Phát hiện và điều trị ung thư:

Loay hoay bài toán khó!

(Dân trí) - Trong khi số người mắc bệnh ung thư đang gia tăng rất nhanh thì hiện vẫn chỉ Bệnh viện K và Trung tâm U bướu TPHCM có khả năng điều trị ung thư toàn diện. Tuy nhiên số máy móc, thiết bị của cả 2 cơ sở này đều đang nằm trong tình trạng lạc hậu.

Thiếu thốn đủ bề

 

Theo Giáo sư Nguyễn Bá Đức, giám đốc bệnh viện  K, ung thư ở Việt Nam hiện là nguyên nhân thứ hai gây tử vong (đứng thứ hai sau bệnh tim mạch) trong nhóm bệnh không lây nhiễm. Trong đó  nhiều nhất là ung thư phế quản, ung thư vú, cổ tử cung và dạ dày.

 

Tốc độ phát triển bệnh tăng nhanh với cấp số nhân như vậy nhưng công tác phòng chống ung thư (PCUT) của ta còn rất hạn chế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Theo báo cáo, hiện cả nước mới chỉ có chỉ có 13 máy tia xạ Cobalt  có nguồn gốc từ các đợt viện trợ của một số chức nước ngoài cho đến thời điểm này đã quá cũ kỹ, lạc hậu. Ấy vậy mà chúng vẫn luôn phải chạy liên tục theo ca.

 

Máy xạ trị gia tốc cũng mới chỉ có 6 chiếc tại bệnh viện K trong khi bệnh viện luôn có  vài nghìn bệnh nhân có nhu cầu điều trị. Các phương tiện trợ giúp chẩn đoán như máy CT- scaner, cộng hưởng từ... đều còn rất thiếu.

 

BS. Đặng Văn Chính, giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn, Ths chuyên ngành ung thư cho rằng, không chỉ thiếu thốn máy móc, chuyên ngành ung thư ở Việt Nam còn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực có chuyên môn. Cả nước hiện cũng chỉ có 2 cơ sở đào tạo chuyên ngành ung thư chính là Bộ môn Ung thư của trường Đại học Y Hà Nội và trường Đại học Y- Dược TPHCM.

 

Thiếu nhân nhân lực, máy móc, thiết bị chữa bệnh nên cả nước mới chỉ có 3 khoa chăm sóc đau và giảm nhẹ triệu chứng tại cơ sở II của Bệnh viện K với 40 giường bệnh và 20 giường ở bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện đa khoa TƯ Huế 10 giường, trong khi 80% bệnh nhân giai đoạn muộn đều có nhu cầu chăm sóc và giảm nhẹ triệu chứng đau.

 

Tất cả những vấn đề này đã khiến chuyên ngành ung thư rơi vào tình trạng quá tải và “không biết xoay xở ra sao” !

 

Giảm 30% số người mắc ung thư nếu tuyên truyền tốt

 

GS. Đức cho rằng, để thoát khỏi tình trạng hiện nay chuyên ngành ung thư cần có sự quan tâm hơn nữa. Ngoài việc tăng cường các thiết bị máy móc và cập nhật những phương pháp khoa học mới trong công tác chữa bệnh, cần có chế độ ưu đãi để phát triển đội ngũ, y bác trong và ngoài nước có trình độ, chuyên môn cao.

 

Bên cạnh đó, cần phát triển mạng lưới phòng chống ung thư theo các tuyến từ trung ương đến địa phương bằng các biện pháp thông tin tuyên truyền sâu, rộng đến xã hội.  Khi ấy người dân sẽ có kiến thức cơ bản trong công tác phòng tránh và phát hiện bệnh ở thời kỳ sớm. Trên thực tế, nếu công tác này được tiến hành tốt như ở các nước phát triển có thể giảm được 30% tổng số các loại ung thư.

 

“Cần phối hợp với Chương trình phòng chống thuốc lá trong việc tuyên truyền, giáo dục tác hại của khói thuốc lá đến sức khoẻ con người. Đây chính là thủ phạm đầu tiên gây ung thư phổi cũng như các bệnh mãn tính của phổi, tim mạch và các loại ung thư khác”- TS Đức nhấn mạnh.

 

Những yếu tố liên quan đến bệnh ung thư

 

Thói quen ăn uống

 

Theo BS. Đặng Văn Chính, giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn, Ths chuyên ngành ung thư,  chế độ dinh dưỡng không hợp lý chính là nguyên nhân số một gây ra các bệnh ung thư. Những người ăn quá nhiều chất béo và ít vận động, đặc biệt là ở nữ giới thường có nguy cơ mắc ung thư vú, tiền liệt tuyến, tử cung, buồng trứng, đại tràng.

 

Việc lạm dụng bia, ruợu, rượu mạnh cũng là nguyên nhân khiến số người mắc ung thư khoang miệng tăng đáng kể. Bác sĩ Chính cũng đưa ra khuyến cáo không nên tận dụng gạo lạc mốc bởi chúng sẽ sinh ra chất aflatoxin gây ra ung thư gan. Bên cạnh đó dưa muối trong thời gia dài, sẽ làm natri và nước đọng trong cơ thể tăng gánh nặng cho tim, dễ dẫn đến các chứng bệnh về tim. Nếu dưa muối bị khú sẽ chứa nitrat amôni chất này cũng là tác nhân gây ung thư dạ dày.

 

Ung thư nghề nghiệp

 

Nhiều nghiên cứu kéo dài đã cho thấy, ung thư phổi hay gặp ở người làm việc làm trong ngành công nghiệp có sử dụng asbetos.

 

Những người thợ nhuộm hoặc những người có liên quan đến phẩm mầu công nghiệp thường có nguy cơ ung thư bàng quang.

 

Có rất nhiều loại nghề nghiệp có nguy cơ ung thư, đặc biệt các nghề có liên quan đến hoá dầu, khai thác dầu do tiếp xúc với công nghiệp hoá dầu, khai thác dầu; do tiếp xúc với các sản phẩm dầu thô của dầu mỏ hoặc chất nhờn có chứa hydrocacbon thơm.

 

Những người làm công việc phải thường xuyên tiếp xúc với tia phóng xạ như các công nhân khai thác cũng cần có biện pháp bảo vệ mình khỏi các tia bức xạ, một trong những nguyên nhân gây ung thư da.

 

Thanh Trầm