Hiến máu: Ít cả về chất và lượng

(Dân trí) - “Máu của người bán chuyên nghiệp không đảm bảo chất lượng trong khi số người hiến máu lại không nhiều”, GS. TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu TƯ cho biết tại Hội nghị Đánh giá và xây dựng chương trình An toàn truyền máu giai đoạn 2007- 2015 diễn ra sáng nay (9/5).

Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới, để đảm bảo an toàn truyền máu của mỗi quốc gia, lượng máu thu gom được thì phải bằng 2% dân số của quốc gia đó. Như vậy, Việt Nam với dân số trên 80 triệu - lượng máu thu gom được phải đạt trên 1,6 triệu đơn vị. Tuy nhiên, năm 2006 cả nước thu mới thu gom được 420.688 đơn vị, tương ứng với 0,52% dân số. Trong đó, tổng lượng máu thu được tại Hà Nội, Huế, TPHCM và Cần Thơ chiếm 41%, số còn lại thu rải rác ở 42 tỉnh, thành. 

 

Nhận xét về hệ thống dịch vụ truyền máu Việt Nam hiện nay, TS Trí cho rằng: “Dù đã có nhiều thay đổi nhưng hệ thống dịch vụ này vẫn còn manh mún, tự cấp, tự túc, kỹ thuật sử dụng trong các cơ sở thu gom không thống nhất và tuy tiện”. Trong khi đội ngũ ngũ cán bộ còn rất thiếu (cả nước cần thêm 200 cán bộ) và rất cần đào tạo thêm… Hậu quả dẫn đến là An toàn về truyền máu không đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng. Khó có đủ máu để triển khai các kỹ thuật cao như chạy thận nhân tạo, ghép tủy, ghép gan, ghép thận…

 

Theo báo cáo của Viện Huyết học Truyền máu TƯ, hiện nay, các Trung tâm truyền máu mới chỉ bắt đầu được xây dựng tại Hà Nội, Huế, Huế, TPHCM và Cần Thơ - bao phủ trên 22 tỉnh thành. Như vậy, còn 42 tỉnh thành. Như vậy, cả nước còn 42 tỉnh thành nữa còn thu gom máu theo kiểu tự cấp, tự túc. Nguy cơ thiếu người hiến máu vẫn đang rất lớn và thường xuyên do người hiến máu tình nguyện không nhiều còn người bán máu đang có xu hướng ngày càng ít đi.

 

Thanh Trầm