Huy động cả hệ thống chính trị dập tắt dịch tiêu chảy cấp

(Dân trí) - Trước diễn biến dịch tiêu chảy cấp hết sức phức tạp, ngày 2/11, Thủ tướng chỉ thị : “phải huy động cả hệ thống chính trị và các phương tiện thông tin đại chúng cùng tham gia bao vậy dập tắt các ổ dịch tiêu chảy cấp trong thời gian sớm nhất''.

Chiều 2/11/2007, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế, đã đi kiểm tra công tác vệ sinh thực phẩm ở chợ Hôm -Đức Viên và công tác điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy ở Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội).

 

Đây là một trong những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trong công điện số 1638/CDD-TTG gửi tới Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các ngành chức năng ngày 2/11.

 

Bệnh tiêu chảy cấp là loại bệnh nguy hiểm, dễ lây lan rộng thành dịch, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được.

 

Trong mấy ngày qua công tác phòng chống dịch đã hết sức khẩn trương, quyết liệt, không chỉ tại trụ sở của Bộ Y tế vào 17-18h hàng ngày, lãnh đạo Bộ chủ trì các cuộc giao ban phòng chống dịch khẩn cấp sau khi các đoàn kiểm tra, giám sát báo cáo công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp tại các địa phương.

 

Công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp đã trở thành nhiệm vụ “nóng” trong công tác chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến từng địa phương và mỗi người dân, với quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi nhanh nhất dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm cũng như giảm thiểu khả năng lây lan và bùng phát của dịch.

 

Lúc này đây, tinh thần chống dịch như “cứu hỏa” của cả cộng đồng với hàng trăm đoàn kiểm tra của các bộ, ngành, địa phương trực chiến tại những “nơi xung yếu”, giám sát khoanh vùng ổ dịch. Theo đó, hàng trăm tấn chloramin được chuyển về các địa phương để khử trùng tiêu độc; hàng chục cơ số thuốc, trang thiết bị dịch truyền và những chính sách hỗ trợ hết sức kịp thời đã được triển khai.

 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành y tế miễn viện phí hoàn toàn cho người bệnh, thực hiện chế độ phòng chống dịch cho cán bộ y tế và những người trực tiếp tham gia phòng chống dịch. Ưu tiên và tập trung phương tiện thuốc men, kinh phí cho công tác phòng chống dịch. Khoanh vùng, giám sát chặt chẽ và tìm ra nguyên nhân gây ra dịch.

 

Công tác phòng chống dịch được hoạt động và duy trì 24/24 giờ tại các cơ sở y tế . Các vị lãnh đạo Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố và chính quyền các cấp và các phương tiện thông tin đại chúng đã dành những thời lượng sóng, trang báo...đặc biệt nhất, chuyển tải liên tục thông tin đến từng người dân.

 

Các biện pháp phòng chống dịch tiêu chảy cấp, cách phòng chống dịch, phác đồ điều trị, các thông tin phòng chống dịch đã được phổ biến đến từng cán bộ y tế và người dân.

 

Tại các khu vực chợ lớn ở Hà Nội như Hàng Bè, chợ Hôm, Chợ Mơ... hay các chợ làng, chợ huyện, khu bán hàng ăn, hầu như mọi người dân, người bán hàng đã biết cách phòng chống bệnh cho mình và gia đình. Các biện pháp hết sức đơn giản như ăn chín uống sôi, rửa tay trước khi ăn, không ăn đồ ôi thiu đã được người dân thực hiện khá nghiêm túc...

 

Những món ăn khoái khẩu như mắm tôm, gỏi, rau sống... đã bị mọi người tẩy chay. Hơn bao giờ hết, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm không còn là chuyện riêng của các cấp chính quyền mà đã trở thành trách nhiệm và ý thức của người dân để bảo vệ sức khỏe của cả cộng đồng.

 

Cuộc chiến đấu phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm là một cuộc chiến khá gay go, tuy nhiên chúng ta đã sẵn có “kinh nghiệm” ngăn chặn dịch trong các cuộc chiến chống bệnh SARS, bệnh cúm A(H5N1).

 

Với kinh nghiệm và tinh thần quyết tâm cao của Chính phủ, ý thức của mỗi người dân cũng như của toàn ngành y tế và cộng đồng, nhất định chúng ta sẽ đẩy lùi nhanh chóng dịch bệnh nguy hiểm này.

 

Với một phương châm đơn giản “mỗi người dân cần thực hiện ăn chín uống sôi, tuân thủ 4 hình thức phòng chống bệnh và 6 thông điệp an toàn vệ sinh thực phẩm mà Bộ Y tế ban hành”, nhất định cuộc chiến chống dịch tiêu chảy này sẽ thành công.

 

Theo TTXVN