Không thể “thả nổi” việc sinh đẻ!

(Dân trí) - Trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam hiện đang có 2 con. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những nước đông dân trên thế giới, mật độ dân số cũng cao gấp 5 lần mật độ dân số thế giới…

“Với con số thống kê, so sánh với các nước trên thế giới, VN đứng thứ 14 trên thế giới về quy mô dân số. So với Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới, mật độ dân số Việt Nam cũng cao gấp 1,8 lần so với nước này. Vì thế, ở giai đoạn hiện tại, không thể “thả nổi” việc sinh đẻ”. Đó là khẳng định của TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết tại buổi gặp gỡ báo chí sáng 17/7, sau khi có thông tin cho rằng Việt Nam nên bỏ cuộc vận động mỗi người chỉ nên có từ 1 - 2 con vì sự lo ngại cơ cấu dân số già hóa, thiếu hụt nguồn lao động…
 
TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ. Ảnh: H.Hải
TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ. Ảnh: H.Hải

Mỗi năm thêm gần 1 triệu người

Thưa ông, trước những lo ngại về cơ cấu dân số ngày càng già hóa, số trẻ sinh ra ngày càng ít đi, ông có thể cho biết về thực trạng dân số của Việt Nam hiện tại?

Chiến lược dân số đề ra từ nay đến năm 2015, quy mô dân số Việt Nam không vượt quá 93 triệu người. Tôi khẳng định, chỉ tiêu này chúng ta sẽ đạt được. Bởi giai đoạn từ 1999 - 2009 dân số Việt Nam mỗi năm tăng thêm gần 1 triệu người. Trước đó, từ năm 1999 trở về trước, mỗi năm dân số tăng trên 1 triệu người, thậm chí 1,2 - 1,3 triệu người. Nhưng giai đoạn từ 1999 đến 2009 bình quân mỗi năm tăng 952.000.

Từ 2009 đến nay, mỗi năm trung bình tăng khoảng 900 ngàn người. Tổng điều tra dân số giữa kỳ năm 2012, quy mô dân số VN là 87,8 triệu người. Nếu mỗi năm tăng gần 1 triệu người, đến 2015, Việt Nam có quy mô dân số không vượt quá 92 triệu. Như vậy chỉ tiêu dân số 2015 tôi tin Việt Nam sẽ đạt được và khả thi.

Việt Nam là một trong những nước đông dân trên thế giới. Cách đây 20 năm ta đứng hàng thứ 12 về số dân trên thế giới. Từ 5 - 6 năm trở lại đây, Việt Nam đứng thứ 13 và đến năm 2010 đứng thừ 14. Sự tụt giảm về dân số này có đáng lo ngại không, thưa ông?

Đây là một tín hiểu đáng mừng, bởi Việt Nam cũng là nước có mật độ dân số cao, đúng như câu nói “Đất chật người đông”. Mật độ dân số Việt Nam năm 2011 là 265 người/1km2. Với mật độ này, dân số Việt Nam đã cao gấp 5 lần mật độ chung của dân số thế giới. So với châu Á (là khu vực đông dân), mật độ dân số Việt Nam cũng cao gấp 2 lần. Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới, nhưng mật độ dân số Việt Nam cũng cao gấp 1,8 lần so với nước này.

Trong 20 năm qua, tránh sinh được 18 triệu trường hợp. Điều này cũng phù hợp với dự báo của các nhà khoa học trước đây 20 năm. Không thể hình dung nổi, Việt Nam sẽ ra sao nếu quy mô dân số thêm 18 triệu người, là thách thức rất lớn với đất nước. Việt Nam là nước đông dân, mật độ dân số cao, vì thế, chúng ta không thể chọn phương án có mức sinh cao. Quy mô dân số quá lớn sẽ gây sức ép đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung, cản trở sự phát triển kinh tế xã hội.

Mỗi phụ nữ Việt có 2 con

Có ý kiến cho rằng, Việt Nam nên bỏ cuộc vận động mỗi gia đình chỉ nên dừng lại ở 1 – 2 con vì phụ nữ ngày càng lười đẻ, tổng tỉ suất sinh đang giảm xuống, đe dọa sự mất cân bằng về cơ cấu dân số, người trẻ ngày càng ít đi, người già thì tăng lên, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Trong những năm qua, tổng tỉ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong tuổi sinh đẻ) liên tục giảm. Năm 1961, một phụ nữ tuổi sinh đẻ trung bình 6,4 con. Đến 2006, con số này đã giảm xuống còn 2,09 con (dưới mức sinh thay thế). Năm 2011, tổng tỉ suất sinh là 1,99 con. Năm 2012 (năm đẹp theo quan niệm người Việt, có tăng một chút, lên 2,05 con), nhưng vẫn ở dưới mức sinh thay thế.

Nhìn tổng quát trên đồ thị từ 2006 đến nay, tổng tỉ suất sinh của việt Nam là đi xuống và luôn ở dưới mức sinh thay thế. Đó là điều đáng mừng.

Như vậy người Việt Nam đang có xu hướng ngày càng sinh con ít đi, điều này có đáng lo ngại không, thưa ông?

Mức sinh hiện nay của Việt Nam trung bình mỗi phụ nữ có 2 con. Mức sinh thấp hợp lý từ nay đến 2020 cố gắng duy trì ở mức 1,8 – 2 con là vừa, dứt khoát không để tăng lên. Tuy nhiên phải điều chỉnh linh hoạt để tổng tỉ suất sinh không rơi xuống quá thấp. Kinh nghiệm ở các nước cho thấy, khi tỉ suất sinh rơi xuống còn 1,3 – 1,4 con rồi không có cách gì nâng lên được.

Mức sinh chung cả nước hiện nay mỗi phụ nữ có  2 con là phù hợp, cố gắng duy trì từ nay đến 2020, không để tăng lên, không để giảm sâu quá.

Nhưng vấn đề, Việt Nam có bức tranh dân số rất khác nhau giữa các vùng miền và các tỉnh khác nhau. Với các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ, mức sinh ở mức rất thấp. Như TP Hồ Chí Minh, mức sinh năm 2009 là 1,45 con. Đến năm 2011, tỉ suất sinh ở địa phương này giảm xuống 1,3, rất đáng lo ngại, Các tỉnh khác như Long An, Cần thơ… tỉ suất sinh từ 1,5 - 1,6 con.

Trong khi đó, các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Lai châu, các tỉnh Tây nguyên, huyện miền núi của các tỉnh miền Trung mức sinh còn khá cao, trên dưới 3 con. Tỉ suất sinh này gấp đôi so với TP Hồ Chí Minh và muốn giảm được từ 3 con xuống 1,8 – 2 con là con đường dài, gian nan, khó khăn, phức tạp. Vì thế, tùy mỗi vùng miền lại đặt ra những mục tiêu giảm sinh khác nhau.

Việt Nam đang ở cơ cấu dân số vàng

Theo ông Trọng, hiện nay Việt Nam có một tháp dân số đẹp mà nhiều quốc gia trên thế giới muốn đạt được. So với năm 1989, tháp dân số như một kim tự tháp với lượng trẻ rất lớn, người cao tuổi rất ít. Đến 2012, tháp dân số Việt Nam đã có sự cân đối hài hòa giữa các lứa tuổi khác nhau, tỉ lệ trẻ em đã giảm rõ rệt. Tháp dân số này được coi gần giống tháp dân số hình trụ, và nhiều quốc gia trên thế giới mong muốn có được tháp dân số như thế này.

Chiến lược dân số sức khỏe sinh sản Thủ tướng chính phủ phê duyệt, chủ động điều chỉnh tốc độ tăng dân số và đề xuất mức giảm sinh thấp hợp lý. Như vậy, Việt Nam chấp nhận quy mô dân số vẫn tiếp tục gia tăng đến 2050 sẽ đạt cực đại với khoảng 110 triệu dân. Nhưng khi đó sẽ có một cơ cấu dân số rất hợp lý, đảm bảo hài hòa giữa các độ tuổi khác nhau, độ tuổi lao động, trẻ em và những người cao tuổi. 

Hồng Hải (ghi)