Làm gì khi nghi ngờ bị phơi nhiễm phóng xạ?

(Dân trí) - Mới đây, 10 công nhân của một tập đoàn xây lắp LILAMA đã tự tìm tới Trung tâm Ứng phó sự cố phóng xạ hạt nhân thuộc Viện Y học phóng xạ và U bướu quân đội sau khi nghi ngờ mình bị chiếu xạ bởi 1 thiết bị kiểm tra mối hàn ở các mố cầu.

Vào cuối tháng 1/2016, 10 công nhân đang làm việc tại công trường thi công cầu vượt thép đã rất hoảng loạn khi phát hiện cách nơi họ làm việc 10m có nguồn phóng xạ. Đó là 1 máy X-quang có nhiệm vụ kiểm tra các mối hàn không phá hủy bằng cách chụp bức xạ. Họ đã tự tìm đến Viện Y học phóng xạ và u bướu quân đội để kiểm tra sức khoẻ.

Từ sự việc trên và nhận được đề nghị của công ty LILAMA về việc khám xác định phơi nhiễm phóng xạ cho các công nhân của công ty, Viện Y học phóng xạ và u bướu quân đội đã tổ chức khám cho các công nhân trên đồng thời dựng lại hiện trường, kiểm chiếu cá nhân cơ thể phải nhận trên lý thuyết.

Rất may mắn là sau 2 lần khám cách nhau nửa tháng, đo suất liều cao nhất trên cơ thể bằng máy Ludlum chuẩn 11/2015, đo hoạt độ beta trong mẫu nước tiểu trên máy Hidex 300SL cùng các xét nghiệm khác (tổng phân tích máu ngoại vi sinh hóa 15 chỉ số, một số xét nghiệm dấu ấn ung thư, siêu âm, điện tim, X-quang tim phổi) đều trong giới hạn cho phép, không phát hiện dấu hiệu bệnh lý do phơi nhiễm phóng xạ.

Làm gì khi nghi ngờ bị phơi nhiễm phóng xạ? - 1

Cắt bỏ áo quần trên nạn nhân bị nhiễm xạ (Ảnh diễn tập cấp cứu nhiễm xạ do Viện Y học phóng xạ và ung bướu quân đội cung cấp)

Cắt bỏ áo quần trên nạn nhân bị nhiễm xạ (Ảnh diễn tập cấp cứu nhiễm xạ do Viện Y học phóng xạ và ung bướu quân đội cung cấp)

Câu chuyện trên chỉ là một trong số những sự cố mà năm nào Trung tâm Ứng phó sự cố phóng xạ hạt nhân của Viện Y học phóng xạ và u bướu quân đội cũng tiếp nhận.

Với những trường hợp phải điều trị, đa phần bệnh nhân là những trường hợp nặng, bị tổn thương cấp do tai nạn khi đang làm việc ở các nhà máy điện nguyên tử, bị bỏng do các thiết bị máy coban, viện xạ hiếm, bỏng do hộp chì ở các container…

Đáng nói, ngoài những trường hợp bị tổn thương nặng, bỏng phóng xạ thì thường người bệnh không biết mình bị nhiễm phóng xạ, nhất là các trường hợp bị phơi nhiễm phóng xạ ở mức độ nhẹ (gọi là bức xạ) vốn rất phổ biến như do tiếp xúc với các tần số sóng rada, điện thoại, radio, sóng từ các cột BTS trong khu dân cư… Những bức xạ này không gây ảnh hưởng tức thì tới người bị nhiễm, song việc bị nhiễm phóng xạ liều thấp kéo dài có thể sẽ ảnh hưởng đến đột biến gen.

Đại tá, bác sĩ Nguyễn Trung Sơn, Giám đốc Viện Y học phóng xạ và u bướu quân đội cũng lưu ý, thực tế có những trường hợp bị tổn thương phóng xạ bề mặt,nhưng nhiều người không biết cách xử lý ngay dẫn đến từ nhiễm trên bề mặt phóng xạ dần nhiễm vào trong, gây bỏng loét phóng xạ, hoại tử da. Vì thế, khi nhận thấy có nguy cơ, cần nhanh chóng loại bỏ các chất phóng xạ bám trên bề mặt da bằng các dung dịch, thuốc rửa như xà phòng, nước trung hòa.

BS Sơn cho biết thêm, toàn Viện Y học phóng xạ và u bướu quân đội luôn chủ động ứng phó với các tình huống liên quan đến nhiễm xạ. Theo đó, khi có tình huống sự cố phóng xạ sẽ chuyển toàn bộ bệnh nhân đang điều trị ung thư tại viện đi các viện khác, dành toàn bộ giường bệnh và trang thiết bị để phục vụ ứng cứu sự cố phóng xạ.

Và để chuẩn bị cho phương án này, Trung tâm đã tiến hành diễn tập cấp cứu nhiễm xạ NX-13 lần đầu tiên trên cả nước với sự hỗ trợ của chương trình kết hợp quân dân y và sự chỉ đạo của Cục Quân y. Từ đây, quy trình cứu chữa và nhiều trang thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới đã được bổ sung, hoàn thiện. Đến nay, Trung tâm này đã được trang bị các thiết bị hiện đại, giúp phát hiện chỉ dấu phóng xạ rất nhỏ trong môi trường, cơ thể người mà các máy móc trước đó chưa làm được; cũng như những thiết bị có khả năng dò tìm các Nhiễm sắc thể bị đứt gãy - tổn thương nhiễm phóng xạ điển hình - giúp phát hiện nguy cơ đột biến di truyền trong tương lai.

Đón nhận huân chương lao động hạng ba của Chủ tịch nước

Đại tá, BS Nguyễn Trung Sơn, Giám đốc Viện Y học phóng xạ và ung bướu quân đội (thứ 2 từ trái sang) đón nhận Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba của Chủ tịch nước (Ảnh: T.P)
Đại tá, BS Nguyễn Trung Sơn, Giám đốc Viện Y học phóng xạ và ung bướu quân đội (thứ 2 từ trái sang) đón nhận Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba của Chủ tịch nước (Ảnh: T.P)

Trong bối cảnh việc ứng dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình phát triển mạnh mẽ; công nghệ phóng xạ hạt nhân đem lại lợi ích to lớn cho kinh tế - xã hội nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ, Viện Y học phóng xạ và ung bướu quân đội trở thành đơn vị đầu tiên được giao nhiệm vụ ứng phó sự cố hạt nhân.

Trong 20 năm qua, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao: Đó là nghiên cứu khoa học, tham gia giảng dạy về lĩnh vực y học hạt nhân và bảo vệ phóng xạ;tham gia chẩn đoán và điều trị bằng y học hạt nhân và kiểm tra định kỳ cơ sở an toàn phóng xạ ở các cơ sở X-quang và y học trong toàn quân.

Sau 20 năm phát triển, Viện đã tiến hành khám bệnh, thu dung bệnh nhân là bộ đội, nhân dân về các bệnh liên quan đến hạt nhân và u bướu với số lượt khám là trên 95.000 lượt; thu dung điều trị cho trên 20.000 bệnh nhân ung thư, bướu giáp. Hằng năm rà soát , kiểm tra phóng xạ cho hàng trăm máy X-quang y tế tại các cơ sơ quân y; tham gia tổ chức tập huấn cho hàng trăm cán bộ, nhân viên quân y trong toàn quân. Năm 2012 được chính phủ và Quân đội tin tưởng giao thêm nhiệm vụ là Trung tâm ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân cấp quốc gia và quân đội.

Với những thành tích đã đạt được, Viện Y học phóng xạ và ung bướu quân đội đã vinh dự được Chủ tịch nước Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba cùng nhiều phần thưởng cao quý khác vào đúng dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (24/4/1996 – 24/4/2016) vào ngày hôm nay 22/4.

Trần Phương

(tranthuphuong@dantri.com.vn)