Hơn 60% ca tử vong là do bệnh không lây nhiễm

(Dân trí) - Trong khi tỷ lệ các bệnh do nguyên nhân lây nhiễm đang giảm mạnh thì ngược lại tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm (BKLN) lại gia tăng đến mức báo động. Điều đáng nói là những bệnh này có liên quan mật thiết tới lối sống như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng bất hợp lý và ít vận động.

Báo cáo tổng kết 5 năm họat động chương trình phòng chống một số BKLN giai đoạn 2002 - 2006 đã cho thấy điều đó.

 

BKLN là những bệnh nào?

 

BKLN là bệnh không lây truyền từ người này sang người khác, do nhiều nguyên nhân gây nên. Bệnh diễn biến trong một thời gian dài, có thể gây ra tàn tật và trong phần lớn các trường hợp là không thể khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, BKLN hoàn toàn có thể phòng được.

 

Tại Việt Nam, có 4 nhóm bệnh không lây nhiễm chủ yếu đó là: Bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường (type 2), động kinh và trầm cảm. Các bệnh này nói riêng và BKLN nói chung đang ngày càng tăng trong khi tỷ lệ tử vong do bệnh lây nhiễm giảm. Cụ thể là nếu như năm 1996 bệnh lây nhiễm chiếm tỷ lệ mắc là 37%, trong đó chết là 33%; BKLN theo thứ tự là 50% - 43%. Thì đến năm 2005, bệnh lây nhiễm giảm còn 25% - 16%; còn BKLN tăng tỷ lệ người mắc lên 62%, trong đó chết là 61%.

 

BKLN có chung các yếu tố nguy cơ và các yếu tố nguy cơ này được chia thành 3 nhóm: Nhóm thứ nhất là các yếu tố nguy cơ về hành vi lối sống bao gồm hút thuốc lá, lạm dụng rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý (như ăn ít rau, nhiều thịt) và thói quen ít vận động.

 

Nhóm thứ hai là các yếu tố môi trường bao gồm môi trường tự nhiên, môi trường chính trị, môi trường xã hội, môi trường kinh tế. Nhóm thứ ba là các yếu tố nguy cơ không thay đổi được như tuổi, giới tính, chủng tộc...

 

Điều đáng nói là các nguy cơ bệnh BKLN tăng dần theo tuổi do sự phơi nhiễm trong một thời gian dài của các cơ quan bộ phận chức năng của cơ thể và giảm khả năng hệ thống miễn dịch. Các BKLN thường có thời gian tiềm tàng kéo dài với các tình trạng tiền bệnh như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn glucose máu và một số rối loạn chuyển hóa khác.

 

Những biến chứng nghiêm trọng từ bệnh

 

Cả 4 bệnh không lấy nhiễm nói trên đều đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Theo kết quả điều tra toàn quốc, trong khoảng 82 triệu người Việt Nam hiện nay thì có tới 6,7 triệu người bị tăng huyết áp. Tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường là 2,7%, tại các thành phố lớn là 4,4%. Trong đó, 64% người mắc bệnh đái tháo đường không được phát hiện.

 

Với bệnh ung thư, mỗi năm có khoảng 100.000 -150.000 bệnh nhân ung thư mới mắc và 75.000 người chết vì ung thư và con số này có xu hướng ngày càng gia tăng. Về bệnh tâm thần, tỷ lệ mắc bệnh động kinh trong cộng đồng chiếm khoảng 0,33% dân số và tỷ lệ trầm cảm là 2,8% dân số.

 

BKLN nói chung đang gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của xã hội. Bệnh không chỉ có tỷ lệ tử vong cao mà tỷ lệ tàn tật cũng rất lớn. Mặc dù tỷ lệ tử vong do bệnh tăng dần theo tuổi nhưng tỷ lệ tử vong ở nhóm người trẻ tuổi cũng không phải là ít. 

 

Các biến chứng do huyết áp tăng thường rất nặng nề như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa... ảnh hưởng lớn đến người bệnh, gây tàn phế và trở thành gánh nặng với gia đình và xã hội.

 

Bệnh đái tháo đường là bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng và gây ra nhiều biến chứng. Những biến chứng của bệnh đái tháo đường thường rất phổ biến như bệnh mạch vành, các bệnh mạch máu ngoại vi, đột quỵ, bệnh lý thần kinh do đái tháo đường, cắt đoạn chi, suy thận và mù mắt. Các biến chứng này thường dẫn đến tàn phế và giảm tuổi thọ.

 

Ở Việt Nam, BKLN còn nghiêm trọng hơn do bệnh nhân thường đến bệnh viện để khám và điều trị ở giai đoạn muộn. Trong khi đó, các biện pháp phòng chống bệnh tật còn hạn chế do nhận thức chưa cao. Bên cạnh đó, người bệnh cũng không được theo dõi và điều trị có hệ thống do dịch vụ khám chữa bệnh chưa được đáp ứng nhu cầu.

 

Sau 5 năm triển khai chương trình phòng chống một số BKLN quốc gia, tuy đã đạt được một số kết quả song trên thực tế, chương trình chưa đem lại hiệu quả cao. Bởi vậy, cách duy nhất để phòng tránh những bệnh này là mỗi người hãy tự bảo vệ mình, trong đó cần phải biết tránh xa các hành vi lối sống dẫn đến BKLN.

 

Lan Hương