DNews

Kẹt chân vào bánh xe, chó cắn nát mặt và những hiểm họa tấn công trẻ mùa hè

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bác sĩ cảnh báo, có những gia đình phải bỏ hết công việc để đưa con đi cấp cứu, chăm sóc trẻ trong bệnh viện, kinh tế và cuộc sống ảnh hưởng nặng nề.

Kẹt chân vào bánh xe, chó cắn nát mặt và những hiểm họa tấn công trẻ mùa hè

Mùa hè là thời điểm trẻ được nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng và vui chơi, về quê cùng với gia đình. Tuy nhiên, với các bé hiếu động, nguy cơ té ngã, tai nạn dễ xảy ra, nhất là khi không có sự theo dõi sát của người lớn.

Nhiều trẻ hoại tử nặng vì kẹt chân vào bánh xe

Thời gian gần đây, khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng vết thương gót chân chấn thương nặng.

Như trường hợp bé gái tên N.H. (6 tuổi, quê Nam Định) không may bị kẹt gót chân vào nan hoa (căm) bánh xe đạp, gây ra vết thương rách da phức tạp. Sau khi được đưa vào điều trị tại tuyến cơ sở nhưng không đỡ, bé phải chuyển đến tuyến trên.

Thời điểm vào Đơn vị Bỏng của khoa Chỉnh hình, Bệnh Viện Nhi Trung ương, tình trạng vết thương vùng gót chân của trẻ khá nghiêm trọng, lộ gân và đã gây viêm, hoại tử, chảy dịch. Bệnh nhi được phẫu thuật cắt lọc, chuyển vạt da che phủ khuyết hổng, chăm sóc và rửa vết thương hàng ngày. Hiện tại, sức khỏe trẻ ổn định và đã được ra viện.

Kẹt chân vào bánh xe, chó cắn nát mặt và những hiểm họa tấn công trẻ mùa hè - 1

Bé gái bị chấn thương gót chân vì vướng vào nan bánh xe đạp (Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương).

Còn gái T.M. (3 tuổi, ngụ Hà Nội) nhập viện trong tình trạng bị gãy 1/3 xương gót, hoại tử da gót chân. Trước đó, trẻ được người nhà chở đi chơi bằng xe đạp, không may vướng chân vào nan hoa bánh xe.

Sau tai nạn, trẻ được người nhà đưa đến phòng khám tư để thay băng, rửa vết thương hàng ngày. Nhưng khoảng 3 ngày sau, gia đình thấy chân trẻ có dấu hiệu bị nhiễm trùng nên đã đưa trẻ đến bệnh viện điều trị.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phùng Công Sáng, Phó trưởng khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, việc để trẻ đi lại bằng xe đạp, xe máy nếu không có các biện pháp bảo vệ thường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, khi chân vô tình kẹt vào bánh xe.

Mặc dù vết thương ở gót chân tuy nhỏ, nhưng nếu chủ quan và không được xử trí ban đầu tốt thì tỷ lệ nhiễm trùng, hoại tử vết thương rất cao. Tổn thương ngoài do ma sát thường gây vết thương sâu. Khả năng lành vết thương ở gót chân cũng kém hơn nơi khác.

Kẹt chân vào bánh xe, chó cắn nát mặt và những hiểm họa tấn công trẻ mùa hè - 2

Vết thương gót chân khiến trẻ đau đớn, phải điều trị dài ngày (Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương).

Bên cạnh đó, bánh xe là nơi dính nhiều bụi đất, chỗ ẩn náu tốt của vi khuẩn, nên đa phần các vết thương gây ra tại vị trí này đều có nguy cơ bị nhiễm trùng.

Từ những trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh hạn chế tối đa việc để trẻ ngồi một mình ở yên sau xe.

Trẻ nhỏ thường hiếu động, khó ngồi yên nên trong quá trình xe chạy, trẻ thường lệch dần về một bên. Khi xe bị xóc, nghiêng hoặc thay đổi tốc độ đột ngột, có thể khiến gót chân trẻ kẹt vào nan xe, thậm chí ngã khỏi xe.

Đối với trẻ nhỏ, cần dùng đai để cố định khi chạy xe trên đường và nên lắp lưới bảo vệ bánh sau, ghế ngồi trên xe cho trẻ nhỏ. Nếu trẻ bị kẹt chân vào bánh xe, cha mẹ nên cho trẻ đi khám ngay để được chăm sóc và điều trị đúng, giảm các biến chứng đáng tiếc cho trẻ.

Trẻ gặp nạn vì người lớn hoảng loạn

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Minh Hằng, nguyên Phó trưởng khoa Răng Hàm Mặt cho biết, mới từ đầu hè đến cuối tháng 6, tại khoa Răng Hàm Mặt của Bệnh viện Nhi đồng 1 đã gặp hơn 20 ca chấn thương nặng vì tự chạy xe gắn máy tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm.

Như trường hợp của 2 cháu bé quê Đồng Tháp (lần lượt 14 tuổi và 15 tuổi) cùng nhập viện một ngày. Trong đó, bệnh nhi 14 tuổi bị gãy vụn xương mặt rất nhiều sau khi xảy ra tai nạn kèm đa chấn thương, gãy chân.

Bé còn lại chạy xe máy trên đường làng gồ ghề với tốc độ cao, nên khi té mặt đập vào đá. Thời điểm vào viện cấp cứu, bệnh nhi trong tình trạng chấn thương phần mềm rất nhiều, biến dạng vùng mặt.

Bác sĩ phân tích, vùng mặt có nhiều tổ chức rất quan trọng, như mắt, mũi, miệng… Có những trường hợp va đập mạnh vào nhãn cầu, khiến trẻ phải móc bỏ một bên mắt. Thậm chí nếu mặt đập xuống tổn thương thần kinh, trẻ có thể bị liệt mặt.

Nếu xương bị vỡ vụn, gãy nát và làm thiếu hổng mô mềm, rất khó cho bác sĩ trong việc phẫu thuật. Đồng thời, trẻ cũng có thể chấn thương sọ não.

Kẹt chân vào bánh xe, chó cắn nát mặt và những hiểm họa tấn công trẻ mùa hè - 3

Một trường hợp bệnh nhi bị biến dạng mặt sau tai nạn khi lưu thông bằng xe máy trên đường (Ảnh: BS).

Ngoài tai nạn giao thông, mùa hè cũng là thời điểm các tai nạn sinh hoạt ở trẻ gia tăng. Đáng chú ý, có những trường hợp bệnh nhi đang nghịch ở trên cao thì người lớn phát hiện, hét lên, khiến trẻ té xuống vì hoảng loạn.

Như sự việc của một bé trai đi học tại trường có hàng rào sắc nhọn bao xung quanh. Khi nam sinh leo lên hàng rào, cô giáo la lên làm bé giật mình, té và bị miếng sắt hàng rào làm rách một đường dài từ trán xuống tận vùng cằm. Thời điểm vào viện cấp cứu, cả cô giáo, bệnh nhân lẫn cha mẹ đều hoảng loạn.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Thùy Dương, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trong những tình huống nêu trên, phụ huynh cần hết sức bình tĩnh, giải thích để trẻ cẩn thận leo xuống. Song song đó, phụ huynh phải giáo dục con biết những tình huống nguy hiểm để tự tránh.

Kẹt chân vào bánh xe, chó cắn nát mặt và những hiểm họa tấn công trẻ mùa hè - 4

Một trường hợp trẻ nuốt dị vật là chiếc chìa khóa dài (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Khi tai nạn đã xảy ra, tuyệt đối không bế xốc con lên, kiểm tra xem trẻ có chấn thương cột sống cổ hay không rồi tiến hành nẹp, băng ép và đưa trẻ đi bệnh viện.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, nguy hiểm cũng có thể đến với trẻ từ những dị vật "ẩn mình", vô tình lọt vào người.

Điển hình là tình huống những cô, cậu bé mới biết bò và có thói quen cho đồ chơi, thức ăn nhặt được vào miệng. Dù cha mẹ chăm sóc rất kỹ nhưng cũng không thể theo sát trẻ 24/24.

Điều này dẫn đến việc, có những dị vật nằm trong khoang miệng trẻ rất lâu, chỉ được phát hiện theo cách tình cờ, như hạt dưa, vỏ trái vải… Thậm chí, dị vật bỏ quên có thể trôi xuống thực quản và đường thở, khiến trẻ nguy hiểm tính mạng.

Thú cưng trong nhà thành hiểm họa chết người

Một tai nạn ngày hè nguy hiểm khác là tai nạn bị động vật cắn. Bác sĩ Hằng phân tích, hàng tháng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đều gặp các trường hợp bị chó tấn công. Đặc biệt là giờ trưa, khi chó đến giờ ăn và trẻ di chuyển đến gần.

Theo bản năng, chó sẽ nghĩ trẻ sắp giành, lấy đồ ăn của nó nên tấn công, nhất là với chó vừa sinh con rất hung dữ.

Thông thường, chó sẽ cắn vào vùng mặt trẻ, vì là vùng gần tầm tấn công nhất. Lại có những gia đình cho trẻ gần gũi, ôm, hôn, ăn ngủ ngay cạnh chó nuôi như thú cưng và xảy ra tai nạn.

Chuyên gia răng hàm mặt chia sẻ, răng của chó rất dơ, ngoài nguy cơ truyền bệnh dại, trẻ cũng có thể bị nhiễm sán, vi trùng uốn ván, dẫn đến nguy hiểm tính mạng.

Vết thương chó cắn cũng gây dập nát, tạo nhiều chấn thương xảy ra cùng lúc, gây nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý thẩm mỹ. Có trường hợp, trẻ liệt mặt, gây sẹo co rút, mặt lồi lõm, ảnh hưởng đến chức năng cơ thể khi trẻ lớn lên.

Kẹt chân vào bánh xe, chó cắn nát mặt và những hiểm họa tấn công trẻ mùa hè - 5
Kẹt chân vào bánh xe, chó cắn nát mặt và những hiểm họa tấn công trẻ mùa hè - 6

Cách đây vài tháng, có một bệnh nhi bị chó cắn vào Bệnh viện Nhi đồng 1. Vì người nhà quá giận đã giết chó, khiến các bác sĩ không biết chó có bị dại hay không. Sau đó, bệnh nhi phải chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM xét nghiệm và điều trị, vì tình trạng nặng.

Để an toàn nhất, phụ huynh được khuyến cáo cần rọ mõm chó, giữ một khoảng cách cần thiết cho trẻ.

Các bác sĩ kết luận, mùa hè tai nạn xảy ra rất nhiều, mức độ lại nghiêm trọng hơn, vì người lớn vẫn đi làm còn trẻ đã được nghỉ học.

Do đó, cha mẹ hãy cẩn trọng, dù trẻ đã qua giai đoạn xảy ra chấn thương vài ngày nhưng có dấu hiệu sưng đau, không đi đứng bình thường cũng cần đưa vào bệnh viện kiểm tra để phát hiện vấn đề và xử lý kịp thời.

"Khi trẻ gặp nạn, có những gia đình phải bỏ hết công việc, tốn nhiều thời gian để đưa con đi cấp cứu, chăm sóc con trong bệnh viện, ảnh hưởng đến kinh tế. Nếu chúng ta phòng ngừa tốt thì sẽ không xảy ra những tình trạng như vậy" - chuyên gia đưa ra lời khuyên.