Hội chứng máy xay sinh tố

Vài năm gần đây, máy xay sinh tố trở nên phổ biến trong mỗi gia đình. Nhiều bà mẹ đã tận dụng để xay đồ ăn cho trẻ, đảm bảo mọi thứ được xay nhuyễn, không biết rằng điều này sẽ khiến trẻ dễ nôn trớ, mất cảm giác thèm ăn, loét thực quản và dạ dày.

Bé Đ.D.H (4 tuổi) ở Minh Khai, Hà Nội được mẹ “chăm sóc tốt” nên khá bụ bẫm, ai nhìn cũng thích. Tuy vậy, chứng kiến cảnh cho bé ăn thì thật ngao ngán, sốt ruột. 4 tuổi nhưng bé vẫn ăn cháo xay nhuyễn như bột. Bát cháo màu vàng cam mà mẹ bé nấu với “tất cả tình thương yêu” gồm: cà rốt, thịt nạc xay nhuyễn, nước mắt, bột canh, dầu ăn… và một vài thứ khác nữa. Người lớn nếm thử cũng thấy ngán, bé ngửi mùi, biết phải ăn cháo đã khóc ầm lên. Tuy vậy, với sự kiên trì của mẹ, cộng với… cái roi để dọa nạt, phim hoạt hình siêu nhân, một vài thứ đồ chơi, sau nửa tiếng, bé vẫn xơi hết bát cháo.

 

Lý giải cho các sự phải xay nhuyễn này, mẹ bé bảo: “Tại vì nó không chịu nhai, lại bị chứng trào ngược thực quản dạ dày nên thức ăn chỉ cần hơi to vào miệng là ọe ra. Xay thế mới đảm bảo đủ dinh dưỡng(!?)"

 

Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) gần đây tiếp nhận nhiều trẻ với triệu chứng lười ăn, hay nôn trớ, thậm chí thấy cháo đã nôn, đang ăn dở hoặc vừa ăn xong có thể bất ngờ nôn ộc ra toàn nước. Các triệu chứng này xuất hiện thường xuyên khiến nhiều bà mẹ lo lắng. PGS.TS Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết: “Chỉ cần nghe nói triệu chứng, chúng tôi thường hỏi ngay: “Cháu ăn gì, có phải ăn cháo xay nhuyễn không?”. Quả thực, hầu hết các trường hợp đều ở các cháu được bố mẹ chăm sóc “chu đáo”, cho ăn cháo xay nhuyễn dù đã mọc đầy răng. Hiện tượng này được các bác sĩ ở đây gọi là “Hội chứng máy xay sinh tố”.

 

Xuất phát từ sự tiện lợi, muốn con đảm bảo đủ chất và tăng cân nên cá bà mẹ thường xay thực phẩm để cho trẻ ăn. Có bà mẹ lý giải: “Cho ăn cơm, nó ăn cả buổi được 2 thìa, giỏi lắm thì được miếng thịt. Trong khi nếu xay ra, một bát cháo sẽ gồm cả lạng thịt, thêm rau và nhiều chất khác”. Ăn cháo lại nhanh, trẻ chỉ việc nuốt, cứ ép há mồm, thế nào cũng nuốt!

 

Theo PGS.TS Tiến Dũng, đây là quan niệm sai lầm. Sai lầm này đã tạo ra cái vòng luẩn quẩn. Xay nhuyễn khiến trẻ chỉ có phản xạ nuốt, bỏ qua giai đoạn nhai, dịch vị không được kích thích, không có cảm giác thèm ăn, lâu dần trẻ sẽ lười ăn. Khi bị ép ăn một bát cháo “hổ lốn”, trẻ có phản xạ nôn trớ. Nôn trớ nhiều sẽ làm loét thực quản, loét dạ dày. Những trẻ nôn được ra ngoài thì người lớn còn biết. Nhiều trường hợp trẻ bị trào ngược nhưng chỉ trào lưng chừng rồi rơi vào phổi gây ho kéo dài giống như mắc bệnh hen.

 

Khi cháo bị xay sẽ vỡ phôi hạt, nấu đi nấu lại nhiều lần sẽ mất dinh dưỡng. Lúc này, tưởng bát cháo đủ chất nhưng lại mất nhiều vitamin. Theo PGS.TS Dũng, qua giai đoạn ăn bột, cần cho trẻ ăn cháo hạt (nấu nguyên cả hạt gạo). Khi trẻ được 2 tuổi trở lên, răng sữa mọc đủ, cần luyện cho trẻ ăn nhai. Giai đoạn ăn cháo, lúc đầu có thể nấu cháo thịt, cá với rau nhưng sau đó, khi trẻ lớn hơn, chỉ nên nấu cháo thịt, hoặc cháo… rau cho ăn riêng.

 

Người lớn ăn thế nào thì cho trẻ ăn thế. Rõ ràng, không ai ăn bát cháo hổ lốn với rau muống, rau cải, dầu ăn (trừ trường hợp hôn mê phải xay nhuyễn, ăn xông…). Vì vậy, đừng bắt trẻ phải ăn như thế. Hãy để trẻ cảm nhận mùi vị của món ăn để sau đó trẻ có cảm giác thèm ăn.

 

Sức ép cần phải ăn (dù đồ ăn rất ngấy, không mùi vị đặc trưng do trộn lẫn quá nhiều thứ) khiến nhiều trẻ bị stress. Những trẻ này đến bữa ăn hay kêu đau bụng, lúc đầu là đau giả vờ, lâu dần đau thật và gây loét dạ dày. Độ tuổi loét và chảy máu dạ dày đang được trẻ hóa. Nếu trước đây căn bệnh này thường gặp ở độ tuổi hơn 10 thì nay đã có những trường hợp trẻ 4 - 5 tuổi bị chảy máu dạ dày mà một trong những nguyên nhân là stress khi ăn uống.

 

Theo Hoài Hương

Khoa học & Đời sống

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ