Nhiều người chết do “bệnh lạ” ở Quảng Nam:

Khi tử thần là... hủ tục, mê tín, ô nhiễm môi trường

Liên tiếp xảy ra 6 cái chết cùng một triệu chứng đau họng, sưng hạch cổ... và hàng chục người đồng loạt phát bệnh ở 2 làng đồng bào Bh'noong dưới chân đỉnh Ngọc Linh (xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) trong 2 tháng qua khiến người dân hoang man tột độ. Cơ quan chức năng bước đầu đã xác định nguyên nhân gây bệnh chết người có khả năng là “dịch bạch hầu”, nhưng đằng sau bệnh là những hủ tục lạc hậu, mê tín và nạn ô nhiễm môi trường…

Hồ Văn Tí vẫn chưa hết bàng hoàng khi đứa con trai đầu Hồ
Văn Quý vừa đau họng đã chết
Hồ Văn Tí vẫn chưa hết bàng hoàng khi đứa con trai đầu Hồ Văn Quý vừa đau họng đã chết

Chết hàng loạt bất thường

Chuyện bắt đầu từ ngày 7/7. Chủ tịch xã Phước Lộc, ông Nguyễn Đức Toàn kể: "Hôm đó, dân làng chạy đến UBND xã xin tiền mai táng cho nạn nhân Hồ Thị Nảy, 26 tuổi. Khi được hỏi, dân bảo chết do đau họng, phát bệnh 2 ngày chết ngay.

Bốn ngày sau, 11/7, thêm trường hợp nữa cũng đau họng, chết, là cháu Hồ Thị Viên, 17 tuổi. Dân làng tụ tập trắng đêm ở nhà nạn nhân, bắt đầu hoang mang lo sợ, sáng hôm sau vội vã chôn cất cháu Viên. Cả làng chưa kịp định thần thì ngay hôm sau (12/7) cháu Hồ Văn Quý, 16 tuổi cùng thôn 8B lăn đùng ra chết, cũng với triệu chứng đau họng, bục mủ trong cổ.

Thấy bất thường, chính quyền tức tốc cử người vào làng tìm hiểu. Mới hay, trước đó, từ ngày 5 - 30.5 ít nhất 3 người khác đã lần lượt chết tức tưởi khi phát bệnh đau họng tương tự. Đó là bà Hồ Thị Hai (chết ngày 12/5), ông Hồ Văn Xưa (chết ngày 18/5) và cháu Hồ Thi Mị (chết 30/5)...

Bấy giờ, đến lượt chính quyền địa phương hốt hoảng, kêu cứu ngành y tế huyện, tỉnh. Cả chủ tịch, bí thư huyện, Gám đốc Sở y tế tức tốc vào tận nơi kiểm tra, khám xét. Kết quả 13 người có biểu hiện ốm đau, phát bệnh "đau họng" dạng nặng lập tức được đưa ra trung tâm y tế xã để cách ly, điều trị. 7 bệnh nhân nặng được chuyển lên tuyến huyện. Nhưng việc "bắt" được dân ra trạm xá để chữa bệnh cũng đoạn trường.

Bà con ở đây xưa nay là chỉ tin vào Giàng, họ trị bệnh bằng cách cúng kính. Khi đau ốm nặng khoảng 10 ngày không tự hết là giết gà, mổ lợn, đâm trâu... Tùy điều kiện từng nhà, làm mâm cúng cầu xin Giàng tha bệnh. Nếu chết nhiều người hoặc hàng loạt người bị nạn là họ bỏ làng đi nơi khác.

Hôm tôi cùng bí thư và công an xã xuống làng vận động bà con đến trạm y tế, gặp ngay sự phản ứng dữ dội. Nhà Hồ Văn Thiên hôm đó đông đúc người dân đến quỳ gối cầu nguyện. Do có con là Hồ Thị Đẩy, 16 tuổi phát bệnh, sốt li bì mấy ngày, thấy xung quanh nhiều người đã chết, Thiên hoảng quá, bàn với vợ, đi mua con trâu 20 triệu đồng về để đâm, tế Giàng. Mâm cúng đó mất trên 25 triệu.

Khi cán bộ y tế và chính quyền đến khuyên nhủ, yêu cầu đưa cháu Đẩy đi viện, Thiên chạy xuống bếp rút con dao nhọn, dọa: "Nếu cán bộ bắt con Đẩy ra khỏi nhà, tôi sẽ đâm nó chết ngay trước mặt cán bộ". Đoàn công cán đành rút lui sau khi phát thuốc, sữa cho gia đình tự chăm sóc con bé. Hôm đó, xã cũng đã "cưỡng chế", đưa 8 bệnh nhân đến trạm y tế để khám, chữa trị, rồi chuyển về Trung tâm y tế huyện".

Lạc hậu, ăn uống không vệ sinh, ô nhiễm môi trường có thể là
nguyên nhân sâu xa của bệnh dịch
Lạc hậu, ăn uống không vệ sinh, ô nhiễm môi trường có thể là nguyên nhân sâu xa của bệnh dịch

Ông Huỳnh Tấn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây bệnh, làm chết người hàng loạt tại Phước Lộc trong mấy ngày qua. Kết quả 7 mẫu xét nghiệm trên 13 bệnh nhân nặng của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy, chỉ 1 trường hợp dương tính với virus gây bệnh bạch hầu, 2 nạn nhân tử vong lại âm tính.

Tuy vậy, Sở y tế Quảng Nam đã kết luận có xuất hiện một ổ dịch bệnh bạch hầu tại 2 thôn 8A và 8B, xã Phước Lộc. Ngoài việc phun thuốc tiêu độc, khử trùng, phát thuốc phòng bệnh cho 100% số dân địa phương, ngành y tế cũng đã lập trạm dã chiến, cắt cử 7 y bác sĩ tại chỗ để theo dõi diễn biến dịch, kịp thời xử lý mọi tình huống xảy ra.

Có hay không lời nguyền?

Khi chúng tôi đến làng, cũng là lúc cơn mưa ập xối xả. Đất đỏ loang lổ, nhầy nhụa. Hồ Văn Véo, một dân làng giải thích, đây là nền đất mới, làng vừa dời về cuối năm 2014. Trước đó, 2 thôn 8A và 8B ở cách vài cây số, nhưng làng gặp họa nên tứ tán, nhà nước mới đầu tư hạ tầng, vận động dân về đây.

Số là, năm 2013, ở thôn 8B bỗng nhiên có 4 đứa trẻ lần lượt lăn đùng ra chết khi mới bị sốt vài ngày. Những cái chết bất thường, đồng loạt đã khiến người dân truy xét nguyên nhân. Họ "phát hiện" làng bị một lời nguyền độc từ bà Hồ Thị Liên ở làng kề bên. Chuyện là bà Liên, thôn 8A có một bụi mía gần thôn 8B, liên tục bị trẻ con làng này bẻ trộm. Nhiều lần bà Liên la lối, chửi rủa nhưng không bố mẹ đứa trẻ nào chịu nhận lỗi. Giận quá, bà Liên về mua 1 con gà trắng, cúng ngải rồi đem máu rải khắp các nhà ở thôn 8B để... trù ẻo. Trưởng thôn báo chính quyền nhưng bà Liên chối.

Không ngờ, sau đấy ở thôn 8B 4 đứa trẻ bỗng dưng lần lượt chết khi chỉ nóng, sốt vài ngày. Người ta cho rằng bà Liên đã có lời nguyền độc đối với bọn trẻ của làng. Quá sợ, họ quá bỏ làng đi hết vào núi. 100% trẻ con bỏ học. Các hộ ở tứ tán, nóc này nơi ngọn đồi, nóc kia nơi góc núi cách biệt nhau.

Lần đó, UBND huyện Phước Sơn đã vào vận động nhưng làng không chịu về. Đích thân Bí thư và Chủ tịch huyện đến từng nhà kêu gọi, nhưng người dân một mực đòi huyện phải yêu cầu bà Liên cúng một con heo đen, giải lời nguyền độc họ mới dám về. UBND huyện đành phải mua heo đen, nhưng lại không thuyết phục được bà Liên cúng giải nguyền.

Thế bí, huyện đầu tư 600 triệu san ủi một khu đất mới, hỗ trợ 1,6 triệu đồng mỗi hộ, đưa được 224 người dân của 42 hộ về làng mới vào cuối năm 2014. Định cư chưa được bao lâu, thì tai họa mới lại ập đến, khiến người dân lo sợ, nghi ngờ lời nguyền cũ chưa xóa được.

Quá nhiều hủ tục lạc hậu

Hai thôn 8A và 8B bây giờ cũng liền kề nhau, không bờ giậu, hàng rào. Nhà nhà san sát như phố. Ở nơi mới, nhà dân được lợp tôn, vách ván, nhưng nền đất sét đỏ quạch, nắng bụi, mưa bùn. Cả làng không một bóng cây, ngày nắng như nung, ngày mưa thì trần lưng hứng nước.

Người dân Phước Lộc nói riêng, huyện Phước Sơn nói chung đang đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường do khai thác vàng

Dù đã chuẩn bị sẵn khẩu trang, nhưng vào bất cứ nhà nào chúng tôi cũng không thở nổi vì mùi hôi hám. Nhà Hồ Văn Vói ngồi bệt dưới nền đất, bên bếp tro đầy bụi bẩn để ăn bữa trưa. Vợ Vói chừng dưới 40 tuổi mải miết vá đồ. Bọn trẻ, đứa bò dưới nền, đứa cõng em ngoài sân, đứa trèo lên cột nhà... mũi xanh thò lò, nhem nhuốc mày mặt, thỉnh thoảng chạy lại bốc cơm bỏ miệng.

Bữa trưa của một gia đình có đến 10 đứa trẻ chỉ có nồi măng rừng luộc. Hai con trai đầu Hồ Văn Trường, Hồ Văn Báu chừng 19, đôi mươi đều bị triệu chứng đau họng, ho ra máu, nhưng nhà đông con, không có tiền để Vói mua heo, gà cúng Giàng. Họ đang hoang mang lo sợ cái chết sẽ sớm đến. Nhưng rất may, nhờ chăm sóc y tế kịp thời, cả trường và Báu giờ đã có thể giúp cha xẻ gỗ.

Nhà Hồ Văn Tí còn thê thảm hơn, 7 nhân khẩu chen nhau trong căn nhà vách nứa chừng 10 mét vuông. Con đầu Hồ Văn Quý 16 tuổi vừa chết hôm 12/7, nhưng không có lấy một bát hương. Vợ Tí chuẩn bị sinh đứa thứ 6, trông ốm yếu đến thảm hại. Kế đó, nhà Hồ Văn Viên, Hồ Văn Giáo... cũng đều có 5, 7 con thơ dại. Và hình như bất cứ nhà Hồ Văn nào trong làng này cũng đông con.

Con số 100% hộ đói nghèo mà chính quyền xã công bố không nói hết được sự lạc hậu, nhếch nhác nơi này. Nơi đây còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, quanh năm giết súc vật để cúng tế thần, Giàng. Thiếu nữ chửa hoang, lập tức bị đuổi ra khỏi làng, một mình vượt cạn giữa rừng. Hết "cữ", cúng heo đen mới được về làng. Người chết không được khiêng ngang làng, người đi đưa tang bị cấm uống chung con nước với làng, phải vào rừng, ở chòi canh rẫy, 15 ngày sau mới được về...

Ông Nguyễn Chí Trung, 66 tuổi, người cấp tiến duy nhất ở đây là người Kinh. Ông Trung theo cơn lốc vàng đến đây, rồi trú lại 24 năm. Ông nói: Khắp các con suối, ngọn đồi, nơi đâu cũng mỏ vàng. Có gần 20 điểm khai thác. Sông suối đục ngầu quanh năm.

Đặc biệt, người khai thác đánh hóa chất, thải thẳng ra môi trường. Vì vậy, không loại trừ khả năng môi trường bị nhiễm độc. Năm 1997, tại hầm vàng ở bãi Muối, đã có 4 thợ mỏ đồng loạt chết với triệu chứng đau họng, bục mủ, sưng hạch... giống như trường hợp của những dân làng bị bệnh hiện nay. Tôi rất mong chờ những cái chết lạ từ trước nay ở Phước Lộc cần được làm sáng tỏ để tránh thảm họa tương tự bây giờ.