Hội chứng con cưng

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, Đơn vị Tâm lý Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 - TPHCM, cho biết ngày càng có nhiều trẻ bị hội chứng con cưng (HCCC) với nhiều dấu hiệu tâm lý do được cưng chiều quá mức.

Vừa qua, anh T.T.H, 40 tuổi, ngụ ở quận Tân Bình - TPHCM đã uống thuốc ngủ tự tử sau khi gặp thất bại đầu đời. Khi được cứu sống, anh cho biết lý do tự tử là vì không chịu được... cảm giác thất bại!

 

Dù mái tóc đã điểm xuyết nhiều sợi trắng, nhưng cha của anh H. vẫn săn sóc anh từng chút một, bất chấp đứa con đã bước sang tuổi 40. Ông tự nhủ sẽ bao bọc để con không gặp bất cứ trở ngại nào và dằn vặt vì đã để con gặp thất bại.

 

Mắc bệnh tâm lý vì được cưng quá mức

 

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, Đơn vị Tâm lý Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 - TPHCM, cho biết ngày càng có nhiều trẻ bị hội chứng con cưng (HCCC) với nhiều dấu hiệu tâm lý do được cưng chiều quá mức. Trung bình mỗi tháng đơn vị này tiếp nhận khoảng 60 trẻ chậm nói, hiếu động... do quá được cưng chiều.

 

Tuy chưa thống kê chính xác, nhưng chuyên gia tâm lý Ngô Xuân Điệp, Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2 - TPHCM cũng thừa nhận hiện nay số trẻ bị HCCC xuất hiện ngày càng nhiều.

 

Theo bác sĩ Ngọc Thanh, do các gia đình hiện nay có ít con nên hay cưng con quá mức. Những trẻ được cưng thường là con một, con trai, cháu đích tôn trong gia đình. Cha mẹ những trẻ này chấp nhận nhiều chuyện lạ như bồng ẵm con dù trẻ đã biết đi vững vàng, đút cơm cho con dù trẻ đã học lớp 7, chịu trận để con đánh, đưa tiền cho trẻ xài thoải mái... Chính những hành động cưng con quá mức này, theo các chuyên gia tâm lý, đã gây ra HCCC.

 

Từ con cưng đến... “bạo chúa”

 

Đơn vị Tâm lý BV Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận nhiều phụ huynh đau khổ vì những hành vi bất thường của con. Những đứa trẻ này được nuông chiều vật chất quá mức, đến nỗi trở thành người chỉ huy, làm chủ gia đình như một vị vua, tệ hơn nữa như một “bạo chúa” với cha mẹ. Theo chuyên gia tâm lý Ngô Xuân Điệp, trẻ bị HCCC sẽ có những biểu hiện như luôn đòi hỏi quá mức, tỏ ra cáu gắt nếu không được đáp ứng nhu cầu, luôn gặp khó khăn trong giao tiếp và thiết lập mối quan hệ với người khác.

 

Những trẻ này rất khó trưởng thành và hay suy sụp trước những khó khăn. Trẻ có thể trở thành một người nhu nhược hoặc hung bạo vì quen được cung phụng. Theo bác sĩ Ngọc Thanh, sự cưng chiều quá mức cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ mắc một số vấn đề về tâm lý như chậm nói (trẻ chưa đòi hỏi đã được đáp ứng), hiếu động (muốn gì được nấy)... Ngoài ra, sự cưng chiều quá mức còn làm trẻ luôn ỷ lại, thiếu trách nhiệm với bản thân nên cũng không có trách nhiệm với người khác.

 

Trẻ có thói quen đổ lỗi cho người khác và chỉ thụ hưởng tình cảm, vật chất một chiều. Trái với suy nghĩ của các bậc cha mẹ là con mình sẽ hạnh phúc khi được cưng chiều, thực tế những đứa trẻ này lại bất hạnh vì chúng cảm thấy mệt mỏi do luôn bị dòm ngó, chiếm lĩnh. Tình trạng này kéo dài, khi trưởng thành trẻ sẽ có thể phạm pháp, bạo lực với chính bản thân và với người khác, hoặc rơi vào trầm cảm.

 

Cần dạy trẻ biết tự lập

 

Theo chuyên gia tâm lý Ngô Xuân Điệp, các bậc cha mẹ cần hướng dẫn trẻ tự làm những việc mà theo lứa tuổi chúng có thể làm được, đặc biệt không nên làm thay cho trẻ vì như vậy trẻ sẽ không có sự trải nghiệm cuộc sống. Những thất bại nhỏ đầu đời rất cần thiết để trẻ làm quen và biết cách đối phó, thích ứng với những khó khăn trong cuộc sống.

 

Một trong những sai lầm mà các bậc cha mẹ thường mắc phải là lúc trẻ bị té ngã do va vào bàn, ghế khi tập đi là đổ lỗi cho bàn, ghế đã làm cho trẻ bị té thay vì dạy trẻ cách tránh những chiếc bàn, ghế. Cách làm này đã làm trẻ không biết tự nhận trách nhiệm về lỗi lầm do mình gây ra. Theo bác sĩ Ngọc Thanh, các bậc cha mẹ cần giáo dục trẻ ngay từ nhỏ, biết khen ngợi những điều tích cực của trẻ, đồng thời cũng phải phạt trẻ khi trẻ mắc lỗi. Ngoài ra, cũng cần nhất quán chính xác trong quyết định, tránh cảnh cha nói không, mẹ nói có.

 

Không phải ngăn cấm là bạc đãi

 

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, ngăn cấm, trừng phạt không phải là bạc đãi mà là sự cần thiết để trẻ biết hành động đúng chuẩn mực. Chiều chuộng quá mức dẫn đến sự bất lực trong giáo dục thường ngày, làm ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ, mới chính là sự bạc đãi. Khi cha mẹ làm tốt vai trò giáo dục của mình thì xã hội bớt cần những nhà chuyên môn và thẩm phán. Ngược lại, nếu thiếu kỷ cương trong gia đình thì Nhà nước phải thành lập thêm nhiều trung tâm cải tạo và nhiều bệnh viện tâm thần.

 

Theo Thùy Dương

Người lao động

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ