Huế: Kinh hãi thức ăn vỉa hè!

(Dân trí) - Quán ăn “mini” có thể tìm thấy ở bất cứ con phố nào trong lòng thành phố Huế, ngay bên lề đường xe cộ chạy mù mịt khói bụi, bên rãnh nước và thẫm chí cạnh nơi đổ rác và đặc biệt hàng trăm chiếc bát đã dùng được nhúng qua 1 cái xô cáu bẩn…

Chỉ 1 xô nước cho 200 bát bẩn

 

Nhiều người dân ở phường Phước Vĩnh (Huế) từ lâu đã biết nhiều đến quán cháo của dì Hòa bởi theo nhiều người quán này vừa ngon vừa rẻ (3 - 5 ngàn/bát) nhưng nếu một lần ghé quán ngồi, chịu khó quan sát mới thấy thật kinh hoàng.

 

Quán nằm khiêm tốn bên đường Trần Phú chỗ giao nhau với đường sắt, ngay trước cửa công ty vệ sinh môi trường đô thị Huế. Đây là đoạn đường thường hay tắc nghẽn mỗi khi tránh tàu. Nói là quán nhưng thực chất chỉ là một tấm bạt dăng dây lên và dì Hoà ngồi bán ở đó. Ông Phan Khôi một người dân sống gần đó cho biết: “Nhiều hôm tôi thấy tắc đường xe dồn kẹt cứng, khói bụi mù mịt thế mà quán cháo đó vẫn đông người ăn. Không hiểu làm sao người ta có thể vừa ăn vừa hít khói bụi thế cơ chứ!?”.

 

Chuyện khói bụi có lẽ cũng chưa nhằm nhò gì so với việc vệ sinh của quán ăn này. Mình dì Hoà và người con gái 10 tuổi xoay xở với quán cháo. Khách gọi liên tục thế nên những tô đựng cháo được rửa nhanh đến mức chóng mặt để phục vụ khách hàng. Hai xô nước nhỏ, một đã đổ đầy bọt xà phòng dùng để rửa, một xô nước khác dùng để tráng lại nhưng đã nổi đầy váng mỡ. Đứa bé bưng gần 10 cái bát đặt bên nhanh thoăn thoắt lần lượt nhúng tùng cái vào xô nước thứ nhất ngoáy nhanh vài vòng rồi nhúng qua cái xô nước thứ hai. Chưa đầy một phút sau 10 tô cháo đã được rửa xong. Dì Hoà giục con gái lau khô nước bằng một chiếc khăn vừa dùng để lau tay và lau bát rồi múc từng tô cháo cho khách đang chờ. Suốt cả một buổi chiều như thế xô nước thứ 2 chỉ được thay đúng hai lần còn xô thứ nhất thì nguyên xi . Cuối buổi khi nồi cháo đã bắt đầu lưng thì xô nước cũng đặc quánh lại nhìn sền sệt tuy nhiên nó vẫn tiếp tục được sử dụng.

 

Tôi lân la hỏi dì Hoà cho biết: “Hôm nào suôn sẻ bán hết thì được gần 200 bát, hôm nào “ế” thì cũng được...120 - 130 bát cháo!” . Con số làm tôi phải giật mình khi nghĩ đến xô nước kia!

 

Ngay cạnh bên quán cháo dì Hoà quán bán mồi nhậu (thủ Heo) của chị D cũng đông người vào ra. Một rổ thủ Heo nằm chơ chỏng bên đường không hề che đầy mặc cho khói bụi ghé thăm. Hỏi chị làm sao không che đậy thì chị D trả lời gấp gáp giọng như muốn đuổi đi: “Che đi thì ai mà thấy. Có mua không nếu không tránh ra để tôi bán!” . Mỗi buổi chiều chị bán gần 10 thủ heo như thế!

 

Nhốn nháo quán cơm nơi cửa viện!

 

Xung quanh cửa phụ của bệnh viện TƯ Huế, chưa đầy 500m đã có tới gần 10 quán cơm nối đuôi nhau chạy dài trên vỉa hẻ và lối ra vào cửa viện. Tất cả đều “mui trần”, không hề được che đậy, tất cả đều “dã chiến” với phương châm nhanh còn nơi để rửa chén bát kề ngay nơi để thức ăn và các vật dụng khác; xô thùng, chậu rửa lúc nào cũng nổi váng dầu mỡ, nhiều xô đã chuyển sang màu đen. Và tất cả các thao tác từ nấu chín thức ăn đến việc vệ sinh cũng đều gấp gáp và qua loa.

Anh Phạm Văn Hải nằm điều trị tại Khoa Ngoại của bệnh viện TƯ Huế ngồi ăn cơm mà không khỏi lo lắng: “Nhìn những hàng thức ăn không được che đậy thế kia tôi ăn mà cũng thấy lo nhưng không ăn đây thì ăn ở đâu bây giờ” .

 

 

Huế: Kinh hãi thức ăn vỉa hè! - 1
 

Một quán cơm bụi ở cổng bệnh viện TƯ Huế 

Thực tế trong khuôn viên của bệnh viện cũng có căngtin phục vụ ăn uống hợp vệ sinh nhưng do hầu hết bệnh nhân người nghèo đến từ các huyện lân cận, nhiều người từ tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình lặn lội vào đây điều trị trong khi đó giá một phần cơm ở đây chênh lệch so với bên người từ 2 - 3 ngàn. Do đó việc bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tìm ăn tại những quán cơm dù biết rằng không hơp vệ sinh là điều dễ hiểu.

 

Thiết nghĩ, xây dựng Huế xanh sạch đẹp không chỉ là dừng lại ở môi trường và cảnh quan đô thị. Vấn đề “sạch” trong ăn uống dường như chưa được cơ quan chức năng thật sự quan tâm, buông lỏng. Ngày nào Huế còn nhếch nhác thức ăn hè phố ngày đó Huế còn “xấu” trong mắt du khách đến đây!

 

Nguyễn Thành