Loại ung thư da nào khó điều trị nhất?

Minh Nhật

(Dân trí) - UVA và UVB là những loại bức xạ cực tím chính trong ánh nắng mặt trời, cả hai đều gây ung thư da bằng cách làm hỏng ADN trong các tế bào da của chúng ta.

Ung thư da là một trong các bệnh ung thư thường gặp, dễ chẩn đoán bằng mắt thường. Bệnh có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm. Ung thư da thường phát triển trên vùng da hở. Tuy nhiên, bệnh ung thư phổ biến này cũng có thể xuất hiện ở những vùng da không thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Có ba loại ung thư da chính là: ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư hắc tố, 3 loại ung thư da này có những điểm đặc trưng sau:

Ung thư tế bào đáy

Loại ung thư da nào khó điều trị nhất? - 1

Ung thư biểu mô tế bào đáy là dạng ung thư da hay gặp nhất, chiếm khoảng 75% các loại ung thư da. Ung thư tế bào đáy bắt đầu trong các tế bào có nhiệm vụ tạo ra tế bào da mới, khi các tế bào cũ chết đi. Nguyên nhân chính là do tác động từ ánh sáng mặt trời, cụ thể là tia UV. Vì vậy, loại ung thư này thường xuất hiện ở các vùng da hở.

Người mắc ung thư tế bào đáy trên da sẽ nổi sần màu đen (thường là những vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời), sau một thời gian vết sần có thể loét ra, dễ chảy máu. Vết sần này sẽ tiến triển dần và bắt đầu xâm lấn.

Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời cắt bỏ rộng thương tổn, tiên lượng của bệnh rất tốt. Ở giai đoạn đầu, khả năng chữa khỏi ung thư biểu mô tế bào đáy là gần 100% và không di căn.

Ung thư tế bào gai

Loại ung thư da nào khó điều trị nhất? - 2

Loại ung thư này chủ yếu phát sinh trên nền các bệnh lý về da như: lupus ban đỏ, bệnh lý do di truyền. Trên nền các tổn thương da như sẹo, chấn thương có sẵn cũng rất dễ phát sinh ung thư tế bào gai. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với asen (từ thuốc hoặc nguồn nước) cũng có nguy cơ phát sinh căn bệnh này cao hơn bình thường. Ngoài ra, tương tự như ung thư tế bào đáy, tác động từ ánh nắng cũng là một nguyên nhân dẫn đến ung thư tế bào gai.

Ung thư tế bào hắc tố

Loại ung thư da nào khó điều trị nhất? - 3

Ung thư tế bào hắc tố có thể có yếu tố gia đình, do các gen di truyền gây ra. Bên cạnh đó, nó cũng liên quan đến việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Các nốt ruồi không điển hình cũng có thể tiến triển thành ung thư hắc tố.

Về dấu hiệu nhận biết, trên da người bệnh xuất hiện mảng màu đen nhìn giống như nốt ruồi thông thường. Tuy nhiên, khi quan sát kỹ sẽ thấy mảng đen này có màu không đồng nhất, lổn nhổn chỗ đen, chỗ nâu. Đặc biệt, mảng đen sẽ tăng nhanh về kích thước, tiếp đó là gồ cao lên, bị loét và bắt đầu xâm lấn.

Ung thư hắc tố là loại ung thư da ít phổ biến nhất nhưng nghiêm trọng nhất, gây ra phần lớn các trường hợp tử vong do căn bệnh này. Nguy cơ u ác tính tăng theo tuổi, nhưng nó ngày càng trở thành một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở những người trẻ tuổi.

Có những dấu hiệu bất thường này bạn nên nghĩ đến ung thư da

Vết loét dai dẳng, thỉnh thoảng chảy máu, một vết đốm đỏ nhạt kéo dài dai dẳng với xước trợt nhẹ, nốt ruồi ngứa, chảy nước vàng… đều có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư da.

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), ung thư da là một trong các bệnh ung thư thường gặp, dễ chẩn đoán bằng mắt thường. Bệnh có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm.

Ung thư da (do sự phát triển bất thường của tế bào da) thường phát triển trên vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên bệnh ung thư phổ biến này cũng có thể xuất hiện ở những vùng da không thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Loại ung thư da nào khó điều trị nhất? - 4

Bệnh ung thư da thường phát triển ở những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như da đầu, mặt, môi, tai, cổ, ngực, cánh tay…

Có ba loại ung thư da chính là ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư hắc tố.

Trong đó, ung thư biểu mô tế bào đáy là một dạng phổ biến của ung thư da. Bệnh phát triển chậm và thường phát triển ở phần đầu và cổ. Nếu không phát hiện sớm tổn thương có thể lan rộng, xâm lấn tổ chức xung quanh gây biến dạng và làm rối loạn chức năng của các cơ quan lân cận như mũi, miệng, mắt.

Ung thư da phát triển chủ yếu ở những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gồm da đầu, mặt, môi, tai, cổ, ngực, cánh tay và bàn tay và trên chân ở phụ nữ. Nhưng nó cũng có thể hình thành trên các khu vực hiếm khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời lòng bàn tay, bên dưới móng tay hoặc móng chân và khu vực cơ quan sinh dục.

Bệnh ảnh hưởng đến mọi người thuộc mọi màu da, kể cả những người có nước da sẫm màu. Khi bệnh xảy ra ở những người có tông màu da tối, nhiều khả năng nó sẽ xuất hiện ở những vùng da không thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như lòng bàn tay và lòng bàn chân.

Những biểu hiện của ung thư da có thể là: vết loét dai dẳng, thỉnh thoảng chảy máu, nổi cục có thể ở vùng bị sừng hóa do ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời hoặc do tia xạ hoặc ở một vết sẹo hoặc đường rò. Có những trường hợp phát hiện bệnh từ dấu hiệu đơn giản là một vết đốm đỏ nhạt kéo dài dai dẳng với xước trợt nhẹ. 

Một loại ung thư da là ung thư hắc tố rất hay liên quan đến các nốt ruồi. GS Đức khuyên người bệnh cần lưu ý các dấu hiệu như thay đổi màu sắc, hình dáng, kích thước, đường viền, về mặt các nốt ruồi hoặc có cảm giác ngứa, chảy máu hoặc chảy nước vàng ở nốt ruồi. 

Để phát hiện sớm ung thư da, mọi người có thể tự quan sát toàn bộ da trên cơ thể, đặc biệt là vùng da hở, tốt nhất là sau mỗi lần tắm. 

Đồng thời nên đi khám định kỳ 3 năm một lần ở độ tuổi 30-39 và khám hàng năm sau tuổi 40. Những người có nguy cơ cao là tiền sử gia đình có người thân bị ung thư da, bị những bệnh da có nguy cơ chuyển thành ung thư hoặc những người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cần đi khám đều đặn. 

Bạn có thể giảm nguy cơ ung thư da bằng cách hạn chế hoặc tránh tiếp xúc với tia cực tím (UV). Đồng thời kiểm tra làn da của bạn để phát hiện những thay đổi đáng ngờ để có thể phát hiện ung thư da ở giai đoạn sớm nhất.

Không phải tất cả những thay đổi bất thường trên da đều là dấu hiệu của ung thư da. Vì thế, bạn cần đi khám để được sàng lọc phát hiện sớm và điều trị kịp thời.