Lựa chọn thực phẩm an toàn như thế nào?

(Dân trí) - Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra nhiều khuyến cáo để người dân lựa chọn thực phẩm an toàn. Trước sự hồ nghi của nhiều người, “đi chợ về tay không” với những hướng dẫn này, Cục ATTP khẳng định những hướng dẫn đó đều dựa trên cơ sở khoa học.

Phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Phong (ảnh), Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) về vấn đề này.
 
Lựa chọn thực phẩm an toàn như thế nào?

 
Thưa ông, Cục An toàn thực phẩm nhiều lần đưa ra những khuyến cáo cho người dân về lựa chọn thịt tươi ngon, an toàn, lựa chọn măng khô như thế nào để không “dính” lưu huỳnh. Căn cứ vào đâu để Cục đưa ra những khuyến cáo này cho người dân, thưa ông?

Không phải tự nhiên mà Cục An toàn thực phẩm có thể đưa ra những lời khuyên này. Mọi lời khuyên, hướng dẫn lựa chọn thực phẩm an toàn đều phải có căn cứ, cơ sở khoa học.

Để đưa ra những hướng dẫn cụ thể này, chúng tôi vừa dựa vào thực tiễn quản lý cũng như những bằng chứng khoa học, trên cơ sở các xét nghiệm những mẫu thực phẩm này được cục An toàn thực phẩm thực hiện suốt trong những năm qua.

Tôi chỉ nói đơn cử, tại sao chúng tôi khuyên người dân phải lựa chọn các loại rau củ quả tươi ở những địa chỉ cố định, không mua hàng trôi nổi. Điều này là có cơ sở của nó. Trước mắt về góc độ quản lý. Nếu không may xảy ra ngộ độc thì người ta rất dễ để truy tìm nguồn gốc và xác định nguyên nhân. Ngoài ra nó còn phục vụ cho cả việc cứu chữa người bệnh nếu không may xảy ra ngộ độc. Bởi việc nhanh chóng tìm ra nơi bán, sẽ nhanh chóng tìm ra nơi sản xuất để biết họ sử dụng hóa chất gì, ngộ độc do vi sinh vật gì. Ngoài việc điều trị theo triệu chứng, khi có những cơ sở như vậy sẽ giúp việc điều trị nhanh, trúng đích, hiệu quả hơn.

Một số người tiêu dùng cho rằng Cục hướng dẫn ngược khi hướng dẫn người dân ngâm rau rồi mới thực hiện rửa dưới vòi nước chảy. Thói quen của nhiều người là rửa sạch rau rồi mới ngâm… Liệu giữa hướng dẫn và thói quen, điều gì là đúng, thưa ông?
 
Lựa chọn thực phẩm an toàn như thế nào?

Khi mua về, việc ngâm ban đầu giúp tan đất bẩn, rồi tiếp tục rửa dưới vòi nước chảy sẽ giúp loại bỏ chất bảo quản thực vật.

Chúng tôi đưa ra khuyến cáo ngâm rau 10 - 15 phút rồi mới rửa rau ba lần dưới vòi nước chảy. Điều này không phải là ngẫu nhiên mà đã có sự nghiên cứu, phần lớn các hóa chất bảo vệ thực vật dễ hòa tan trong nước, rửa 3 lần dưới vòi nước chảy loại trừ được đáng kể. Người ta đã làm nhiều nghiên cứu, lấy mẫu rau xét nghiệm trước khi rửa để xét nghiệm tồn dư chất bảo vệ thực vật, sau rửa lại xét nghiệm xem còn tồn dư bao nhiêu. Kết quả cho thấy, hàm lượng tồn dư thuốc bảo quản thực vật giảm đáng kể, chính vì vậy mới có cơ sở để khuyến cáo.

Còn việc ngâm rau ban đầu, với mục đích để có thời gian làm đất bẩn bám trong rau ngấm nước, trôi ra. Sau đó thực hiện việc rửa trôi sẽ đảm bảo sạch hơn.

Mua măng cần phải quan sát màu sắc, hình dáng, sờ nắn và đặc biệt là phải ngửi mùi (Ảnh: T.Phương)

Mua măng cần phải quan sát màu sắc, hình dáng, sờ nắn và đặc biệt là phải ngửi mùi (Ảnh: T.Phương)
 
Vậy với hướng dẫn chọn măng thì mình dựa trên cơ sở nào, thưa ông? Bởi người bán hàng cho rằng, nếu chọn măng theo hướng dẫn của Bộ Y tế là… sai. Bởi măng Việt Nam lấy từ vùng núi, của đồng bào dân tộc thường có màu xám xỉn, hơi đen. Chỉ hàng chế biến qua thuốc mới có màu vàng nâu nhạt, xuất hiện màu hổ phách…

Tôi xin khẳng định lại, mọi khuyến cáo chúng tôi đưa ra đều trên cơ sở khoa học. Vì sao chúng tôi đưa ra mùi vị của măng nếu có mùi khét thì không mua? Bởi những loại như thế từng được đem xét nghiệm đều có tồn dư lưu huỳnh. Vì thế, với những loại măng có mùi khét thường là mùi rất đặc trưng của diêm sinh. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nghĩ ra được, mà từ quá trình lâu dài, kinh nghiệm khi lấy mẫu xét nghiệm, từ đó những mẫu có cảm quan, mùi vị như vậy khuyên không nên dùng.

Trên cơ sở đó, người dân đi mua hàng nên tránh những sản phẩm có biểu hiện như vậy. Còn để chính xác nhất đương nhiên phải tiến hành xét nghiệm.

Ví dụ tại sao có kinh nghiệm, lấy ngón tay ấn vào miếng thịt mà đàn hồi không trở lại là ôi. Bởi kinh nghiệm là những mẫu thịt như thế từng lấy mẫu xét nghiệm, khi xét nghiệm các chỉ số về sinh học của thịt không được như thịt tươi. Từ đó mới đưa ra kết luận thông thường những loại thịt đó là thịt ôi.

Với thịt ôi được làm tươi mới bằng bột săm phết, không thể còn độ đàn hồi, sờ vào sẽ nhớt nhớt. Nó có thể làm mất đi những màu sắc, còn với những đặc trưng riêng không lấy lại được. Ngay cả với thịt ôi đã được chế biến, không nhìn được bằng mắt thường, họ sử dụng nhiều gia vị ướp tẩm che lấp cảm quan màu sắc thì vẫn nhận ra được.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hải (thực hiện)