TPHCM:

Lỗ hổng chống dịch nhìn từ y tế dự phòng

Trước thực trạng dịch bệnh hoành hành dữ dội trong thời gian gần đây, công tác phòng, chống dịch bệnh đang có vấn đề.

  

Lỗ hổng chống dịch nhìn từ y tế dự phòng

Chính vì chỉ chú trọng công tác điều trị mà xem nhẹ việc phòng bệnh nên khi dịch bệnh tấn công, “thành lũy” dự phòng nhanh chóng bị ngã và dẫn đến hệ quả ồ ạt người bệnh đổ đến các BV...

 

“Lơ” mảng dự phòng

 

Chỉ mới 9 tuần đầu năm 2012, tình hình dịch bệnh tại VN nóng lên khi tay - chân - miệng (TCM) hoành hành dữ dội với 12.400 ca bệnh được phát hiện tại 60 tỉnh, TP, trong đó 11 trường hợp tử vong. Ngoài ra, hàng loạt các dịch bệnh khác cũng đang có nguy cơ bùng phát như viêm não mô cầu, sốt xuất huyết, cúm A/H1N1, A/H5N1... Chỉ tính riêng tại TPHCM, trong tháng 2, toàn TP có gần 500 ca TCM - tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Số ca mắc TCM đang ở ngưỡng gần chạm đến 180 ca/tuần - là mức cảnh báo dịch bệnh lan rộng...

 

Nhìn vào các con số của một dịch bệnh TCM đã cho thấy, công tác phòng bệnh đang có lỗ hổng. TS. BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) TPHCM - cho rằng: “Với diễn biến ngày một phức tạp của dịch bệnh hiện nay, nếu không có sự đầu tư đúng mức vào y tế dự phòng, hậu quả không thể lường hết”.

 

Thực tế, ở nơi làm nhiệm vụ gác cửa dịch bệnh lại chưa được chú trọng và nhiều BS trong ngành YTDP ví von: Làm dự phòng như... con ghẻ. Tại cuộc họp bàn giảm tải BV mới đây do Bộ Y tế tổ chức tại TPHCM, vai trò của y tế dự phòng lại không thấy đưa ra bàn bạc. Nghịch lý hơn cả, theo BS Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thì, đến năm 2015, các BV khu vực trung tâm sẽ có thêm 200.000m2 sàn sử dụng và tăng thêm 5.500 giường bệnh... và trong năm nay, nhiều công trình sẽ xây mới như: Viện Tim, BV Nhân Ái, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc – mỹ phẩm, khoa Phong - BV Da liễu thì chẳng thấy đề cập đến việc nâng cấp đầu tư cho YTDP.

 

“Đừng trách dịch bệnh cứ tăng”!

 

Trên lý thuyết là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nhưng một nghịch lý đang tồn tại đó chính là: Trong khi các BV quận, huyện đều được chiếu cố xây mới, hiện đại thì ngược lại, các trụ sở của ngành YTDP rơi vào tình cảnh rất... bi đát. Điển hình nhất là tại Trung tâm YTDP quận 11, không có trụ sở hoạt động độc lập, phải sử dụng ké phòng của BV quận. Trung tâm YTDP huyện Bình Chánh thì làm việc chung với trạm y tế xã. Trong khi BV quận 10 được xây dựng và đầu tư khang trang thì ngược lại, trụ sở chính của Trung tâm YTDP nằm trên đường Cách Mạng Tháng 8 vừa chật chội, vừa ngột ngạt. Thậm chí, vì quá chật hẹp, các BS còn phải tận dụng những chỗ trống có thể để chứa hóa chất phòng chống dịch.

 

Trung tâm YTDP của TP cũng không sáng sủa gì hơn. Trụ sở của trung tâm vừa xuống cấp trầm trọng và nằm chung chạ với hai đơn vị khác. Được biết, một chủ trương xây dựng trụ sở YTDP TP đã được đưa ra cách đây 20 năm, nhưng đến nay vẫn chỉ là trên giấy.

 

Lực lượng nhân sự phòng, chống dịch bệnh cũng èo uột không kém. BS chẳng ai dám về đầu quân cho ngành này. Tại Trung tâm YTDP quận 8, nhân sự khoa kiểm soát dịch bệnh có 8 người nhưng chỉ 2 người có trình độ đại học (ĐH). Tại Trung tâm YTDP quận Tân Bình, tỉ lệ nhân sự phòng, chống dịch trình độ ĐH còn thấp hơn, 2/13; còn tại trung tâm YTDP quận 12 thì chỉ 1/9! Theo BS Nguyễn Thị Hồng Biên - Phó Giám đốc Trung tâm YTDP quận 8 -  để làm tốt công tác phòng, chống dịch, ít nhất 50% số nhân sự phải có trình độ ĐH, vậy với tỉ lệ đại học quá thấp rải đều từ phường đến quận như thế, phòng, chống dịch làm sao bảo đảm chất lượng, không trách sao dịch bệnh cứ gia tăng, khó kiểm soát rồi dẫn đến quá tải BV.

 

Theo Võ Tuấn

Lao động