Lần đầu tiên cấy ghép toàn bộ gương mặt

(Dân trí) - Mũi biến mất, cằm bị “thổi bay”, miệng chỉ là một cái hố… và ca phẫu thuật tái tạo toàn bộ gương mặt “phẳng lỳ” này đã đánh dấu bước tiến mới sau 10 ca phẫu thuật ghép mặt kể từ năm 2005.

Đã có 10 ca phẫu thuật một phần gương mặt trên khắp thế giới, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và một số bệnh viện ở Tây Ban Nha, nhưng đây là ca phẫu thuật toàn bộ gương mặt đầu tiên. Ca phẫu thuật cho bệnh nhân người Tây Ban Nha khá tương đồng với ca phẫu thuật gần như toàn bộ gương mặt của BS Maria Siemionow (Cleverland, Mỹ) năm 2008 nhưng phức tạp hơn.
 
Lần đầu tiên cấy ghép toàn bộ gương mặt - 1
 
Gương mặt bị biến dạng hoàn toàn (ảnh chụp qua máy cộng hưởng từ MRI)
 

Trước khi được phẫu thuật, bệnh nhân 30 tuổi này không thể thở, nuốt hay nói. Anh ăn qua ống xông, thở bằng cách mở nội khí quản. Cả gương mặt của anh đã bị thổi bay từ phần hốc mắt trở xuống, bao gồm mũi và cằm, do một khẩu súng cách đây 5 năm. 9 lần phẫu thuật ghép mặt để tái tạo gương mặt trước đó đã thất bại. Ca phẫu thuật diễn ra vào ngày 20/3 nhưng chỉ vừa mới được công bố ngày 23/4.

 

Ca phẫu thuật kéo dài 24 giờ có sự tham gia của 30 nhà phẫu thuật, gây mê, y tá và các chuyên gia y tế khác ở bệnh viện Vall d’Hebron (Barcelona, Tây Ban Nha).

 

Bệnh nhân giấu tên đã được ghép các cơ ở mặt, da, mũi, môi, cằm, răng, vòm miệng và xương gò má. Bệnh nhân cho biết là cảm giác đang phục hồi và anh đã sẵn sàng tiếp nhận gương mặt mới của mình.

 

Lần đầu tiên cấy ghép toàn bộ gương mặt - 2

BS Joan Pere Barret, trưởng nhóm phẫu thuật ghép mặt toàn diện

Joan Pere Barret, chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ hàng đầu của bệnh viện, cho biết: “Sẹo trên gương mặt bệnh nhân kéo dài từ trán đến cằm nhưng chúng sẽ trở thành “vô hình” trong tương lai và chỉ có một vết sẹo duy nhất nhưng trông sẽ như một nếp nhăn chạy quanh cổ. Bệnh nhân có thể ngắm mình khi anh ấy yêu cầu và các chuyên gia tâm lý nói rằng anh ấy đã sẵn sàng. Thời điểm đó là 1 tuần sau khi phẫu thuật và bệnh nhân phản ứng rất tích cực, bệnh nhân cho biết, anh hoàn toàn hài lòng với kết quả”.

 

Lần đầu tiên cấy ghép toàn bộ gương mặt - 3


Gương mặt mới của bệnh nhân là sự pha trộn giữa gương mặt trước tai nạn và gương mặt của người hiến tặng nhưng bệnh nhân hoàn toàn không biết gì về người hiến tặng (đã tử vong sau một vụ tai nạn giao thông). Và hiện nay, gương mặt của bệnh nhân đã giống người bình thường, bệnh nhân đã đi lại trong bệnh viện và xem tivi cùng mọi người.

 

Các bác sĩ hy vọng anh sẽ xuất viện sau 2 tháng nữa. BS Barret cho biết: “Đích của chúng tôi là vài tuần nữa, bệnh nhân sẽ nói và ăn cũng như mỉm cười và cười lớn”. Hiện bệnh nhân có thể nhìn và nuốt nước bọt.

 

Lần đầu tiên cấy ghép toàn bộ gương mặt - 4

Quá trình cấy ghép

Lo lắng lớn nhất hiện nay là cơ thể bệnh nhân sẽ đào thải các mảnh ghép. Hiện bệnh nhân vẫn đang uống thuốc chống thải ghép và sẽ phải uống suốt đời và có nguy cơ ung thư ở mặt. Các loại thuốc cũng có thể “kích động” các bệnh tật khác như tiểu đường phác tác. Tạm thời, bệnh nhân và bác sĩ có thể yên tâm nhưng sự phục hồi thực sự chỉ được biết tới sau 3 năm nữa.

 

Có những lo lắng rằng những bệnh nhân đã trải qua chấn thương lớn (tai nạn) cùng với vô số những ca phẫu thuật sẽ phải đấu tranh rất dữ dội về mặt tâm lý và hệ miễn dịch. Như ca cấy ghép mặt từng phần đã được công bố là trường hợp của bệnh nhân Isabelle Dinoire do các nhà phẫu thuật Pháp thực hiện năm 2005. Cơ thể của Dinoire hiện đang “nỗ lực” gấp đôi để đào thải các mảnh ghép của một người hiến tặng đã tử vong sau khi bị nhồi máu cơ tim do một mũi tiêm.
 

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học tin rằng những nguy cơ khác còn khủng khiếp hơn và rủi ro chính là giá trị của ca phẫu thuật. Nhà phẫu thuật Anh Peter Butler cho biết chất lượng sống của những người bị biến dạng khuôn mặt khổ sở không kể xiết và không hiếm trường hợp đã bỏ nhà đi. Họ chỉ tồn tại khi trời trạng vạng tối, giấu mình trong những chiếc khăn che mặt kín mít và sợ nhìn thấy chính mình và căm ghét mọi sự soi mói.

 

Nhân Hà
Theo Dailymail & AP