Lần đầu tiên mổ tim bằng nội soi

(Dân trí) - Lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ đã thực hiện thành công ca mổ tim bằng kỹ thuật nội soi. Thay vì phải mổ mở với đường mổ cắt dọc xương ức dài tới 20 - 30cm, thì nay, vết mổ dưới ngực trái nhỏ chỉ vài cm.

Tránh vết sẹo ngực

Viện tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) là bệnh viện đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công kỹ thuật nội soi ít xâm lấn này.

Bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch - người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật này cho biết, bệnh nhân Đoàn Ngọc Thống (38 tuổi ở Thanh Hóa) đến viện trong tình trạng sức khỏe suy sụp, mắc bệnh lý hẹp và hở van tim. Thay van tim nhân tạo là giải pháp cuối cùng để cứu sống bệnh nhân nếu không bệnh nhân sẽ tử vong vì suy tim.
 
 
Bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục. Ảnh: H.Hải
Bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục. Ảnh: H.Hải

Bình thường, để thay van tim, bệnh nhân sẽ phải thực hiện kiểu phẫu thuật truyền thống là mổ mở dọc lồng ngực, cưa xương ức với chiều dài từ 20-30cm. Phương pháp mổ mở này chính là cách tạo ra gẫy xương giả tạo sau đó dùng chỉ thép để khâu lại. Lúc này, nguy cơ biến chứng chảy máu xương ức, nhiễm trùng xương ức sau mổ. Thời gian để liền xương cũng phải mất 3- 4 tháng.

“Không chỉ có các nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu mà phẫu thuật truyền thống này còn để lại vết sẹo dài dọc xương ức, rất mất thẩm mỹ. Thực tế, có những bệnh nhân nữ sau khi thay van tim, bệnh đã khỏi hoàn toàn nhưng tự ti với vết sẹo dài chạy dọc ngực, không dám lấy chồng, sinh con”, BS Hùng nói.

Trong khi đó, thay van tim bằng kỹ thuật nội soi khắc phục được tất cả những nhược điểm của phương pháp phẫu thuật truyền thống, với vết mổ nhỏ (2 lỗ đưa dụng cụ nội soi 5mm và mở 3cm bên ngực phải để đưa van tim nhân tạo vào cơ thể) nên vết mổ nhanh liền, tính thẩm mỹ cao, ít chảy máu (giúp người bệnh không phải truyền máu), phòng nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu xương ức và người bệnh sẽ đỡ đau đớn; thời gian thở máy và thời gian phục hồi sau mổ ngắn.

“Bình thường, nếu mổ mở, ở ngày thứ 4, bệnh nhân sẽ vô cùng đau đớn, phải dùng các thuốc giảm đau đặc biệt, nhưng bệnh nhân này sau ngày thứ 4 được phẫu thuật đã tự ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng, chỉ dùng thuốc giảm đau thông thường”, BS Hùng nói.

Ca phẫu thuật nội soi thay van tim cho bệnh nhân Thống được thực hiện hôm 23/3. Sau ca phẫu thuật kéo dài 3 tiếng, bệnh nhân tỉnh ngay sau đó và chỉ sau 6 tiếng đã được rút ống thở, 1 ngày sau được rút ống dẫn lưu và 4 ngày đã có thể tự đi lại, thậm chí có thể xuất viện. Trong khi đó với mổ mở truyền thống, thường phải sau 10 ngày bệnh nhân mới được xuất viện. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân hoàn toàn ổn định và ngày 29/3, bệnh nhân này sẽ được xuất viện.

Mở ra nhiều cơ hội

GS.TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, với lợi thế là ít xâm lấn phẫu thuật nội soi tại Việt Nam được ứng dụng khá phổ biến trong phẫu thuật các bệnh lý về tiêu hóa, tiết niệu tuy nhiên đây là lần đầu tiên được triển khai trong phẫu thuật tim.

“Thành công phẫu thuật tim bằng nội soi sẽ mở ra nhiều cơ hội cho bệnh nhân. Bởi phương pháp này có thể ứng dụng điều trị  nhiều bệnh lý van tim khác như thay hoặc sửa van tim 2 lá, lấy khối u nhầy trong tim, vá lỗ thông liên nhĩ…trong khi số bệnh nhân phải can thiệp tim mạch ngày càng nhiều. Tại Viện Tim mạch, mỗi năm Đơn vị phẫu thuật tim mạch can phẫu thuật khoảng 1.000 ca thay, sửa van tim trong đó hơn 50% là bệnh lý van tim hậu thấp. ”, GS Nguyễn Lân Việt nói.

Cũng theo GS Việt, Viện Tim mạch sẽ thực hiện thường quy các kỹ thuật này. Dù chi phí đắt hơn so với mổ thông thường, thời gian phẫu thuật cũng kéo dài hơn nó lại mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Hiện đã có một số bệnh nhân đăng ký mổ nội soi điều trị các bệnh lý tương tự.

Đặc biệt nhất, kỹ thuật này thực sự là “cứu cánh” với những người bệnh cần thay van tim nhưng không thể phẫu thuật vì sức khỏe, già yếu, có nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ…

Theo bác sĩ Hùng, đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công kỹ thuật khó này. Còn kỹ thuật nội soi mổ tim đã được nghiên cứu và triển khai tại nhiều nước phát triển như Hoa Kỳ, Pháp, Đức… Còn tại khu vực châu Á và Đông Nam Á, đã có một số nước phát triển kỹ thuật này như Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore.

Hồng Hải