để tiếp tục theo dõi và điều trị; dự kiến khoảng 1 tuần nữa thì có thể xuất viện.

 

Theo BS Nguyễn Quốc Toàn (Khoa CTCH, BV Chợ Rẫy) cho biết, bệnh nhân bị mất cẳng tay và bàn tay phải, tay trái bị thương phần mềm, mặt và ngực bị nhiều vết thương do mảnh bom nổ, tai phải bị ù ... Hiện nay tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tương đối ổn, các vết thương hồi phục tốt. Tuy nhiên, do cẳng tay và bàn tay phải của nạn nhân bay mất nên bệnh nhân phải chịu cụt tay phải.

 

Phạm Tâm - Vân Sơn - Ngọc  Thanh