Hiện tượng đau không rõ nguyên nhân ở trẻ em

(Dân trí) - Có chứng bệnh nào được gọi là “đau phát triển” không? Con trai tôi rất hay kêu đau nhức, đau đớn mà không có triệu chứng nào cụ thể.

Hiện tượng đau không rõ nguyên nhân ở trẻ em - 1


Trả lời:

 

Các bậc cha mẹ thường dùng cụm từ “đau phát triển” để chỉ bất kỳ tình trạng đau đớn hay đau nhức nào ở trẻ nhỏ mà không xác định được nguyên nhân. Thực tế, "đau phát triển" là hiện tượng khiến nhiều bậc cha mẹ mất ăn mất ngủ bởi trẻ thường tỉnh giấc giữa đêm trong sự vật vã vì đau đớn.

 

Về y học, hiện tượng này khá phổ biến và rất đáng chú ý. Ước tính có khoảng 40% trẻ em bị hội chứng này. Đau đớn ở đây có thể là giống như đau do chuột rút, thường là đau cả 2 chân, đôi khi là bắt chân, chứ không phải là vùng nào khác trên cơ thể. Nếu bé chỉ khóc lóc (không có kèm thêm các triệu chứng khác) thì các bậc cha mẹ không nên lo lắng, bởi đó chỉ là do sự khó chịu gây ra mà thôi.

 

Hiện tượng chuột rút này thường xảy ra vào ban đêm và chúng hoàn toàn khác với hiện tượng chuột rút thường gặp ở người lớn. “Đau lớn” thường có xu hướng ảnh hưởng tới trẻ trong độ tuổi từ 4 - 8 và chưa bao giờ xảy ra ở trẻ trên 13 tuổi.

 

Khi một đứa trẻ từng bị “đau lớn” 1 lần, nó sẽ có thể lặp lại trong nhiều tháng, nhiều năm sau. Mặc dù người ta tin rằng chúng là do sự vận động quá mức nhưng nghiên cứu cũng cho thấy không có sự liên hệ nào giữa sự vận động quá nhiều với chứng “đau phát triển”.

 

TS Jake Mackinnon, một chuyên gia đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực này luôn cho rằng dạng đau này là hiện tượng chuột rút và có thể xảy ra khi trẻ nằm mơ mình chạy nhảy hay đang bị đuổi bắt.

 

Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là “đau lớn” không phải là do tình trạng thiếu dinh dưỡng gây ra.

 

Tất nhiên, luôn có những nghi ngờ rằng sự chẩn đoán về chứng “đau lớn” là không đúng và rằng chúng chính là biểu hiện của một căn bệnh nghiêm trọng nào đó.

 

Chìa khóa ở đây có lẽ là thời gian và loại đau đớn mà bé trải qua. “Đau phát triển” thường chỉ gặp vào buổi đêm và cũng rất nhanh hết sau khi được mát xa nhẹ nhàng hay ôm ấp. Và tình trạng đau đớn cũng biến mất khi trời sáng. Ngoài ra, nếu không có hiện tượng sưng, tấy đỏ, phù nề và nếu thân nhiệt trẻ không tăng, không nôn và không có các dấu hiệu bệnh tật khác thì không cần phải đưa trẻ đi khám.

 

Nhân Hà

Theo Dailymail

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ