Luật Bảo hiểm y tế: Sửa đổi, bổ sung để luật đi sâu vào đời sống

Ngày 10/12, tại TPHCM, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá 3 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Hội nghị đã khẳng định những tác động tích cực của Luật BHYT tới đời sống, xã hội và hướng đến việc hoàn thiện để luật đi vào đời sống một cách sâu rộng và toàn diện hơn nữa...

 

Đối tượng tham gia BHYT ngày càng phát triển

 

Theo báo cáo kết quả 3 năm thực hiện luật BHYT, bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế trình bày tại hội nghị, sau khi Luật BHYT đi vào cuộc sống, số người tham gia BHYT đã tăng nhanh, tính đến cuối tháng 9/2012, cả nước đã có trên 57 triệu người tham gia (tương đương 65% dân số), tăng 8 triệu người so với năm 2010. Năm 2012, ước tính số người tham gia BHYT sẽ đạt 59,164 triệu người. Về tổ chức KCB BHYT, năm 2012 đã có 2.453 cơ sở KCB ký hợp đồng KCB cho người có thẻ BHYT, tăng 6% so với năm 2010...

 

Lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo BHXH Việt Nam đồng chủ trị hội nghị.

Lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo BHXH Việt Nam đồng chủ trị hội nghị.

 

Đánh giá về tác động của Luật BHYT, đại diện Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đều cho rằng: Sau 3 năm triển khai thực hiện, Luật BHYT đã từng bước đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến chính sách BHYT tại Việt Nam, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT. Có thể nói, chính sách BHYT có vai trò quan trọng, đóng góp về tài chính và thực hiện được định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển của hệ thống chăm sóc sức khỏe nước ta, phù hợp với định hướng chính sách tài chính y tế của Ðại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới và xu thế của các nước trong khu vực. Đặc biệt, chính sách BHYT đã góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi...

 

Cần sớm khắc phục những bất cập để hoàn thiện Luật

 

Theo nhận định của BHXH, quá trình thực hiện Luật BHYT cũng đang bộc lộ nhiều bất cập và vướng mắc. Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHYT chưa đạt như mục tiêu đề ra, tỷ lệ tham gia BHYT chưa đầy đủ, tính tuân thủ pháp luật chưa cao, cho nên vẫn còn gần 35% số dân chưa tham gia BHYT.

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Luật BHYT còn nhiều hạn chế, bất cập về mặt quản lý, thanh toán, nhiều thủ tục rườm rà, chồng chéo trong khi sự phối hợp các bộ, ban ngành cũng chưa tốt. Khám chữa bệnh BHYT còn nhiêu khê, phiền hà. Chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của người dân. Đặc biệt, hiện nay, thông tin tuyên truyền và vận động nhân dân hiểu và tự nguyện tham gia BHYT còn yếu, chưa tập trung, chưa đạt cả về chất và lượng.

 

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, ngành y tế và BHXH cần phối hợp nhịp nhàng và có những giải pháp đột phá. Trước mắt, sửa đổi, bổ sung Luật BHYT phải làm sao để luật sẽ phù hợp với tình hình của 7 hay 10 năm tới chứ không bất cập như hiện nay, luật mới được 3 năm đã phải sửa đổi. Theo quan điểm của Bộ Y tế, việc sửa đổi, bổ sung cần đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa 3 bên: người bệnh BHYT, cơ sở cung ứng dịch vụ và quỹ BHYT; đảm bảo khả năng chi trả và an toàn của quỹ BHYT nhưng cũng góp phần giảm gánh nặng chi phí y tế trực tiếp lên túi tiền của người dân.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nhiều quốc gia khu vực châu Á đã thực hiện BHYT toàn dân từ vài năm đến vài chục năm nay với độ phủ 80-90% dân số như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc... Họ cũng đã trải qua một thời gian dài chuẩn bị. Ở Việt Nam, đây không đơn thuần là nhiệm vụ chuyên môn mà là vấn đề về chính trị, an sinh xã hội.

 

Điều đáng mừng là ở nước ta, dù GDP mới vượt qua khỏi ngưỡng nước nghèo nhưng đã có tỉ lệ bao phủ trên 60% là điều rất có ý nghĩa và nhân văn. Nhiều địa phương đã tự bỏ kinh phí mua BHYT cho những người cận nghèo. 40% trạm y tế xã cũng đã tham gia vào khám BHYT... Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới cũng đánh giá cao chương trình BHYT của Việt Nam và phối hợp cùng ngành y tế nước ta tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn, nhiều hội nghị, hội thảo để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về những mô hình BHYT tiêu biểu trong thời gian qua.

 

Theo Tuân Nguyễn

Sức khỏe & Đời sống