Khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ: Tất cả đều... than!

(Dân trí) - Mặc dù đã hơn 2 tháng kể từ khi thực hiện phát thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi (từ ngày 1/6), nhưng việc khám chữa bệnh cho trẻ theo quy định mới vẫn chưa hoạt động hiệu quả, bởi vẫn còn vô vàn khó khăn, rào cản.

Bác sỹ Hoàng Minh Thu - Trưởng khoa Khám nhi, BV Xanh Pôn: Khó khăn về thủ tục

 

Khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ: Tất cả đều... than! - 1

 Theo thống kê của chúng tôi trong tuần đầu thực hiện khám chữa bệnh miễn phí (từ 1/6 đến 7/6), trong 1391 cháu dưới 6 tuổi đến đây khám thì chỉ có 45 trường hợp có thẻ hoặc giấy khai sinh và đều được khám chữa bệnh miễn phí, mặc dù cả 45 trường hợp này đều không đầy đủ thủ tục. Ở đây xin nói thêm là vấn đề làm thủ tục để được thanh toán cũng rất phức tạp, khó khăn. Các trường hợp còn lại đều tự nguyện nộp tiền. Điều đó cho thấy, tâm lý đi khám nộp tiền vẫn còn nặng nề.

 

Bác sỹ Vũ Quý Hợp - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, BV Nhi Trung ương: Thẻ khám chữa bệnh miễn phí ghi thiếu!

 

Trong mặt sau của thẻ khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi có in những điều cần chú ý, trong đó không hề nhắc đến việc trẻ chỉ được khám chữa bệnh miễn phí tại tuyến ban đầu hoặc khi chuyển tuyến trên phải có giấy chuyển viện. Chính điều này đã gây sự ngộ nhận trong người dân là cứ cầm thẻ này đến đâu khám cũng được. Nhưng thực tế nếu làm như vậy thì bệnh viện của chúng tôi vốn đã quá tải lại càng quá tải.

 

Với chủ trương của nhà nước về việc khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi là thực thanh thực chi (nghĩa là chữa bệnh hết bao nhiêu tiền, nhà nước sẽ trả hết miễn là đủ chứng từ), nhân đây tôi nêu lên thắc mắc liệu Bộ Tài chính có gây trở ngại gì trong vấn đề quyết toán không khi mà số tiền khám chữa bệnh cho trẻ sẽ rất lớn?

 

Khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ: Tất cả đều... than! - 2

 Ông Nguyễn Minh Tâm - Chánh văn phòng, Uỷ ban dân số gia đình và trẻ em: Nếu phân tuyến thì thẻ khám chữa bệnh sẽ trở thành hình thức!

 

Dự kiến giữa tháng 8 thì việc phát thẻ mới hoàn tất. Về việc khám chữa bệnh theo tuyến, theo tôi, nếu không quy định về phân tuyến thì dù bệnh không nặng người ta vẫn kéo nhau lên tuyến trên. Nhưng nếu phân tuyến thì nó lại trở thành hình thức, thành rào cản khiến thẻ không có giá trị thực thi. Nguyên nhân là bởi các bác sỹ chuyên khoa nhi ở các bệnh viện tuyến dưới đều rất thiếu, nếu không nói là nhiều nơi không có do nhiều cơ sở đào tạo không có người học đăng ký vào khoa nhi.

 

Mặt khác, việc thực hiện thực thanh thực chi theo đúng tinh thần của nhà nước sẽ bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các cháu, song điều này sẽ dẫn đến hệ thống quản lý rất phức tạp, nhất là đối với việc kê khai chi phí khám chữa bệnh!

 

Không chỉ hầu hết các bệnh viện đều thiếu bác sỹ khoa nhi mà từ lâu, các bệnh viện tuyến huyện đã không tồn tại khoa nhi. Nghiêm trọng hơn, từ năm 2002, đại học Y Hà Nội - cơ sở đào tạo ngành y quy mô nhất Việt Nam - đã không đào tạo chuyên khoa nhi vì rất ít, thậm chí có năm không có sinh viên nào đăng ký theo học chuyên khoa này (do vấn đề thu nhập và chính sách đãi ngộ).

Như vậy, thử hỏi, các gia đình có con nhỏ bị bệnh yên tâm sao được khi chính bản thân các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới không đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu, và việc các gia đình đưa con đi khám chữa bệnh vượt tuyến cũng là điều đương nhiên.

 

Lan Hương