Mầm bệnh từ đĩa rau xanh

Chỉ trong một ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhân mắc sán lá lớn ở gan, nâng tổng số người nhập viện từ đầu năm đến nay là hơn 300 ca. Nguyên nhân vì đâu?

Sán “ăn” gan luồn cả ra da

 

Chị Đỗ Thị Minh Hằng, ngụ tại Quảng Ngãi, từng đến BV Nhiệt đới vì bị nhiễm sán lá lớn ở gan. Sau vài tháng xuất viện, nay chị lại có những dấu hiệu tái nhiễm bệnh.

 

Chị phát hiện dưới ổ bụng xuất hiện 1 khối u lớn, thỉnh thoảng vẫn trồi lên, sụt xuống. Thế nhưng, dù đã siêu âm nhiều lần, bác sĩ vẫn không phát hiện được gì ngoài các thương tổn ở gan.

 

Hai tháng sau, chị quay trở lại. Lúc này, khối u đã lớn bằng quả chanh. Chị được gửi đến BV Bình Dân để phẫu thuật. Kết quả thật bất ngờ, các bác sĩ đã tóm được 2 con sán nằm trong khối u ấy. Đó chính là nguyên nhân gây nên áp xe thành bụng.

 

Theo TS, BS Trần Tịnh Hiền, “thủ phạm” gây bệnh sán lá lớn là ấu trùng một loài sán chuyên sống bám ở các loài thủy sinh như: rau ngổ, cải xong, rau đắng, rau muống, rau cần…

 

Thói quen thích ăn rau sống nhưng rửa không sạch đã tạo điều kiện cho ấu trùng xâm nhập và gây bệnh.

 

Trứng ký sinh trùng theo phân gia súc ra ngoài, nở thành ấu trùng. Chúng sống trong nước, ký sinh trên rau, ốc… và phát triển thành sán lá. Khi ăn rau chứa ấu trùng, nguy cơ mắc bệnh sẽ rất cao.

 

Con đường lây lan mầm bệnh

 

Sán vào thành ruột, lên gan, gây tổn thương, ký sinh ở đường mật, gây áp xe gan, chảy má đường mật, xuất huyết…

 

Bệnh nhân nhiễm sán lá lớn thường bị sụt cân, đau bụng, khó chịu, sốt, nổi mề đay, ho, khó thở, đau ngực, buồn nôn…

 

Bệnh thường phải điều trị lâu dài, từ vài tháng đến 1 năm và phải đến 25% bệnh nhân có nguy cơ tái phát. Trong khi đó, thuốc Triclabendazole để chữa bệnh này lại rất hiếm.

 

Bệnh viện Nhiệt đới trước đây thường sử dụng loại thuốc do WHO tài trợ với số lượng có hạn. Thuốc không bán rộng rãi, được mua từ nước ngoài với giá rất đắt, từ 150 – 20 USD/liều (2.400.000 – 3.200.000đồng/liều).

 

Hiện nay, trước tình trạng lượng bệnh nhân tăng đột biến, bệnh viện phải khảo sát thêm một loại thuốc khác rẻ hơn có ở VN. Kết quả gần như tương đương với thuốc Triclabendazole.

 

Theo Huyền Chi

Tiếp thị & Gia đình