Làm gì khi dị ứng với đồ hải sản?

(Dân trí) - Con trai tôi rất thích ăn hải sản tươi sống như cá, cua, ghẹ, ngao, sò…Nhưng không hiểu tại sao sau mỗi lẫn ăn đồ biển cháu thường bị nổi mề đay, ngứa ngáy khó chịu. Phải làm gì để khắc phục tình trạng này? (Lê Thị Gấm- TP. Hải Phòng)

Trả lời của bác sĩ Lan Hương, Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm.

 

Cá biển và hải sản là những thực phẩm quý, giàu chất dinh dưỡng nhưng cũng là nhóm thức ăn gây dị ứng nhiều nhất trong số các trường hợp dị ứng sau khi ăn uống.

 

Có rất nhiều loại hải sản có thể gây dị ứng cho người có thể tạng đặc biệt không hợp với chúng từ các loại tôm, cua, ghẹ… cho đến những loại cá biển như cá nhám, cá hồi, cá ngừ v.v..

 

Biểu hiện của dị ứng rất đa dạng và thường xảy ra rất nhanh, thường chỉ sau khi ăn vài giờ, thậm chí vài phút. Nhẹ thì nổi mề đay từng vùng hoặc khắp người, rất ngứa, người nôn nao khó chịu, mấy giờ sau sẽ lặn. Người bị nặng thì ngoài nổi ban và ngứa còn phù nề mặt, khó thở, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy… Cá biệt, cũng có trường hợp nguy kịch, người bệnh có phản ứng kiểu phản vệ dẫn đến tử vong.

 

Để đề phòng dị ứng thức ăn hải sản, những người đã bị dị ứng với một loại thức ăn nào đó nên tránh dùng lại và loại trừ tất cả những món ăn mà thành phần có loại hải sản này.

 

Về điều trị, cách tốt nhất là loại trừ thức ăn gây dị ứng ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt bằng cách kích thích gây nôn. Với những trường hợp nhẹ, có thể dùng bài thuốc dân gian chữa dị ứng thức ăn do tôm, cua, cá sau:

 

Nguyên liệu: Gừng sống 10g, đậu xanh 100g, lá tía tô và rễ cây lau tươi mỗi thứ 15g.

 

Cách làm: Rửa sạch gừng và rễ cây lau và lá tía tô, giã nát, vắt lấy nước. Đổ thuốc với đậu xanh vào nồi, thêm nước lã lượng vừa đủ, ninh nhừ đậu xanh cho bệnh nhân ăn.

 

Trường hợp nặng phải đưa ngay người bệnh đến bệnh viện để dùng các loại thuốc dị ứng và điều trị thích hợp. Đặc biệt, không được sử dụng bừa bãi các loại thuốc chống dị ứng mà chưa có chỉ định của bác sĩ. 

Phạm Thanh (ghi)