Khi bác sĩ "học ăn học nói"...

Bác sĩ đang tích cực cấp cứu cho một em bé sắp hôn mê. Một người bước vào, vẻ mặt lo lắng, rối rít nói với BS: "Dạ thưa BS, con tôi sốt...". BS cắt ngang: "Mời anh ra ngoài, sẽ có người hướng dẫn. Chúng tôi đang cấp cứu". Người bố này vẫn chần chừ, không muốn ra khỏi phòng. Điều gì sẽ xảy ra?

Lúc này BS bắt đầu hơi lớn tiếng: "Tôi mời ông sang phòng bên sẽ có người hướng dẫn. Sao ông còn đứng đó?". Người bố ấm ức bước ra khỏi phòng với tâm trạng lo lắng vì chưa nói được với BS về bệnh của con mình. Cùng lúc đó, một người đàn ông tay ẵm một bé trai hốt hoảng chạy vào: "BS ơi cứu con tôi với. Nó nóng sốt cả ngày và lên cơn co giật mấy lần". Một cô y tá chạy tới, bảo: "Đặt bé lên giường, cởi hết quần áo ra, lau nước ấm cho bé như thế này, thế này nhé”. Sau đó, cô nhét một viên thuốc hạ sốt vào hậu môn bé. Cô đến nói với BS, rồi trả lời điện thoại và đến trông chừng hai bé khác.

 

Bỗng người nhà đứa trẻ la lên: "Con tôi không bớt nóng. Nó lại lên cơn co giật nữa nè. BS, y tá làm việc gì kỳ vậy? Chẳng chăm sóc con tôi gì cả, lỡ con tôi có gì, tôi thưa mấy người cho biết". Cô y tá hơi to tiếng: "Ông cứ bình tĩnh, đừng la lớn như vậy... Cháu đã dùng thuốc, từ từ sẽ bớt sốt. Ông cứ tiếp tục lau mát cho bé đi, còn nhiều cháu bệnh nặng hơn con ông nhiều. Chúng tôi phải lo cấp cứu trước". Nói rồi cô y tá đi chăm sóc bệnh nhân (BN) khác.

 

Đó là một trong những kịch bản giả định ở phòng cấp cứu được đưa ra "thao diễn" tại một buổi học cách ứng xử, giao tiếp với BN và thân nhân người bệnh ở Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, TP.HCM.

 

Không chỉ BV Nhi Đồng 2, gần đây nhiều BV ở TPHCM như BV Nhi Đồng 1, Nguyễn Tri Phương, Thống Nhất, Ung bướu, Nhân dân Gia Định... cũng rất chú ý việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức trong giao tiếp với BN. Coi đây là văn hóa ứng xử nơi công sở mà tất cả CB - CNV phải học tập, rèn luyện.

 

Chia sẻ giúp giải tỏa bệnh tật

 

Các BS, điều dưỡng sẽ vào "vai diễn" và cùng phân tích thái độ của BS với ông bố đầu tiên; tâm trạng của người bố như thế nào khi chưa được nói về bệnh của con; ứng xử thế nào khi ông bố thứ hai có tâm trạng nóng ruột, lo lắng và có thái độ tức giận.

 

BS Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc BV Nhi Đồng 1, cho biết: Kỹ năng giao tiếp của thầy thuốc với BN và thân nhân là vấn đề gần như bắt buộc để tạo sự đồng cảm, chia sẻ. Chính sự đồng cảm, chia sẻ có thể giúp thân nhân, BN giải tỏa bệnh tật, tạo sự thông cảm giữa BN và thầy thuốc. Đó cũng là nét văn hóa trong ứng xử, để người bệnh cảm thấy hài lòng và muốn quay trở lại khi chẳng may bị đau ốm.

 

Vì vậy, từ giữa tháng 8 vừa qua, BV đã mở nhiều lớp nói chuyện chuyên đề, huấn luyện kỹ năng giao tiếp trong y khoa do các chuyên gia hoặc BS tâm lý giảng dạy. Từ việc chào hỏi thế nào, thái độ, ánh mắt, cường độ giọng nói ra sao để tạo sự thiện cảm với BN và thân nhân của BN; hình ảnh nào là văn minh, lịch sự, hình ảnh nào không đẹp khi giao tiếp... đều được đưa vào bài giảng. BV cũng tiến hành phát phiếu thăm dò ý kiến thân nhân, BN để nắm thông tin, nhận xét về cách ứng xử, giao tiếp của nhân viên BV.

 

BS Nguyễn Thanh Minh, Phó giám đốc BV Nhân dân Gia Định, cho biết BV cũng đã mở lớp tập huấn, mời giảng viên đến nói chuyện về ứng xử, giao tiếp trong BV; mở các lớp riêng cho BS và điều dưỡng học về "8 điều không nên làm trong BV". Hằng tháng BV đều phát phiếu thăm dò sự hài lòng của người bệnh.

 

Cần ánh mắt, cử chỉ ân cần

 

Thời gian tiếp xúc quá ít

 

Theo BS Mạnh Tuấn, do sự quá tải ở BV, cường độ làm việc căng thẳng, còn bệnh tật thì ngày càng phức tạp dẫn đến thời gian tiếp xúc của thầy thuốc với thân nhân BN quá ít. Khi thời gian tiếp xúc ngắn, lại thêm thiếu kỹ năng giao tiếp, ứng xử nên một số thầy thuốc, nhân viên y tế đã nói chuyện cộc lốc, thiếu nhã nhặn, thiếu quan tâm đến tâm lý BN, có khi còn ra vẻ ban ơn làm cho người bệnh và thân nhân không hài lòng.

BS Đỗ Hồng Ngọc, nguyên Giám đốc TT Truyền thông giáo dục sức khỏe TPHCM, cho rằng hiện nay người thầy thuốc mới chỉ được học để chữa cái đau, chữa bệnh cho con người. Nhưng con người không chỉ đau, bệnh mà còn khổ nữa! Nỗi khổ nhiều khi còn nặng nề hơn cả nỗi đau, dài lâu hơn nỗi đau, làm cho con người héo hắt. Vì vậy, trước một người bệnh suy sụp, khủng hoảng tinh thần, chìm trong nỗi tuyệt vọng... thì người thầy thuốc không thể chỉ giúp họ bằng những kỹ thuật y khoa hiện đại và thuốc men.

 

Khi ốm đau, BN cảm nhận những sự thay đổi, bất an, những cảm giác từ bên trong như đau nhức, đơ cứng, uể oải cùng nhiều cảm giác mơ hồ không rõ ràng, khó mô tả, thậm chí không nói được nên lời. Bên cạnh đó là nỗi sợ hãi, lo âu, nghĩ đến sự bất hạnh của mình, những tác động đến gia đình, đến công ăn việc làm, tiền bạc, kể cả nghĩ đến cái chết, thương tật, di chứng về lâu dài...

 

Trong khi đó, trước người bệnh, người thầy thuốc có khi lại chỉ đi tìm những bằng chứng từ bên ngoài: nghĩ ngay đến một chẩn đoán chính xác và khoa học, cố gắng tìm kiếm những bằng chứng rõ rệt qua thăm khám và những xét nghiệm với sự hỗ trợ của máy móc, kỹ thuật. Có khi BN cầm kết quả xét nghiệm trên tay thấy trời đất sụp đổ, hoang mang và bối rối thì BS lại reo lên "Tốt lắm!", "Chính xác!" vì đã có bằng chứng xác định cho chẩn đoán! Có khi BS cầm phim X-quang lên xem rồi lắc đầu vài cái, BN thót cả tim, trong khi thật ra chỉ vì BS bị... mỏi cổ!

 

Theo BS Hồng Ngọc, lời nói của BS không chỉ truyền đạt thông tin mà còn truyền đạt cả cảm xúc mà nhiều khi BS cũng không ngờ. BN cần lắm những lời nói, ánh mắt, cử chỉ ân cần của người thầy thuốc trong từng cử chỉ giao tiếp, ứng xử khi họ chẳng may phải vào BV khám chữa bệnh.

 

Theo Lê Thanh Hà

Tuổi trẻ