Mổ ruột thừa, điều trị gần 2 tháng vì nuốt phải tăm nhọn

(Dân trí) - Xỉa răng nuốt phải tăm nhọn nhưng anh N.V.H (38 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ) không đi khám vì nghĩ tăm chui vào dạ dày rồi sẽ… tiêu. Không ngờ, chiếc tăm nhọn chọc thủng manh tràng và anh bị mổ ruột thừa oan cũng vì vết đau do tăm nhọn gây ra.

 

Mổ ruột thừa, điều trị gần 2 tháng vì nuốt phải tăm nhọn - 1
Chiếc tăm nhọn được lấy ra từ trực tràng bệnh nhân H đã có dấu hiệu mủn. Ảnh: H.Hải
 

Tai nạn nhỏ, hậu quả lớn

Anh H kể lại, cách đây khoảng 2 tháng, anh đang ngậm tăm xỉa răng sau ăn thì bỗng dưng bị ho, sặc nước bọt nên nuốt luôn cả chiếc tăm nhọn. Nhưng vì không thấy đau, vướng họng nên anh nghĩ, tăm chui vào dạ dày ắt sẽ tự tiêu nên cũng không nghĩ gì tới việc khám xét.

Sau đó 12 ngày, anh H có triệu chứng sốt và đau bụng vùng hố chậu phải nên mới tới bệnh viện tỉnh khám. Tại đây, dù được siêu âm, chiếu chụp nhưng bác sĩ cũng không phát hiện dị vật, bản thân anh H cũng chẳng nhớ tới việc đã từng nuốt một chiếc tăm trong bụng. Vì thế, sau khám bệnh, bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm ruột thừa và phải mổ cấp cứu. Sau 6 ngày mổ nội soi ruột thừa, anh H được xuất viện vì dứt đau, dứt sốt. Tuy nhiên về nhà được 10 ngày bệnh nhân lại có đau và sốt nhẹ và lại đi tái khám tại bệnh viện tỉnh và tiếp tục được giữ lại điều trị nội khoa vì nghi ngờ có viêm đại tràng.

Điều trị nội khoa mãi không đỡ, anh mới được gia đình chuyển lên bệnh viện Việt Đức. Tại đây, bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính, siêu âm và phát hiện có tổn thương viêm nhiễm ở vùng đại tràng phải nên được nội soi chẩn đoán. “Kết quả nội soi cho thấy vùng đại dàng có một chiếc tăm nhọn chọc thủng manh tràng vào ổ bụng, tôi ngớ người, mới sực nhớ đến tai nạn nuốt tăm cách đây hai tháng. Không ngờ, chỉ vì một chiếc tăm mà tôi đã bị mổ ruột thừa, tống không biết bao nhiêu kháng sinh vào người trong suốt hai tháng đau, sốt với số tiền chi phí điều trị, đi lại mất hơn 37 triệu đồng. Rất may, cuối cùng thủ phạm khiến mình sốt, đau bụng triền miên cũng đã được tìm ra và được gắp ra qua đường nội soi”, anh H nói.

Theo các bác sĩ khoa Nội soi (BV Việt Đức), trường hợp của bệnh nhân H này cực kỳ may mắn vì tăm chọc thủng manh tràng mà dịch mủ chưa tràn ra ổ bụng. “Nếu dịch mủ từ vị trí viêm nhiễm này bị tràn ra ổ bụng sẽ gây viêm phúc mạc và chắc chắn bệnh nhân sẽ phẫu thuật lần nữa nếu không sẽ tử vong. Rất may, dù tăm nhọn chọc thủng manh tràng nhưng do có các tạng che chắn nên dịch chưa bị tràn ra vùng bụng”, bác sĩ Trọng Khiêu, khoa Nội soi nói.

Đến viện sớm

Thực tế điều trị cho thấy, các ca hóc dị vật như thức ăn, tăm nhọn, hóc răng giả… khi được đưa đến viện sớm, việc xử lý dễ dàng hơn rất nhiều do dị vật chưa chui sâu vào đường tiêu hóa. Nhưng thường chỉ những bệnh nhân sau hóc dị vật có tình trạng nuốt vướng, khó chịu mới đến viện sớm. Còn lại những trường hợp do dị vật chui tọt xuống sâu dạ dày, nạn nhân không cảm thấy khó chịu thì thường chủ quan sẽ tiêu hóa được dị vật nên không đến viện. Những trường hợp này, diễn biến bệnh rất dai dẳng do việc phát hiện dị vật khó khăn, như trường hợp của bệnh nhân N.V.H trên là một ví dụ. Chỉ do hóc một chiếc tăm nhỏ, bệnh nhân đã phải mổ ruột thừa, siêu âm, chụp phim, soi đại tràng gắp dị vật, tốn bao tiền bạc, thời gian cũng như những lo lắng về sức khỏe…

“Vì thế, người dân không nên coi việc nuốt phải tăm nhọn, xương cá cũng như dị vật là chuyện nhỏ, có thể tiêu được mà nên đến viện sớm ngay sau khi nuốt dị vật. Nếu đến viện ngay, dị vật chưa chui vào sâu trong đường tiêu hóa, vẫn ở dạ dày hoặc ở vùng thực quản, việc lấy ra dễ dàng hơn rất nhiều. Lấy dị vật sớm cũng sẽ giảm nguy cơ tai biến và biến chứng do dị vật gây ra và việc điều trị cũng đơn giản hơn”, TS Mai Thị Hội, trưởng khoa Nội soi, bệnh viện Việt Đức cảnh báo.

Để phòng nguy cơ hóc tăm, mọi người không ngậm tăm lâu trong miệng. Nhất là với người già, người có răng giả cũng cần lưu ý, đã từng có trường hợp răng giả bị tuột, chui thẳng vào họng. Nên sử dụng những vật liệu làm sạch răng mà không có nguy cơ (chỉ tơ nha khoa). Với trẻ em, tuyệt đối không cho trẻ nghịch tăm cũng như những vật dễ nuốt vì nếu không may nuốt phải, việc lấy dị vật ở trẻ em cũng khó khăn hơn rất nhiều so với người lớn.

Hồng Hải