Lại đến mùa rắn độc tấn công người

(Dân trí) - Bộ Y tế thông báo, trong thời gian vừa qua, số người dân các tỉnh phía Nam bị rắn cắn, đặc biệt là rắn chàm quạp, đang tăng rất nhanh. Phía Bắc, mùa hè cũng là thời điểm số ca nhập viện do rắn độc cắn gia tăng mạnh.

Theo bác sĩ tại TT Chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Mỗi năm TT tiếp nhận và điều trị trên 300 trường hợp bị rắn cắn. Bệnh nhân thường được điều trị bằng huyết thanh thích hợp và phối hợp với các kỹ thuật thải độc khác.

Ở Phía Bắc, mùa hè cũng là thời điểm số người bị rắn gia tăng mạnh. Các nạn nhân thường bị rắn hổ mang, cạp nong, cạp nia cắn khi tiếp xúc (tại cơ sở nuôi rắn) hoặc vô tình bị tấn công khi đi qua bụi rậm, thò tay vào chuồng gà…

Phía Nam, số ca bị rắn cắn thường do rắn chàm quạp, trú ẩn ở các bụi cây, bụi cỏ, đống lá khô.

Nạn nhân bị rắn chàm quạp cắn sẽ thấy nóng, sưng phồng tại chỗ bị cắn và chảy máu liên tục. Nếu điều trị chậm, nọc độc lan tỏa khiến hệ thần kinh bị tê liệt, phá vỡ hồng cầu.

Rất nhiều trẻ em đã là nạn nhân của rắn chàm quạp.

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Cục Quản lý Khám chữa bệnh. Bệnh viện Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ và Viện Pasteur, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thuốc, vắc xin thông báo số người dân các tỉnh phía Nam bị rắn cắn, đặc biệt là rắn chàm quạp, đang tăng rất nhanh.

Theo báo cáo từ Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong năm 2007, khoa Hồi sức cấp cứu đã tiếp nhận 32 trường hợp trẻ bị rắn độc cắn, tập chung vào mùa hè, khi các em leo cây hái quả hoặc chui vào bụi cây sau khi trời vừa tạnh mưa.

Tuy nhiên, nhờ được trang bị huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu (hiện giá của các loại huyết thanh trị rắn độc là 2  -3 trăm nghìn đồnng/lọ. Mỗi bệnh nhân phải dùng 5-10 lọ/đợt điều trị), kết hợp chăm sóc vết thương tại chỗ, oxy cao áp trị liệu cho những vết thương hoại tử lở loét nặng, dinh dưỡng,… tất cả các bệnh nhận bị rắn cắn được cứu sống.

BS Minh Tiến, Bệnh viện Bệnh viện Nhi Đồng 1 cảnh báo: Đã có rất nhiều ca xử trí sai khi bị rắn cắn như: buộc garô quá chặt - dễ gây hoại tử chi, đắp các loại lá cây không rõ loại lên vết thương rắn cắn - gây nhiễm trùng hoại tử thêm. Vì vậy, tất cả mọi trường hợp bị rắn cắn cần lưu ý:

-Không nên garô phía trên vết thương vì có thể gây hoại tử chi.

- Không đắp các loại lá cây không rõ loại lên vết thương rắn cắn.

- Không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra do hiện nay không thấy hiệu quả mà gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc.

- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

P. Thanh