Làm mất chất của sữa vì quá cẩn thận

(Dân trí) - Không ít người vì quá cẩn thận đã sử dụng sữa một cách phản khoa học, gây lãng phí, thậm chí làm hỏng tác dụng quý báu của loại thực phẩm này.

Đun nóng sữa chua: hỏng tác dụng

Lo ngại con gái bị viêm họng bởi các loại thức ăn để trong tủ lạnh, đặc biệt là sữa chua, chị Thu Hà (Hà Nội) đã nghĩ ra một “tuyệt chiêu” là cho sữa chua vào lò vi sóng, quay trong vòng 1 phút. Làm như vậy sữa chưa sẽ tan lạnh, tan đông, tha hồ cho bé thưởng thức món yêu thích.

Tâm đắc với sáng kiến này, chị Hà đã phổ biến rộng rãi cho chị em ở cùng cơ quan và những người thân.

Tuy nhiên, “tuyệt chiêu” này của chị Hà đã bị các chuyên gia dinh dưỡng hoàn toàn bác bỏ.

Theo BS Nguyễn Văn Tiến, TT Truyền thông Viện Dinh dưỡng, khi cho sữa chua vào lò vi sóng, nhiệt độ cao sẽ giết chết vi khuẩn lactic (hay còn gọi là men sống) có ích, giúp làm sạch đường ruột và tăng cường khả năng tiêu hóa ở trẻ. Và khi đó, tác dụng chính của sữa chua đã bị phá huỷ.

“Để đảm bảo tác dụng của sữa chua lại không muốn cho trẻ bi viêm họng do quá lạnh, người lớn nên mang ra khỏi tủ bảo quản trước giờ ăn 15 - 30 phút. Cần dùng gấp có thể để làm ấm sữa bằng cách đặt sữa chua vào bát nước nóng khoảng 60oC - 80oC”, BS Tiến khuyên.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng đưa ra một số khuyến cáo trong việc sử dụng sữa chua, đó là: không dùng món ăn này ngay trước, sau bữa ăn hoặc sau khi uống thuốc kháng sinh, thuốc trị tiêu chảy. Bởi nếu ăn sữa chua vào lúc đói thì men lactic dễ bị hủy hoại và tác dụng của sữa chua sẽ mất đi rất nhiều. Độ pH thích hợp để men lactic sinh trưởng và phát triển tốt là 4 - 5 trở lên; còn dịch vị trong dạ dày lúc đói có độ pH từ 2 trở xuống nên các vi khuẩn lactic có trong sữa chua sẽ bị tiêu diệt. Vì vậy, nên đợi sau 2 - 3 tiếng rồi mới ăn, đây là thời điểm sữa chua phát huy cao nhất tác dụng của nó.

Pha sữa bột bằng nước sôi: Sai lầm lớn

Anh Mạnh Hà (nhân viên văn phòng) vô cùng vui mừng vì đã được lên chức bố. Ông bố trẻ thể hiện sự chu đáo với cô con gái nhỏ bằng cách mỗi lần đến bữa ăn của bé, anh cẩn thận đun nước cho sôi sùng sục rồi mới rót vào bình múc sẵn sữa bột. Anh Hà rất hài lòng với kiểu pha sữa này và cho rằng làm như vậy sữa sẽ chín kỹ, giúp bé hấp thụ mọi chất dinh dưỡng dễ dàng hơn.

Về cách pha chế này, theo BS Tiến, đó cũng là một sai lầm lớn.

Trên thực tế, sữa bột dùng pha chế là sản phẩm đã được chế biến chín, làm được đông cô lại, rồi đóng gói. Vì vậy, khi đem pha chế, người dùng chỉ nên hoà sữa với nước ấm (khoảng 40oC-50oC), là sữa bột đã hoàn toàn được hoà tan.

Ngược lại, nếu dùng nước sôi pha sữa bột, không những sữa pha bị vón cục mà một số dinh dưỡng quý giá trong sữa còn bị phân huỷ do gặp nhiệt nóng.

Bên cạnh đó, khi pha sữa bột bằng nước nóng, vừa mất thời gian để chờ sữa nguội đi lại, rất khó kiểm soát được nhiệt độ thích hợp đối với trẻ nhỏ. Viện Nhi T.Ư đã từng tiếp nhận một số cháu nhỏ bị bỏng vòm họng do uống phải sữa quá nóng.

Vì vậy, khi pha sữa cho bé, người lớn không nên thử độ nóng bằng miệng mình mà nhỏ vài giọt lên mu bàn tay để thử độ ẩm. Cách này vừa trách lây bệnh cho bé (có thể gặp ở khoang miệng của người lớn) mà vẫn biết nhiệt độ sữa đã thích hợp cho bé bú chưa.

P. Thanh