Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ nhiễm lao

(Dân trí) - Theo một nghiên cứu mới nhất về những yếu tố tác động tới bệnh lao (TB) tại Đài Loan, hút thuốc làm tăng gấp đôi nguy cơ nhiễm lao. Ngoài ra, ước tính thuốc lá sẽ "cướp" đi sinh mạng của 6 triệu người vào năm 2010.

 

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ nhiễm lao - 1


Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của gần 17 ngàn người sống ở Đài Loan trong một cuộc khảo sát quy mô của Viện Sức khỏe NHIS. “Kết quả cho thấy tỉ lệ nhiễm lao ở những người hút thuốc cao gấp đôi những người chưa bao giờ hút thuốc”,  trưởng nhóm nghiên cứu, Hsien-Ho Lin, cho biết.

 

BS Lin và các đồng nghiệp đã chọn ra những trường hợp hút thuốc trực tiếp và hút thuốc lá thụ động. Họ cũng tổng hợp các yếu tố liên quan bao gồm giới tính, tuổi tác, môi trường sống, thu nhập, tình trạng hôn nhân, thói quen dùng rượu bia và tính chất công việc.

 

Khi tiến hành so sánh về khả năng mắc lao ở những người đã, đang và chưa bao giờ hút thuốc, họ nhận thấy những người đã từng hút thuốc có nguy cơ nhiễm lao cao gấp 2,69 lần so với những người chưa bao giờ hút thuốc; tỉ lệ này ở những người đang hút thuốc là 2,73 lần. Sau khi xem xét các yếu tố liên quan thì tỉ lệ này là gấp 2 lần ở những người đang hút thuốc so với người chưa bao giờ hút thuốc.

 

Điều thú vị là họ cũng phát hiện thấy những người trẻ tuổi hút thuốc có nguy cơ mắc lao cao hơn những người ngoài 65 tuổi hút thuốc. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng tỏ ra thận trọng, cho rằng cần phải có nhiều nghiên cứu hơn nữa để khẳng định điều này bởi nghiên cứu ở nhiều quốc gia cho thấy, tỉ lệ người già mắc lao cao hơn người trẻ.

 

Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc lao do tác động của các hóa chất có trong thuốc lá lên cơ thể bao gồm các tác động làm suy giảm khả năng tiết dịch trên bề mặt của khí quản, làm suy giảm chức năng hô hấp và sự phát triển của các đại thực bào phổi, làm giảm khả năng tự hủy diệt các khối u của đại thực bào phổi, khiến lượng sắt tăng quá mức ở các tế bào đại thực phổi (Các tế bào đại thực phổi là những chiến binh bảo vệ cơ thể).

 

“Đây là nghiên cứu quy mô đầu tiên cung cấp những bằng chứng cho thấy sự liên quan của thuốc lá với sự hoành hành của căn bệnh lao. Dựa trên kết quả nghiên cứu này và nhiều nghiên cứu khác, thiết nghĩ đã đến lúc cần phải ngừng sản xuất hẳn thuốc lá, coi đó là một trong những hành động thiết thực để kiểm soát bệnh lao”, BS Lin nhấn mạnh.
 

Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Bệnh hô hấp và cách chăm sóc (Hoa Kỳ).

 

2010: 6 triệu người chết vì thuốc lá

 

“Thuốc lá sẽ giết chết 6 triệu người vào năm tới bởi các bệnh ung thư, tim mạch, khí thũng và một số bệnh khác”, theo cảnh báo của các chuyên gia ung thư quốc tế.

 

Ước tính, cứ 10 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp liên quan tới thuốc lá. Và nếu theo xu thế tiêu thụ thuốc lá hiện nay, năm 2020 sẽ có khoảng 7 triệu người tử vong do thuốc lá, năm 2030 là 8 triệu trường hợp.

 

Theo số liệu báo cáo, có khoảng 1 tỉ nam giới trên khắp các châu lục hút thuốc, 35% là ở các nước giàu và 65% còn lại là ở các quốc gia đang phát triển, chậm phát triển. Có khoảng 250 triệu phụ nữ hút thuốc mỗi ngày, 22% là ở các nước phát triển và còn lại là ở các nước đang phát triển và chậm phát triển.

 

Nguy cơ tử vong do ung thư phổi ở nam giới hút thuốc cao hơn nam giới không hút thuốc tới 23 lần, tỉ lệ này ở nữ là 13 lần.

 

Thuốc lá giết chết 1/3 – 1/2 những người hút thuốc. Những người nghiện thuốc tử vong sớm hơn những người không hút thuốc lá trung bình là 15 năm.

 

Thuốc lá cũng là thủ phạm gây ra cái chết của 250 triệu thanh thiếu niên và trẻ em trên toàn thế giới.

 

Gần 1/4 những người trẻ đã hút thuốc lần đầu tiên ở tuổi trước 10.

 

Hơn 100 triệu người đã bị thuốc lá “tiêu diệt” trong thế kỷ 20. Nếu không có những biện pháp hiệu quả và quyết liệt, thuốc lá sẽ “cướp” đi sinh mạng của 1 tỉ người trên khắp hành tinh.

 

Minh Thu

Theo Health24 & Reuters