Lợi thế dinh dưỡng của dầu gạo

Dầu gạo được coi là một trong những loại dầu thực vật tốt nhất cho sức khỏe, được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển như NewZealand, Úc, Nhật, Hàn quốc, Mỹ, châu Âu… và ngày càng được nhiều người biết đến.

Đi tìm nguồn gốc của dầu gạo

Hiện nay, trên thị trường, ngoài các loại dầu ăn thông dụng như dầu đậu nành, dầu oliu, dầu hướng dương… còn có một loại dầu với tên gọi quen thuộc và vô cùng đơn giản như chính nguồn gốc ra đời của nó - dầu gạo.

Đây là loại dầu thực vật thu được khi chiết xuất phần dầu ra khỏi lớp vỏ cám của hạt gạo. Lớp vỏ này vốn rất giàu các dưỡng chất quí giá cho sức khỏe và đó cũng là yếu tố tạo nên giá trị rất riêng cho dầu gạo.

Trên thế giới chỉ có một số nhà sản xuất chuyên nghiệp về dầu gạo tại Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan và hiện nay dầu gạo đã được sản xuất ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn Quốc tế.

Dầu gạo chất lượng tốt được làm từ cám gạo tươi, chế biến ngay trong vòng 6 tiếng sau khi tách khỏi hạt gạo. Việc sản xuất dầu gạo cũng đòi hỏi công nghệ, máy móc hiện đại và trình độ kỹ thuật cao, để đảm bảo tách lọc được toàn bộ tạp chất nhưng vẫn giữ lại được các dưỡng chất quí giá của lớp cám gạo, đặc biệt là Gamma-Oryzanol. Hàm lượng dưỡng chất này là chỉ số tốt để đánh giá giá trị dinh dưỡng của dầu gạo.

Nguồn cung cấp chất béo lý tưởng

Chất béo có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Thế nhưng, khi tiêu thụ quá nhiều chất béo có thể gây thừa cân béo phì, khi dinh dưỡng chất béo không hợp lý, mất cân đối có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa lipid máu… là những nguyên nhân chủ yếu gây bệnh tim mạch, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đột quị, thậm chí là ung thư.

Theo PGS. TS. Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia: Dầu gạo có tỷ lệ cân bằng giữa các dạng acid béo gần nhất với tỷ lệ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Hiệp hội tim mạch Mỹ
Theo PGS. TS. Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia: Dầu gạo có tỷ lệ cân bằng giữa các dạng acid béo gần nhất với tỷ lệ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Hiệp hội tim mạch Mỹ

Theo PGS. TS. Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia: “Dầu gạo có tỷ lệ cân bằng giữa các dạng acid béo bão hòa (SFAs), acid béo chưa bão hòa đơn (MUFAs) và acid chưa bão hòa đa (PUFAs) gần nhất với tỷ lệ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Hiệp hội tim mạch Mỹ.

Trong dầu gạo, các acid béo bão hòa chiếm 30%, tỷ lệ các acid béo chưa bão hòa đơn là 38% và 31% là các acid béo chưa bão hòa đa. Vì vậy, có thể coi dầu gạo là một nguồn cung cấp các acid béo khá cân đối và lý tưởng.”

Dồi dào dưỡng chất chống ôxi hóa

Dầu gạo rất giàu các dưỡng chất chống ôxy hóa. Trong đó, phải kể tới đầu tiên là Gamma-Oryzanol. Nhiều nghiên cứu cho thấy Gamma-Oryzanol có khả năng ngăn chặn hấp thu cholesterol xấu từ thức ăn ở ruột, đồng thời có hiệu quả cao trong việc chống lại quá trình ô-xi hóa giúp ngăn cản quá trình hình thành các gốc tự do, làm chậm quá trình lão hóa...

Bên cạnh Gamma-Oryzanol, dầu gạo còn có Vitamin E (Tocopherols, đặc biệt là Tocotrienols) và squalene rất tốt cho làn da. Polyphenol trong dầu gạo không những giúp kiểm soát cholesterol trong máu & các nguy cơ về bệnh lý tim mạch mà còn có tác dụng rất tốt trong việc trung hòa các gốc tự do, chậm quá trình lão hóa.

Sử dụng dầu gạo hiệu quả

TS. Lê Bạch Mai cho biết: “Dầu gạo nguyên chất, chất lượng tốt có màu vàng hơi sẫm, trong suốt, mùi thơm nhẹ. Mỗi ngày sử dụng 20ml dầu gạo có thể giúp giảm cholesterol xấu, góp phần phòng ngừa nguy cơ bệnh tim mạch.”

Dầu gạo là có điểm bốc khói cao lên đến 254oC đáp ứng tốt với nhiều hình thức nấu nướng và khá an toàn khi chế biến các món chiên, xào.
Dầu gạo là có điểm bốc khói cao lên đến 254oC đáp ứng tốt với nhiều hình thức nấu nướng và khá an toàn khi chế biến các món chiên, xào.

Cách sử dụng dầu gạo cũng như các loại dầu ăn khác, có thể ăn trực tiếp như trộn salad hoặc dùng để xào, rán, nấu. Trong chế biến thực phẩm, dầu gạo là một trong những loại dầu bền với nhiệt độ nhờ có điểm bốc khói cao lên đến 254oC. Vì vậy, dầu gạo đáp ứng tốt với nhiều hình thức nấu nướng và khá an toàn khi chế biến các món chiên, xào.

Tuy nhiên, dù với bất kỳ loại dầu ăn nào, người nội trợ cũng không nên chế biến ở nhiệt độ quá cao (trên 180oC), trong thời gian quá lâu để đảm bảo dầu ăn không bị cháy khét và giảm giá trị dinh dưỡng. Mỗi khi chế biến thức ăn, nên sử dụng 1 lượng chất béo vừa đủ, nếu còn thừa sau chế biến thì không nên tái sử dụng cho lần chế biến sau.

Với những ưu điểm trên, dầu gạo được coi là một trong những loại dầu thực vật tốt cho sức khỏe, được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển như NewZealand, Úc, Nhật, Hàn quốc, Mỹ, châu Âu….