Về ca ghép gan đầu tiên cho người lớn ở Việt Nam:

Hứa hẹn thành công!

TS. Nguyễn Tiến Quyết cho biết: Bệnh nhân đã được chỉ định ghép gan từ lâu nhưng không có người cho gan. Trước khi tiến hành ca đại phẫu, bệnh nhân N. đã được chăm sóc và điều trị tại đơn vị ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức từ tháng 9/2007.

Bệnh nhân được ghép gan là Nguyễn Thị N. (48 tuổi), người cho gan là cháu ruột Nguyễn Gia C. (31 tuổi).  Bệnh nhân N. bị xơ gan giai đoạn cuối, viêm gan do virut và mới phát hiện bị ung thư gan.

 

12 giờ vật lộn với “tử thần”

 

Ca đại phẫu bắt đầu lúc 8h sáng, ngày 28/11, với sự trợ giúp của các chuyên gia Đài Loan. Về phía Bệnh viện Việt Đức, các chuyên gia đầu  ngành về gây mê, phẫu thuật, hồi sức của bệnh viện đều tham gia kíp mổ. TS. Nguyễn Tiến Quyết là trưởng kíp. 8h30 phút, người cho gan được tiến hành quy trình lấy gan. Các bác sĩ đã lấy khoảng 60% thùy gan phải với trọng lượng gần 800g của người cho để ghép cho bệnh nhân. 9h45, nhóm phẫu thuật thực hiện rạch da người nhận, tiến hành cắt bỏ toàn bộ gan hỏng, sau đó đưa gan của người cho vào ổ bụng, thực nối tĩnh mạch gan, nỗi tĩnh mạch cửa, nối động mạch gan, nối mật, ruột cho bệnh nhân. Quá trình cho và nhận gan đều diễn biến tốt đẹp. Đến 19h30, ca đại phẫu kết thúc.

 

Về sức khỏe của người cho gan và người nhận gan, TS. Nguyễn Tiến Quyết cho biết, người cho được rút nội khí quản ngay trên bàn mổ, đến 17h ngày 28/11, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn. Sáng 29/11, sức khỏe người cho gan tiến triển tốt nhưng vẫn phải tiếp tục được theo dõi các vấn đề về chảy máu ổ bụng, nhiễm trùng, thải ghép. Nếu sức khỏe ổn định, sau một tuần người cho gan được ra viện. Còn người nhận gan, đến sáng ngày 29/11 bệnh nhân đã tỉnh, gan đã tiết mật, bệnh nhân tiếp tục được đặt nội khí quản trong 1-2 ngày tới. Sau khi bệnh nhân mổ khoảng 2 ngày, các chuyên gia Đài Loan về nước, công tác chăm sóc hậu phẫu sẽ do các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức đảm nhiệm. Để chống thải ghép cho bệnh nhân, bệnh viện đã đầu tư 40.000 USD mua thuốc. Dự kiến, chi phí cho ca đại phẫu này khoảng 1,5 tỉ đồng.

 

Còn nhiều bệnh nhân chờ được ghép gan

 

Tại Việt Nam đã thực hiện được nhiều ca ghép gan cho trẻ em thành công, nhưng đây mới là ca đầu tiên ghép gan cho người lớn. Vẫn theo TS. Nguyễn Tiến Quyết, việc tiến hành ghép gan cho người lớn khác nhiều so với ghép cho trẻ em và mức độ rủi ro cũng cao hơn do ghép gan ở người lớn phải lấy một nửa gan của người cho ghép cho người nhận. Kỹ thuật thực hiện khó hơn, quá trình chống suy gan, thải ghép cho cả người cho và người nhận cũng khó khăn hơn.

 

Các lý do khác làm cho các ca ghép gan ở người lớn khó thực hiện là không có người cho gan và chi phí quá tốn kém, mỗi ca lên tới hơn 1 tỉ đồng. Bệnh viện Việt Đức đã ghép gan thực nghiệm trong nhiều năm nay. Các bác sĩ của bệnh viện đã được đi học về ghép tạng ở nhiều nơi trên thế giới như Pháp, Singapore, Đài Loan, trình độ của các chuyên gia trong nước hoàn toàn có thể thực hiện được các ca đại phẫu này. Nhiều bệnh nhân đã được chỉ định ghép gan nhưng vì không có người cho nên tất cả các yếu tố thuận lợi trên đều chưa thực hiện được, và phải chờ  tới thời điểm này.

 

Ca ghép gan cho người lớn đầu tiên của Việt Nam được thực hiện thành công tại Bệnh viện Việt Đức sẽ đem đến cơ hội mới cho các bệnh nhân bị xơ gan do viêm gan mạn tính giai đoạn cuối, ngộ độc gan cấp tính dẫn đến suy gan, các bệnh nhân ung thư gan chưa di căn sẽ có thêm cơ hội sống. Ghép gan cho người lớn tại Việt Nam thành công còn giúp bệnh nhân không phải ra nước ngoài điều trị, tốn kém và có ca không thành công, bệnh nhân bị thải ghép sớm. Đây cũng là một dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành của ngành ghép tạng Việt Nam. Ngoài ghép gan, Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành ghép thận thường quy và cũng đang tiến hành ghép tim thực nghiệm.

 

Theo Minh Thu

Sức khỏe & Đời sống