Hơn một nửa số trẻ dưới 1 tuổi bị thiếu máu

Ở trẻ dưới 1 tuổi, có đến 57% bị thiếu máu và 43% thiếu vitamin A. Đó là số liệu thống kê của Viện Dinh dưỡng trong năm nay.

Tiến sĩ Lê Thị Hợp, Phó Giám đốc Viện Dinh dưỡng cho biết, tuy tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em đã được cải thiện nhiều nhưng tình trạng thiếu máu và vitamin A ở trẻ vẫn rất cao. Theo điều tra mới nhất, cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi thì một bị thiếu máu. Tình trạng này trầm trọng nhất ở lứa tuổi 6 - 12 tháng, tiếp đến là trẻ 1 - 2 tuổi (45%).

 

Mặc dù chương trình cho trẻ uống vitamin A liều cao được tổ chức đều đặn mỗi năm 2 lần nhưng các xét nghiệm huyết thanh cho thấy vẫn có 1/3 trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu chất này, nặng nề nhất vẫn là ở trẻ dưới 1 tuổi với tỷ lệ 43%.

 

Theo bà Hợp, trong thời gian dưới 2 tuổi, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng và thiếu vi chất nhất. Vì vậy, cần tập trung nuôi dưỡng trong giai đoạn này, nhất là ở những tháng đầu tiên, khi trẻ sống hoàn toàn nhờ sữa mẹ. Tuy nhiên, các điều tra mới nhất cho thấy, có đến 1/3 số bà mẹ có hàm lượng vitamin A trong sữa thấp. Điều này giúp lý giải tại sao nhiều trẻ dưới 1 tuổi bị thiếu chất này.

 

Điều tra cũng cho thấy, cứ 3 phụ nữ mang thai thì một bị thiếu máu. Ở phụ nữ không mang thai, tỷ lệ này cũng không hề thấp: 1/4.

 

Để đảm bảo sự phát triển nòi giống, chiến lược dinh dưỡng Việt Nam trong thời gian tới là tập trung tác động vào lứa tuổi học đường, vị thành niên, giai đoạn tiền hôn nhân và giai đoạn mang thai. Trong tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển mà Viện tổ chức (từ 16 đến 23/10), các chuyên gia dinh dưỡng cũng kêu gọi tận dụng các điều kiện hiện có của gia đình và địa phương để bảo đảm bữa ăn đa dạng; chăm sóc sớm cho người mẹ để đảm bảo dinh dưỡng cho con.

 

So với cách đây 15 năm, cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam ngày càng cân đối hơn theo hướng giảm đáng kể lượng gạo, tăng thức ăn giàu đạm và trái cây. Lượng tiêu thụ trứng, sữa trong khẩu phần tăng gấp 10 lần, lượng thịt tăng 4 lần. Nhờ đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng đã giảm đáng kể.

 

Trung bình cứ sau 10 năm, chiều cao trung bình của trẻ em tăng được 1 - 2cm. Chiều cao trung bình của thanh niên thành thị (25 - 34 tuổi) đạt 164,0cm, cao hơn so với chiều cao trung bình của nam thanh niên nông thôn 1,6cm (162,4cm). Chỉ số này ở nữ thanh niên thành thị cùng lứa tuổi là 153,6cm, cao hơn chiều cao trung bình của nữ thanh niên nông thôn 1,3cm (152,3cm).

 

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo tình trạng thái quá trong việc ăn những thực phẩm bổ béo ở khu vực thành thị, dẫn đến gia tăng số người thừa cân, béo phì và các bệnh chuyển hóa, tim mạch. Hiện tỷ lệ thừa cân ở người trưởng thành là 16%, riêng ở Đông Nam Bộ cứ 3 người độ tuổi 25 - 64 thì một bị thừa cân. Tính chung cả nước, cứ 2 người thuộc lứa tuổi 45 - 54 sống ở thành phố thì một người có cân nặng vượt chuẩn.

 

Theo Vnexpress & Thanh niên

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ