Khăn lạnh - Khuất mắt trông coi!

(Dân trí) - Khăn lạnh vẫn có chỗ đứng trên thị trường dù sự thật trần trụi về công nghệ thu gom và làm khăn đã được đăng tải trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng. Sự tiện lợi thì đã rõ rồi nhưng phải chăng người dùng không sợ mang bệnh?

Lỗi tại cái…tiện

 

Bên cạnh những người thực sự sợ dùng khăn lạnh vì quá ấn tượng với những miêu tả về công đoạn làm sạch hay từng chứng kiến “nguyên dấu tích của người nào đó dùng lau miệng” trên khăn thì vẫn còn rất nhiều người cho rằng: Nếu đem so công nghệ giặt khăn với công nghệ làm giấy ăn thì rõ ràng khăn lạnh vẫn còn sạch chán. Hơn nữa, nếu không dùng, cứ để nguyên tay chân mặt mũi lấm lem bụi đường thì cũng chưa chắc đã sạch hơn.

 

Chẳng thế, mà chủ cửa hàng bún ngan nổi tiếng trên phố Hai Bà Trưng tiết lộ: “Mỗi ngày, có trên dưới 2 trăm chiếc khăn lạnh được sử dụng. Một nửa khách dùng khăn để lau mặt, còn lại thì chỉ dùng để chùi miệng và lau tay”.

 

Chủ của hàng này cho rằng: Vì tính tiện dụng của khăn lạnh nên hầu như sản lượng của nó vẫn không sụt giảm là bao sau khi đã có những thông tin “không hay lắm” về sản phẩm này.

 

Công nghệ tái chế khăn lạnh

 

Những chiếc khăn lạnh cáu bẩn được vứt dồn thành đống rồi ngâm trong những chiếc chậu thật to pha chút xà phòng rẻ tiền.

 

Một lúc sau, khi chậu nước ngâm khăn bẩn có màu nước đục nhờ nhờ sẽ được những thanh niên dùng chân dẫm, đạp thật mạnh cốt sao cho khăn trắng lại.

 

Với những chiếc khăn quá bẩn và dính nhiều vêt ố họ sẽ cho riêng vào chậu thuốc tẩy cực mạnh để ngâm. 

 

Sau công đoạn tẩy trắng số khăn này sẽ được giũ qua bằng vài lượt nước.

 

Công đoạn cuối cùng của việc tái chế là trộn chúng  với một ít nước tạo mùi thơm và đóng gói lại rồi cất vào tủ làm lạnh.

Ổ bệnh thơm mát

 

Kể ra, đúng là tiện thật. Chỉ với giá 1.000 – 2.000 đồng/khăn mà có thể dùng lau mặt, lau tay, lau cổ và cuối cùng khi nó đã khá bẩn thì người ta vẫn sử dụng nó cho việc lau… giầy.

 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Cường, phó chánh thanh tra sở Y tế Hà Nội: Khăn lạnh sau khi qua tay nhiều người cộng thêm môi trường  ẩm ướt với vô số thức ăn và bụi bẩn chính là môi trường lý tưởng để các vi khuẩn gây bệnh ngoài da như lang ben, hắc lào,eczema và các loại bệnh hô hấp trở thành môi trường cho vi khuẩn sinh sôi.

 

Trong khi đó, bột giặt thông thường không thể diệt được những loại nấm vẫn thường xuyên lưu hành trên khăn như hắc lào, tổ đỉa, lang ben hay các vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp…

 

Ông Cường cho biết, chỉ có một vài nhà hàng lớn và các khách sạn có quy mô mới có thể đầu tư theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh để làm sạch khăn lạnh đã qua sử dụng.

 

Các bác sĩ tại viện Da liễu Trung ương cũng cảnh báo: Việc dùng khăn ướp lạnh được tái sử dụng tại các quán ăn, nhà hàng để lau mặt là một trong những nguyên nhân gây ra chứng lở rộp môi do vi khuẩn virus herpes.

 

Có thể khẳng định rằng, ẩn trong những chiếc khăn lạnh trắng tinh ấy là hàng loạt các loại vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm cho da và vô số căn bệnh truyền nhiễm khác.

 

“Mỗi người nên có riêng có khăn mùi xoa giấy ướt cá nhân để dùng riêng. Nếu muốn dùng khăn lạnh, hãy yêu cầu nhà hàng đưa loại khăn giấy dùng một lần bởi nó đảm bảo an toàn vệ sinh cho người sử dụng”, ông Cường cho biết.

 

Phạm Thanh