Mất giọng sau ngày Tết

Sau Tết, nhiều người bỗng nhiên bị khàn tiếng, ho, thậm chí bị mất cả giọng nói. Trừ những vùng lạnh bất thường, còn lại đa số là do việc ăn uống, thức khuya, sử dụng giọng nói quá nhiều và do cả môi trường có nhiều khói nhang và khói thuốc lá.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, cho biết sau Tết tình trạng viêm thanh quản thường gia tăng.

 

Khi bộ phận phát âm bị "quá tải"

 

Chỉ cần một thay đổi rất nhỏ ở màng rung thanh quản là tiếng nói nghe khác hẳn. Thay đổi này có thể tạo ra do một lần la hét quá to, do nhiễm trùng của bộ máy hô hấp, do chứng dị ứng khi thời tiết thay đổi hoặc chỉ đơn giản vì không khí quá khô. Bộ phận giúp phát ra tiếng nói nằm ở cổ họng, khi bộ phận phát âm bị nhiễm trùng sẽ làm thay đổi giọng nói.

 

Tất cả các lý do này đều có thể tạo sự thay đổi từ nhẹ (như khan tiếng) đến nặng (như tắt tiếng), thậm chí đến mức nguy hiểm khi sự khan tiếng hay tắt tiếng kèm theo cảm giác đau đớn ở cổ họng mỗi khi nuốt nước miếng. Ngày Tết, việc ăn nhiều dầu mỡ, uống quá lạnh hay ăn những hạt có nhiều dầu như hạt dưa, hạt bí, đậu phộng... dễ gây kích thích ho.

 

Ngoài ra, mọi người còn có xu hướng sử dụng giọng nói quá nhiều, như vui chơi, la hét, hát hò cũng làm cho bộ phận phát âm bị “quá tải” và dễ bị viêm nhiễm. Khi tình trạng khàn tiếng đã xảy ra, cần phải giữ gìn giọng nói. Việc nói chuyện, hơn bất cứ lý do nào khác, làm triệu chứng tắt tiếng lâu khỏi hơn, vì các màng rung trong cổ họng phải hoạt động nhiều mà không có dịp nghỉ ngơi để bình phục. Ngay cả việc thì thầm rất nhỏ cũng gây hại. Khi thì thầm bằng tiếng gió, các màng rung trong cổ họng lại dao động mãnh liệt không kém gì khi chúng ta hét thật to. Bác sĩ Ngọc Dung khuyên để giữ gìn giọng nói sau ngày Tết, không nên nói chuyện quá một giờ, không nói ở khoảng cách xa...

 

Khói nhang: Thủ phạm gây tắt tiếng

 

Bên cạnh những yếu tố như thức ăn, thức uống và việc vui chơi quá độ, hít nhiều khói nhang và khói thuốc lá cũng góp phần gây nên tình trạng viêm thanh quản. Đặc biệt là ở những khu vực chùa chiền, những người đến đây dễ bị ho, hắt xì hơi, sặc...

 

Đối với người có cơ địa bình thường, những triệu chứng này chỉ xuất hiện thoáng qua rồi hết hoặc phải xuất hiện ở những nơi có khói nhang vài lần mới bị kích thích lên hệ hô hấp gây viêm thanh quản. Tuy nhiên, đối với những trường hợp bị dị ứng với khói bụi, chỉ cần hít khói nhang lần đầu cũng có thể bị nhảy mũi và khàn tiếng ngay lập tức.

 

Vì vậy, những người có cơ địa dị ứng nên tuyệt đối tránh những nơi có khói nhang và khói thuốc lá, không được hút thuốc. Thêm vào đó, không khí quá khô thường là nguyên nhân của đa số trường hợp mất tiếng. Không khí khô thường làm khô màng rung trong cổ họng cũng như lớp đờm bảo vệ quanh nó. Khi bị khô, lớp đờm này lại trở thành một chất rất dính, càng làm sự phát âm bị cản trở nhiều hơn.

 

Không thức khuya, nên uống nhiều nước

 

Nên đi bác sĩ khám khi có triệu chứng khàn tiếng, tắt tiếng hoặc nghe có tiếng khò khè trong cổ họng khi hít thở, hoặc khạc ra máu... Đó là dấu hiệu chứng tỏ tình trạng nhiễm trùng cổ họng đã rất nặng hoặc có thể bạn bị nổi mụn trong cổ họng. Sự nhiễm trùng hay nổi mụn này có thể làm phần trên của bộ phát âm sưng to, dẫn đến sự tắc nghẽn của đường không khí vào phổi.

 

Đối với những trường hợp có kèm theo ợ hơi, ợ chua, không nên ăn quá khuya, không ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, củ kiệu hoặc hạn chế uống bia rượu, khi ngủ nên kê cao đầu. Việc thức khuya quá cũng làm cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.

 

Bác sĩ Ngọc Dung cũng khuyên, bên cạnh việc tránh tiếp xúc với môi trường nhang khói, tuyệt đối không hút thuốc trong lúc bị tắt tiếng. Khói thuốc là nguyên nhân đứng đầu trong các nguyên nhân làm cổ họng bị khô. Ngoài ra, cần uống nhiều nước để giúp cho cổ họng giữ ẩm nhiều hơn. Nên uống nước lạnh hoặc nước trái cây. Nước trà quá đậm và các loại rượu có thể làm cổ họng có cảm giác khô hơn.

 

 

Theo Người lao động