Khổ vì bướm trắng

(Dân trí) - Mấy ngày gần đây, dân khu đô thị Văn Quán khốn khổ vì dịch bướm trắng. Cứ “rình” ánh điện bật lên, bướm trắng lại bay vào từng đàn, bám vào tường nhà, bóng điện. Bụi phấn từ cánh chúng rơi xuống khiến mọi người đều ngứa ngáy, khó chịu, nhất là trẻ con.

Bướm trắng “tung hoành”

Anh Tài, phòng 734, nhà CT2A chia sẻ, gia đình anh chỉ dám bật đèn “chóng vánh” khi cho con ăn, khi thay rửa quần áo, còn lại, mọi hoạt động khác đều diễn ra trong ánh đèn mờ mờ của đèn ban công, hành lang khu chung cư.

Không những thế, nhà anh đóng kín hết các cửa sổ nhưng vẫn không ăn thua, vẫn có những con bướm trắng lọt vào nhà, “rải” bụi gây ngứa ngáy. Hôm nào trước khi đi ngủ, anh đều phải lau giường chiếu, vậy mà vẫn có những hôm sơ sảy, cậu nhóc 10 tháng tuổi vẫn bị dính bụi phấn từ cánh bướm trắng, đêm cứ khóc ngằn ngặt không ngủ vì ngứa.

“Người lớn khi bị ngứa còn có ý thức cố nhịn gãi rồi rửa thật sạch bằng nước, hoặc ngứa quá thì bấm răng nhéo vào chỗ ngứa một tí cho đỡ, nhưng trẻ con thì không vậy, nhiều cháu bị bướm bám mà người lớn không hay, chỉ đến khi cháu khóc oà, gãi nhiều mẩn ngứa thì mới biết. Có hôm 10h đêm vẫn phải đưa con đi tắm vì nó khóc quá, nhưng tắm xong cũng chỉ giảm ngứa đôi chút”, anh Tài than vãn.

Không riêng gì Khu vực Văn Quán, Hà Đông mà nhiều nơi khác trên địa bàn Hà Nội tình trạng cũng xảy ra tương tự. Chị Oanh nhà gần ngay sân vận động Mỹ Đình cũng than vãn về tình trạng bướm trắng nhiều không xuể. Nhất là chị lại mới sinh em bé, phải giặt phơi đồ thường xuyên. Nhiều hôm lên phơi tã cho con buổi tối trên sân thượng, bật đèn phơi xong thì bướm cũng bâu dày đặc quanh bóng đèn. Chỉ sợ phấn bướm rụng xuống, dính vào quần áo, e bé mặc phải sẽ rất khó chịu.

Ở thành phố, dịch bướm trắng dù gây khó chịu nhưng vẫn còn nhẹ hơn rất nhiều so với các vùng quê. Khảo sát của phóng viên Dân trí trong mấy ngày nay tại khu vực huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), hay khu Ba La ở Hà Đông, Hà Tây buổi tối đều thấy các gia đình “cửa đóng then cài”, chỉ bật một cái bỏng nhỏ ngoài hè để “hút” bướm trắng.

“Nhiều nhà vì bướm trắng mà mất ngủ cả nhà, bôi đủ thuốc ngứa cũng không ăn thua. Dù đóng kín cửa vậy, nhưng chỉ sơ sểnh bật điện lên một chút, bướm lại ào vào nhà. Sáng thức dậy, việc đầu tiên của tôi bao giờ cũng phải quét lớp bướm chết rơi xuống sàn nhà. Rồi phải dùng khăn ướt lau sạch giường, chiếu để hạn chế ngứa”, Bà Tạ Thị Hiền, ở Xóm mới, thôn Đinh Xá, Nguyệt Đức, Yên Lạc cho biết.

Bà cho biết thêm, con gái bà mới sinh em bé được gần 1 tuần, dù bé hay khóc đêm nhưng đèn tuýp cả nhà đều không dám bật, chỉ sử dụng một cây đèn chụp để ở góc nhà lấy ánh sáng. Bướm trắng có tấn công thì bụi của nó cũng không bay cao vì ở ngay sát đất, đỡ ảnh hưởng đến em bé. Còn cháu ngoại lớn của bà thì vừa học bài vừa ngãi vì ngứa. Bà chỉ có dụ cháu học vào ban ngày, ban đêm đỡ bật ánh điện.

“Sống chung” với bướm trắng

Theo các nhà dịch tễ, mọi người ở hầu hết các địa phương còn phải “sống chung” với bướm trắng ít nhất 15 đến 30 ngày nữa. Tuy dịch bướm trắng không gây nguy hiểm, nhưng nó gây rất nhiều khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày.

Vì loài bướm này thường cư trú ở đồng lúa, trong khi đó, nhiều nơi đã bắt đầu vào mùa thu hoạch, có nơi thì khoảng 1 tuần nữa sẽ gặt lúa. Cùng với mùa thu hoạch lúa là loài bướm trắng này sẽ mất nơi cư trú, nên bay vào khu dân cư để tìm chỗ cư trú. Đêm đến, có ánh đèn là chúng bay ra. Chính hiện tượng bay vòng liên tục của bướm trắng khiến phấn bướm dễ tung ra, lơ lửng trong không khí, bám vào các vật dụng trong nhà, nếu dính vào người sẽ gây ngứa da, dị ứng da... rất khó chịu. Nhiều người bị ngứa, gãi khắp thân thể mình làm tứa máu những chỗ bị dính phấn của bướm trắng…

Hiện tại, chưa có biện pháp nào ngăn chặn hữu hiệu nạn bướm trắng. Vì thế, để “sống hoà bình” với bướm trắng, chỉ có cách hạn chế bật đèn trong nhà, nên đóng kín cửa, dùng đèn ban công. Nên dùng khăn ẩm sạch lau rửa thường xuyên bàn ghế, giường chiếu. Quần áo mỗi đêm nên cất vào nhà, tránh để bướm bám vào, mặc sẽ gây ngứa.

Nhất là với những gia đình có trẻ nhỏ, khăn để lau mồ hôi, lau khi bé ăn cơm, bột không nên vứt lung tung ở chiếu dưới sàn nhà, vắt vào thành ghế… Vì nếu chẳng may, những vật dụng này dính bụi phấn của bướm trắng mà người lớn không biết, lau cho trẻ trẻ sẽ rất ngứa ngáy. Nhiều trẻ không chịu được dùng tay gãi, cấu đến chảy cả máu.

Khi bị dính bụi phấn bướm trắng, không nên gãi tránh hiện tượng bụi lan ra những vùng da khác mà nên rửa mạnh dưới vòng nước chảy, kỳ mạnh tay để đẩy lớp bụi này đi.

Cũng không nên mặc quần áo treo trên móc lâu ngày, dùng khăn tắm treo lâu ngày trong buồng tắm để tránh dính bụi phấn bướm trắng gây ngứa không mong muốn.

Hồng Hải