Méo mặt nằm viện ngày nắng nóng

(Dân trí) - Trong cái nắng oi ả của mùa hè Hà Nội, một mình một quạt vẫn muốn bỏ phăng quần áo. Tại bệnh viện, cái nóng càng hầm hập, bệnh nhân phải nằm ghép 2 - 3 người/giường. Hơi người, lại thêm “mùi bệnh viện” làm không gian càng ngột ngạt, càng khó chịu hơn.

Thêm oi bức vì quá tải

 

Có mặt tại Khu điều trị Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư chiều 26/6, đúng giờ các bệnh nhân phải truyền máu, tiêm thuốc, chúng tôi càng cảm nhận được cái nóng muốn ươn người.

 

Quạt trần chạy hết tốc lực, quay vù vù nhưng từ y tá, điều dưỡng đến bệnh nhân đều mướt mát mồ hôi. Phòng bệnh nhỏ chỉ chừng 8m2 với 2 giường bệnh và 6 bệnh nhân, chưa kể mỗi người bệnh lại có một người nhà đi chăm nên muốn phỏng vấn người bệnh, chúng tôi cũng phải lựa mãi mới được chỗ đứng.

 

“Trời nóng này mà phải nằm yên một chỗ để truyền máu mới thấu được cái khổ. Lưng nhơm nhớp mồ hôi nhưng vẫn phải cố nằm yên vì sợ chệch ven. Có khi, nằm đến hơn tiếng đồng hồ để truyền xong một bịch máu, người ướt đẫm vì nóng”, một bệnh nhân nữ than thở.

 

BS Bạch Quốc Khánh, Phó viện trưởng Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư cho biết: “Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng, trung bình khoảng 260 - 280 bệnh nhân điều trị/120 giường bệnh. Vì thế, người bệnh phải nằm 2 - 3 người/giường là rất phổ biến”.

 

“Biết là thời tiết nóng, 2 - 3 người chung nhau một cái giường cá nhân là rất khổ cho người bệnh nhưng chẳng biết làm thế nào, vì bệnh nhân nặng vẫn phải nhập viện để truyền máu, điều trị hàng ngày. Chúng tôi chỉ còn cách cho quạt trần chạy 24/24, hết tốc độ, rồi động viên người bệnh giữ phòng ốc gọn gàng để giảm bớt cái nóng”, BS Khánh chia sẻ.

 

Tại BV Nhi T.Ư, cảnh quá tải thể hiện từ nơi gửi xe rồi đến khu khám bệnh. Trong cái nóng oi bức lên đến 34oC, vẫn phải chen chân lấy số khám. Dọc hàng lang khu khám bệnh tự nguyện, những em bé mè nheo trên tay mẹ vì nóng quá. Nhất là với những đứa trẻ đang bị sốt, ngồi đợi khám bệnh đúng là một cực hình.

 

Chị Hải ở Thanh Xuân mặt méo xệch vì đứng đợi đúng 3 tiếng, hết khám phòng nọ đến phòng kia mà vẫn chưa xong, tay mỏi cứng vì bế con, mà cô nhóc nhất định không theo bố. Ông bố bên cạnh quần sắn ống thấp ống cao, tay xách đồ, tay cầm quạt khua liên hồi cho con đỡ nóng.

 

“Tôi luôn tay quạt thêm mà thằng bé cứ luôn miệng kêu nóng, cứ lật tung cả áo lên, nằm ngủ cũng không yên, bứt rứt rất khó chịu. Chỉ mong con mau khỏi về nhà, thoát khỏi cái cảnh 1m2/1 người này”, chị Hạnh, mẹ cháu Quân đang nằm điều trị tại khoa Hô hấp than thở.

 

BS Vũ Quý Hợp, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Viện Nhi T.Ư cho biết: "Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.300 - 1.500 bệnh nhân đến khám. Ngoài những bệnh đường hô hấp như xổ mũi, ho, hắt hơi thông thường, có khá nhiều trẻ phải điều trị nội trú vì viêm phổi. Tình trạng ghép 2 – 3 bệnh nhi/giường phổ biến ở nhiều khoa”.

Méo mặt nằm viện ngày nắng nóng - 1
Hai bé, hai mẹ ở trên một chiếc giường cá nhân chật hẹp

Bệnh thêm nặng vì quá nóng

 

Đó là trường hợp của bệnh nhi N.Đ.D (8 tháng tuổi ở Văn Quán, Hà Đông). Cách đây mấy hôm, chị Linh mẹ cháu D. đã cho quạt hết tốc lực vì trời nóng quá. Tất nhiên, chị vẫn chú ý thay áo 2 - 3 lần/đêm khi người bé ướt sũng mồ hôi. Dù cẩn thận thế, bé vẫn bị viêm họng kèm ho nhiều. Bác sĩ đã kê Zinnat 125mg/ngày và thuốc ho Autusin. Uống đến ngày thứ 3, bé bớt ho, chị khấp khởi mừng. Vậy mà sang ngày thứ 4, bé lại có dấu hiệu khò khè, ho liên tục. BS đến nhà khám xác định bé bị viêm phế quản - phổi phải nhập viện.

 

Theo chị Linh, bé bị viêm phổi chắc do ngấm lạnh vì từ hôm con ho, sốt, chị không dám dùng quạt, cũng chẳng dùng điều hoà, chỉ quạt tay; có lúc mệt quá, ngủ thiếp đi, tỉnh dậy con đã ướt sũng đầu, lưng.

 

BS Nguyễn Văn Lộc, nguyên phó giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết: Với những cháu đang bị bệnh về đường hô hấp, sốt khi thời tiết quá nóng, lại phải nằm ghép giường, mồ hôi mồ kê ra nhiều, không kịp lau bé rất dễ nhiễm lạnh, gây cảm, viêm phổi.

 

“Trời nóng bức, đến người bình thường còn khó chịu nữa là người ốm. Nhất là phải ở trong môi trường bệnh viện quá tải, hơi người càng làm trời thêm ngột ngạt. Lại thêm mùi mồ hôi, mùi thuốc… càng làm bé khó chịu hơn. Vì thế, chỉ trong trường hợp bắt buộc các bác sĩ mới chỉ định nằm viện còn đều cho trẻ điều trị ngoại trú. Ở nhà vẫn thoáng, mát dễ chịu hơn cho bé, lại thuận lợi cho người chăm nom, chứ đi đi lại lại giữa cái nóng oi bức này, cũng đến đổ bệnh”, BS Lộc nói

 

Không chỉ bức bối, khó chịu, mà tình cảnh nóng nực, quá tải còn tiềm ẩn nguy cơ lây chéo bệnh rất cao. Nhất là với bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy. Ở chung phòng, bệnh nhân đang điều trị bệnh này rất dễ lây nhiễm thêm bệnh khác từ người cùng phòng.

 

“Đến khổ cả mẹ cả con. Con thì liên tục sốt cao trên 39 độ, phòng bệnh thì đông, 2 người nằm một giường, toàn phải thức trắng đêm để quạt, lau cho trẻ. Khổ nhất là bố nó, ngày thì vật vờ ngoài cổng viện, chỗ nào có bóng mát thì ngả lưng, tối đến nằm hàng lang bệnh viện, chẳng quạt, chẳng màn. Đi viện thời điểm nào cũng khổ, nhưng trong ngày nắng này mới thấy méo mặt. Chăm con ốm mà bố mẹ cũng muốn ốm theo”, chị Liên, đang chăm con tại viện Nhi T.Ư bày tỏ.

Méo mặt nằm viện ngày nắng nóng - 2
Trên tay ai cũng có chiếc quạt để giúp con bớt nóng
 

Nắng nóng ốm đã khổ, người đi chăm cũng khổ không kém. Nắng nôi mà không có chỗ ngủ, nghỉ cứ phải vạ vật ngoài đường đợi đến giờ vào thăm nuôi người thân. Không ít người nóng đến không chịu nổi, cởi trần nằm lăn ra nền đất ngay cổng viện, trên ghế đá.

 

Đến bệnh viện mùa nóng, nhìn ai cũng lôi thôi lếch thếch, mồ hôi mồ kê nhễ nhại đâm ra ai cũng dễ cáu bẳn. Không chỉ bệnh nhân đau rên rỉ, nóng nực mà bác sĩ thăm khám nhiều khi cũng phát cáu giữa nơi ngột ngạt toàn hơi người. Những cánh quạt trần quay tít chẳng đủ làm tan cái nóng, ngược lại, càng làm lan toả mùi mồ hôi, rồi hơi người khiến ai cũng bức bối.

 

Chúng tôi chỉ đến bệnh viện trong chốc lát để tác nghiệp, cũng phần nào thấm thía nỗi khổ của cả bác sĩ, người bệnh, người nhà họ trong cái nóng bức đến ngột ngạt. Thầm cảm ơn ông trời đã “ưu ái” không bắt mình ốm phải đi viện!

 

Tú Linh