Khi nào chị em nên tiêm phòng rubella?

(Dân trí) - Tôi năm nay 25 tuổi, đang có ý định kết hôn, sinh con. Nhiều người khuyên tôi nên tiêm phòng Rubella để tránh các biến chứng cho thai nhi. Nhưng có người nói chỉ cần tiêm trước khi có bầu 1 tháng, có người nói cần ít nhất là 3 tháng....

...Vậy xin hỏi khoảng cách nào là an toàn nhất? Xin cảm ơn bác sĩ (Mai Trang, Thủ Đức, TPHCM)

 

ThS. BS. Đinh Thạc, Chuyên viên tư vấn nhi khoa, BV Nhi đồng 1 TPHCM, trả lời:


ThS. BS. Đinh Thạc, Chuyên viên tư vấn nhi khoa, BV Nhi đồng 1 TPHCM, trả lời:

 

Trước đây, khuyến cáo chung là tiêm phòng trước khi có thai 1 tháng nhưng theo khuyến cáo mới nhất của Uỷ ban tham vấn thực hành tiêm chủng Hoa Kỳ (ACIP), người mẹ nên tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh Rubella trước khi quyết định có thai là 3 tháng.

 

Sở dĩ cần phải tiêm phòng trước 3 tháng là vì vắc-xin “3 trong 1” ngừa cả 3 bệnh Sởi - Quai bị và Rubella là loại vắc-xin vi-rút sống giảm độc lực (nghĩa là các loại vi-rút có trong lọ vắc xin vẫn còn sống nhưng đã bị làm yếu đi).

 

Trong khi đó, theo hướng dẫn thực hành lâm sàng của Hiệp hội sản phụ khoa Canada về Rubella và thai kỳ, thai nhi bị ảnh hưởng nhiều hay ít sẽ tùy thuộc vào thời điểm bị nhiễm vi-rút của người mẹ trong 6 tháng đầu mang thai. Theo đó, trong 3 tháng đầu thai kỳ: khi người mẹ bị nhiễm bệnh Rubella có tới 70% - 100% trẻ sinh ra ra bị hội chứng Rubella bẩm sinh, trong đó 25% trẻ bị dị tật bẩm sinh ở các cơ quan trọng yếu như tim, mắt, não.

 

Như vậy, dù vi-rút trong vắc-xin rất yếu nhưng vẫn ẩn chứa nguy cơ. Vì thế, tốt nhất là nên tiêm phòng ngay khi bước vào độ tuổi sinh đẻ (từ 18 tuổi) bởi giá trị miễn dịch của vắc-xin là rất lâu dài.

 

Hội chứng Rubella bẩm sinh với nhiều dị tật bẩm sinh rất nghiêm trọng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ, cụ thể như:

 

Dị tật mắt bao gồm: đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, viêm võng mạc.

 

Dị tật tim: còn ống động mạch, thông liên thất, hẹp động mạch phổi.

 

Dị tật thần kinh: chậm phát triển tinh thần, tật đầu nhỏ, viêm não-màng não.

 

Biến chứng khác: gan to, điếc, bệnh mềm xương.

 
L. Uyên (ghi)