Hóc mứt đào nửa ngày, thực quản đã bị loét

(Dân trí) - Chuyện trẻ 2 tuổi bị hóc không phải là hiếm nhưng vấn đề là chỉ sau nửa ngày bị mắc kẹt, miếng mứt đào đã mủn nát và gây loét tại chỗ rất nặng. Theo các bác sĩ nhận định, rất có thể trong mứt này có chất gì đó.

Cùng mẹ ra chợ, được cho một miếng mứt đào, bé Phạm Quang Huy (2 tuổi ở Cẩm Phả, Quảng Ninh) liền ăn ngay, không có biểu hiện nghẹn hay ho, sặc. Tuy nhiên, đến chiều, bé khó thở nên đã phải nhập viện cấp cứu.
 
Tại BV Quảng Ninh, các bác sĩ nhanh chóng mở khí quản cấp cứu cho bệnh nhi và lập tức chuyển lên Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương cấp cứu vào đêm 1/1 vừa rồi. Khi đến viện, các bác sĩ nhận định là hóc dị vật, nhưng không phải ở đường thở nên đã tiến hành soi thực quản và thấy một miếng mứt ở trong đó, không rõ loại gì. Miếng mứt này đã mủn nát hết, rất khó khăn khi gắp ra, phải gắp từng miếng vụn rất nhiều lần hết.

Đặc biệt, khi gắp hết dị vật, các bác sĩ phát hiện tại chỗ dị vật vướng có hiện tượng tổn thương, bị loét tại chỗ rất nặng. Theo ThS Hoàng Đình Ngọc, Phó Giám đốc BV Tai mũi họng TƯ, bình thường, với những dị vật đường được gắp ra ngay sau chưa đầy nửa ngày trú ngụ ở thực quản, thì bệnh nhân thường không bị tổn thương tại chỗ nặng đến mức bị loét ra như vậy. Rất có thể, trong loại mứt này có chất gì đó gây tổn thương nặng đến vậy.

Sau khi điều trị kháng sinh hơn một tuần, kiểm tra chỗ loét đã lành, bệnh nhi đã ăn được nên các bác sĩ đã cho bé xuất viện. Bất ngờ hôm 25/2, sau hơn hai tháng được điều trị, bé Huy lại được đưa trở lại bệnh viện Tai mũi họng TƯ, do bé có biểu hiện không nuốt được thức ăn, dù bé đói, đòi ăn liên tục nhưng không thể ăn nổi.

Tiến hành kiểm tra lại điểm dị vật mắc trước đó, bác sĩ thấy lòng thực quản bị phù nề, gây chít hẹp lại và đây chính là nguyên nhân khiến bé không thể ăn được. Các bác sĩ đã tiến hành nong tại chỗ, làm rộng điểm bị chít hẹp và tình trạng bệnh nhân ổn định hơn, được xuất viện hôm 13/3 nhưng sẽ phải tái khám, theo dõi tiếp theo chỉ định.

Mẹ bé Huy cho biết, khi con ăn song miếng mức đào, không thấy con ho hay nghẹn, dù sau đó cháu không chịu ăn uống, luôn ở trong tình trạng muốn ọe ra nên chị không hề nghĩ con có khả năng hóc, mà có lẽ do viêm họng. Chị cũng không rõ đây là loại mứt đào gì, chỉ là người bán hàng ở chợ thấy em bé đáng yêu nên cho miếng mứt.

Bác sĩ Ngọc cho biết, trước đó, hồi tháng 7/2009 Viện cũng tiếp nhận trường hợp một người lớn hóc dị vật là ômai, chỉ sau một ngày khi được đưa đến viện quả này đã mủn nát bét, làm hoại tử cả lòng phế quản. Vì thế, BS Ngọc cảnh báo, ngoài phòng nguy cơ hóc dị vật, người dân cũng thận trọng lựa chọn các loại đồ ăn chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, không nên ăn những đồ ăn không rõ nguồn gốc.

Hồng Hải